Báo Đồng Nai điện tử
En

Nữ sinh tham gia học nghề - góp phần thực hiện bình đẳng giới

11:01, 07/01/2022

Ngày 30-12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 30-12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2025, giáo dục nghề nghiệp phải thu hút 40-45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT. Việt Nam sẽ phấn đấu để có 70 trường chất lượng cao, đào tạo 150 ngành nghề trọng điểm, trong đó phải có 5-10 ngành nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong các nước ASEAN-4 (gồm: Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines).

Bên cạnh những mục tiêu quan trọng đó, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp quan tâm tới việc cân bằng giới tính trong học nghề. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, nữ sinh viên sẽ đạt hơn 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới và đến năm 2030 là hơn 40%. Đây là một điểm hoàn toàn mới trong các văn bản về giáo dục nghề nghiệp từ trước đến nay.

Thực tế, hiện nay tỷ lệ nữ sinh tham gia học nghề vẫn còn rất ít so với nam sinh. Các nghề chủ yếu được nữ giới lựa chọn là: ngành du lịch, nhà hàng khách sạn, nghề may… Khối ngành kỹ thuật dường như vẫn là “lãnh địa” dành riêng cho nam giới. Các ngành như: cơ khí, công nghệ ô tô, điện, điện tử, tự động hóa, cơ điện… rất hiếm có nữ sinh học tập.

Trong khi đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất đã khiến cho những ngành nghề kỹ thuật này đã trở nên thuận lợi hơn nhiều cho nữ giới. Thậm chí, có nhiều vị trí công việc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, mềm mỏng của phụ nữ mà nam giới khó có thể đáp ứng được. Vì vậy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp công nghệ tìm kiếm, tuyển dụng lao động nữ.

Để khuyến khích nữ giới tham gia học nghề, nhất là khối nghề kỹ thuật, nhiều cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, tổ chức đã triển khai các chương trình học bổng dành riêng cho nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ giới tham gia học khối nghề này vẫn “giậm chân tại chỗ” hoặc tăng rất chậm.

Trong Luật Giáo dục nghề nghiệp (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015), đã bổ sung và lồng ghép 2 nhóm vấn đề mới về giới, đó là bảo đảm quyền lợi ngang nhau, không phân biệt giới trong giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đến việc xây dựng chính sách đối với việc phát triển dạy nghề, chính sách đối với người học và giáo viên dạy nghề. Bộ LĐ-TBXH cũng đã đưa nội dung bình đẳng giới vào chương trình giảng dạy chính thức của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức giới, bình đẳng giới cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trong thời gian tới, chắc chắn Bộ LĐTB-XH sẽ có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thực hiện tốt hơn vấn đề bình đẳng giới và hoàn thành mục tiêu trong chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đây sẽ là cột mốc quan trọng để nâng cao tỷ lệ nữ sinh tham gia học nghề, đồng thời cũng góp phần thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục nghề nghiệp.

Tường Vi

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Tìm hiểu mbti và cách áp dụngHiểu rõ deadline và tầm quan trọng