Năm 2021, dù chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may vẫn đạt hơn 39 tỷ USD, kế hoạch năm tới tăng lên 43 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp (DN) lớn cho rằng, muốn đạt được kết quả trên trong năm 2022, ngành dệt may Việt Nam phải từng bước "xanh hóa", hướng đến phát triển bền vững.
Năm 2021, dù chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may vẫn đạt hơn 39 tỷ USD, kế hoạch năm tới tăng lên 43 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp (DN) lớn cho rằng, muốn đạt được kết quả trên trong năm 2022, ngành dệt may Việt Nam phải từng bước “xanh hóa”, hướng đến phát triển bền vững.
Công ty TNHH MTV Thế Linh (TP.Biên Hòa) ứng dụng máy móc hiện đại trong sản xuất mặt hàng dệt may đáp ứng nhu cầu khách hàng. Ảnh: Hương Giang |
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 2 năm qua, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc), chiếm 5,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Năm 2021, xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.
* Tiết kiệm tài nguyên, chi phí
Khoảng 3-4 năm nay, xu hướng “xanh hóa” ngành dệt may được Việt Nam, thế giới nhắc đến nhiều hơn. Đây là yêu cầu thúc đẩy phát triển ngành dệt may theo hướng bền vững nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường. Trong 2 năm qua, dịch Covid-19, đẩy giá thành sản phẩm tăng cao, áp dụng các giải pháp phát triển bền vững giúp DN ngành dệt may giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Việc “xanh hóa” ngành dệt may được các DN bắt đầu từ việc thay đổi các thiết bị tiết kiệm điện trong các nhà máy sản xuất, tiếp đến từng bước thay đổi các máy móc cũ sử dụng nhiều nhiên liệu sang máy móc hiện đại sử dụng ít nguyên liệu, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; từng bước tự động hóa nhiều khâu trong sản xuất để giảm lao động. DN thực hiện từng bước, đồng bộ dần sẽ giảm được chi phí, hạ giá thành sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó tổng giám đốc Công ty CP Quốc tế Phong Phú (TP.HCM) chia sẻ: “Phong Phú là một trong những DN dệt may đi đầu trong sản xuất xanh và ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong sản xuất nên đã gặt hái được nhiều thành công. Năm 2007, Phong Phú có 28 lao động và doanh thu 10 triệu USD/năm, đến năm 2021 đã tăng lên 17 ngàn lao động và doanh thu đạt 350 triệu USD. Gần 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 tuy có ảnh hưởng đến công ty nhưng nhờ áp dụng quy trình sản xuất bền vững giảm được nhiều rủi ro”.
Mặc dù Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu dệt may, nhưng các DN đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng cùng loại đến từ Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ. Đặc biệt nguyên quý III-2021, nhiều DN dệt may phía Nam bị tổn thất nặng nề do tạm dừng sản xuất hoặc chỉ duy trì 30-50% công suất thì ngành dệt may Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh lại có những “bứt phá” tăng trưởng ngoạn mục. Vì vậy, DN dệt may nào chậm trễ trong việc đưa các máy móc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất sẽ giảm khả năng cạnh tranh. Như vậy, các nhãn hàng có thể chia bớt đơn hàng và luân chuyển sang các nước khác.
Bà Hoàng Thanh Nga, Quản lý chương trình Xanh hóa ngành dệt may, WWF Việt Nam (Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên) cho hay: “Những năm gần đây, mục tiêu của ngành dệt may Việt Nam là “chuyển đổi xanh” nên nhiều DN đã từng bước đưa sang máy móc có công nghệ hiện đại vào thay thế máy móc truyền thống để tăng năng suất, chất lượng, giảm lao động, hạn chế sử dụng hóa chất, nước thải góp phần bảo vệ môi trường. Số tiền DN bỏ ra đầu tư những máy móc hiện đại chỉ sau 3-4 năm, có thể thu hồi vốn. Đồng thời, DN đáp ứng được yêu cầu về phát triển bền vững, dễ dàng giữ chân và tìm được thêm đối tác nước ngoài để ký kết các đơn hàng”.
2 năm liền, đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ vững được vị trí xuất khẩu dệt may thứ 2 trên thế giới là do các DN trên lĩnh vực này đã có sự đầu tư cho phát triển bền vững từ những năm trước và liên tục đào tạo nâng cao tay nghề của người lao động để đáp ứng được những đơn hàng lớn, khó trong đúng hạn, vì thế các đối tác tin tưởng đặt hàng.
Đồng Nai là một trong 6 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn nhất Việt Nam. Trên lĩnh vực này có cả DN có vốn đầu tư trong nước lẫn DN có vốn đầu tư nước ngoài cùng tham gia, song đa số gia công cho các nhãn hàng quốc tế và sản phẩm xuất sang gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
* Xu hướng của năm 2022
Năm 2022, dự báo kinh tế thế giới, trong nước có những thuận lợi, khó khăn đan xen, dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp và nguy hiểm hơn, nhưng ngành dệt may Việt Nam xây dựng kế hoạch sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5-43 tỷ USD, tăng 3,5-4 tỷ USD so với năm 2021. Hiện tại, nhiều DN dệt may đã nhận được đơn hàng đến quý II, III-2022, nhưng vẫn lo lắng dịch bệnh Covid-19 với biến chủng mới Omicron sẽ gây ra tình trạng thiếu lao động, giá nguyên phụ liệu đầu vào tăng cao, thị trường xuất khẩu có những biến động.
Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) áp dụng các quy trình phát triển bền vững để xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới. Ảnh: Hương Giang |
Ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho biết: “Công ty không lo thiếu đơn hàng, nhưng ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất và tiến độ giao hàng. Giá nguyên liệu đầu vào, công vận chuyển tiếp tục tăng cao cũng là khó khăn lớn cho ngành may mặc khi giá thành sản phẩm bị đội lên, lợi nhuận của DN sẽ giảm mạnh. Gần 2 năm qua, công ty vượt qua dịch bệnh là do ứng dụng máy móc công nghệ vào nhiều khâu trong sản xuất, tìm thêm nhiều nguồn nguyên liệu thay thế, đa dạng sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Theo các DN dệt may, trong năm tới, để trụ vững, tiếp tục phát triển bền vững thì phải chấp nhận sống chung với Covid-19, có biện pháp linh hoạt trong phòng, chống dịch bệnh để giảm ca nhiễm SARS-CoV-2 xuống mức thấp nhất. Đồng thời, DN xây dựng đầy đủ, chi tiết các giải pháp về thị trường, nguồn nhân lực, đầu tư cho khoa học - công nghệ.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết: “Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam muốn vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất ổn định và mở rộng được thị trường tiêu thụ thì các DN phải liên kết với nhau từ khâu dệt - sợi - may mặc để tạo thành chuỗi. Từ tháng 1-2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực sẽ có hiệu lực sẽ tạo thêm cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Do đó, các DN nên xây dựng chiến lược xanh hóa ngành dệt may để phát triển bền vững, giữ được hợp tác lâu dài với các nhãn hàng”.
Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới nhưng chủ yếu vẫn là gia công cho các thương hiệu của nước ngoài, rất ít DN xây dựng được thương hiệu riêng mang tầm quốc tế. Dù ngành dệt may đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư sản xuất nguyên liệu trong nước để giảm nhập khẩu, song 50% nguyên liệu vẫn phải mua từ các nước. Riêng lĩnh vực sợi, DN Việt Nam chỉ sản xuất được những dòng sản phẩm thấp cấp, trung cấp, còn dòng cao cấp nhập khẩu gần 100%. Với sợi dệt giá trị gia tăng cao chủ yếu nằm dòng sản phẩm cao cấp và riêng Trung Quốc sản xuất chiếm 80% dòng sợi cao cấp của thế giới.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may đặt ra kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước. Đến năm 2030, chuyển đổi xanh hóa ngành dệt may Việt Nam, đồng thời, xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế. |
Hương Giang