Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thị trường giúp việc nhà rất chuộng hình thức giúp việc nhà theo giờ. Nhờ đó nhiều người lao động tự do dễ dàng kiếm được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, từ khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát kéo dài, thị trường giúp việc cũng có sự thay đổi lớn.
Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thị trường giúp việc nhà rất chuộng hình thức giúp việc nhà theo giờ. Nhờ đó nhiều người lao động tự do dễ dàng kiếm được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, từ khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát kéo dài, thị trường giúp việc cũng có sự thay đổi lớn.
Bà N.T.H. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đi nhặt, thu mua ve chai để trang trải cuộc sống gia đình khi không còn giúp việc theo giờ |
Hiện nay nhu cầu giúp việc theo giờ giảm mạnh, nhiều người thất nghiệp, trong khi đó, nhu cầu thuê người chăm sóc bệnh tăng cao với thu nhập khá hấp dẫn.
* Giúp việc nhà thất nghiệp, chăm bệnh “lên ngôi”
Từ một người dọn nhà cửa cho 5-6 gia đình/ngày, thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng, mấy tháng nay, bà N.T.H. (46 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) thất nghiệp nên phải đi nhặt ve chai kiếm sống.
Bà H. kể lại, khoảng 6 năm trước sau khi nghỉ việc công ty, bà được người quen giới thiệu đi làm giúp việc theo giờ cho các gia đình. Do siêng năng, sạch sẽ, bà được nhiều người thuê giúp việc với mức phí từ 50-70 ngàn đồng/giờ. Nếu gia đình có tiệc bà còn được bồi dưỡng thêm tiền. Nhờ đó, thu nhập của bà tốt hơn rất nhiều so với đi làm công nhân.
Thế nhưng từ ngày làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4-2021 đến nay, bà H. bị thất nghiệp ở nhà nhiều tháng liền, đến tiền tiết kiệm cũng dùng gần hết. Vẫn tưởng sau khi Đồng Nai mở cửa cho người dân đi lại bình thường sau giãn cách xã hội, bà sẽ kiếm được việc làm nhưng các gia đình quen biết trước đó đều từ chối thuê vì sợ lây lan dịch bệnh.
“Tôi gọi điện để đi làm nhưng các gia đình nói họ có con nhỏ chưa được tiêm ngừa sợ bị lây lan dịch bệnh. Không còn cách nào, tôi đành đi nhặt ve chai bán kiếm tiền sinh sống qua ngày. Đợi khi ổn định các gia đình cần người làm thì sẽ gọi” - bà H. bộc bạch.
Không mất hẳn việc làm nhưng thu nhập của bà L.P.M. (49 tuổi, ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) cũng giảm đáng kể. Theo lời bà M., bà dọn dẹp vệ sinh cho một ngân hàng trên địa bàn vào buổi sáng, còn buổi chiều và tối thì đến các gia đình để giúp việc nhà như: dọn dẹp, nấu ăn, giặt đồ… Do đó, thu nhập của bà M. trước nay đều rất ổn định, nhất là dịp cuối năm ngoài lương còn được thưởng, lì xì.
“Từ khi có dịch, tôi vẫn có thể đi làm việc tại ngân hàng nhưng phải tốn thêm nhiều chi phí test 3 ngày một lần. Tôi muốn dùng giấy đó để các chủ nhà tiếp tục thuê làm nhưng họ sợ dịch nên từ chối. Vì thế tôi cũng mất việc và thu nhập giảm đi rất nhiều. Cuối năm rồi mà vẫn chưa thấy họ thuê lại” - bà M. cho hay.
Trong khi người giúp việc nhà thất nghiệp thì một số người chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện hoặc tại nhà lại được thuê rất nhiều với thu nhập “khủng”. Điều kiện là họ phải ở lại bệnh viện hoặc gia đình người bệnh 24/24. Bà Nguyễn Thị Vân (51 tuổi, quê Yên Bái) kiếm được thu nhập kha khá nhờ chăm bệnh nhân mùa dịch.
Bà Vân kể lại, cách đây 10 năm, sau khi từ quê vào TP.HCM, bà đến các trung tâm giới thiệu việc làm thì được họ giới thiệu cho công việc chăm bệnh nhân. Ban đầu, công việc vất vả và khó khăn vì không có kỹ năng chăm sóc người bệnh, nhưng lâu dần, khi quen việc thì bà làm mọi việc rất nhanh, thành thạo và được nhiều người thuê.
Vì thường xuyên ở trong bệnh viện nên vào tháng 8-2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát bà không may bị nhiễm Covid-19 và phải điều trị một thời gian. Khỏi bệnh, bà tiếp tục chăm sóc các bệnh nhân. Trong đợt này, người chăm bệnh đã từng bị F0 như bà lại được “săn đón” rất nhiều với mức giá từ 500 ngàn đến 1,5 triệu đồng/ngày để chăm người bệnh (tùy mức độ bệnh nặng nhẹ). “Tôi làm ở TP.HCM gần 10 năm và mới xuống chăm bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được khoảng 2 tháng nay. Tôi chăm từ những người bệnh nhẹ, bệnh nặng đến cả những ca nhiễm Covid-19, ai thuê tôi đều làm để có thu nhập lo cho gia đình” - bà Vân cho biết.
* Chuyển hướng cung cấp dịch vụ giúp việc
Không chỉ những người giúp việc theo giờ mà cả những công ty cung ứng lao động giúp việc nhà cũng gặp không ít khó khăn. Có công ty phải cho nhân viên nghỉ việc vì không có việc làm, có những công ty bỏ hẳn mảng giúp việc theo giờ để chuyển hướng sang giúp dọn dẹp vệ sinh, phun khử khuẩn tại các trường học, bệnh viện, cơ quan, doanh nghiệp…
Bà Nguyễn Thị Vân (51 tuổi, quê tỉnh Yên Bái) chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai với thu nhập cao và ổn định |
Anh Hoàng Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Bình Minh Xanh (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) cho hay, công ty của anh đã hoạt động cung ứng lao động giúp việc nhà và vệ sinh trong các công ty, xí nghiệp gần 3 năm. Trước khi có dịch bệnh, nhân viên đông, riêng giúp việc nhà theo giờ có khoảng gần 20 người, công việc nhiều, thu nhập ổn định. Thông thường trong những dịp cuối năm nhu cầu giúp việc nhà tăng cao, nhất là tổng dọn dẹp, vệ sinh để chuẩn bị đón Tết. Thế nhưng năm nay, các gia đình hầu như không còn mặn mà với giúp việc nhà theo giờ do lo sợ dịch bệnh khi có người ngoài vào nhà.
“Dịch bệnh nên mảng cung ứng giúp việc nhà theo giờ gặp nhiều khó khăn, do đó, tôi chỉ giữ lại 4-5 người làm lâu năm, số còn lại cho nghỉ để họ về quê hoặc tìm việc khác. Cũng có một số người gọi đến nhờ dọn dẹp nhưng không nhiều. Do đó, để đảm bảo hoạt động của công ty thì chúng tôi bỏ hẳn mảng giúp việc theo giờ, chỉ giữ chân một số khách hàng và nhân viên thân quen” - anh Hiệp cho hay.
Trong khi đó, một quản lý của Công ty TNHH MTV SX-TM-DV Hưng Anh Phát (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) cho hay, công ty cung ứng giúp việc, dọn dẹp vệ sinh từ năm 2016 và hoạt động rất ổn định. Cho đến khi dịch bệnh bùng phát công ty phải chuyển hướng cung ứng giúp việc nhà theo giờ sang vệ sinh trong các công ty, xí nghiệp… có hợp đồng cụ thể.
Theo vị quản lý này, từ khi dịch bệnh bùng phát, giúp việc nhà theo giờ gặp khó không hẳn do nhu cầu ít mà còn do chủ nhà khắt khe hơn đối với nhân viên khiến hai bên không thỏa thuận được điều khoản như: mức phí, thủ tục khi vào làm...
“Các công ty hoặc khách hàng lâu năm thường sẽ có hợp đồng cụ thể và có xác định rõ các điều khoản từ đầu. Còn việc cung ứng cho các gia đình cần giúp việc theo giờ thường gặp nhiều rủi ro hơn như: không trả tiền vì dịch bệnh hoặc trả tiền chậm dẫn đến nợ xấu nhiều; không may nhân viên bị nhiễm bệnh Covid-19 họ sẽ trách móc, gây khó dễ hoặc gây mất uy tín cho phía công ty. Ngoài ra, nguồn thu từ giúp việc theo giờ cũng không cao. Do đó đợt này chúng tôi đẩy mạnh cung ứng tạp vụ, dịch vụ dọn dẹp vệ sinh cho các công ty, xí nghiệp, trường học...” - vị quản lý này cho hay.
Trong khi đó, nhiều khách hàng lo sợ lây nhiễm dịch bệnh, ảnh hưởng cuộc sống gia đình nên tự dọn dẹp mọi thứ thay vì thuê người ngoài đến giúp như trước. Như chị Thiên Lý (ngụ TP.Biên Hòa) vốn là một khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ giúp việc nhà theo giờ nhưng khi dịch bệnh phức tạp chị không còn thuê giúp việc nữa mà tự làm việc nhà.
Theo chị Lý, khi có dịch, vợ chồng chị đều làm việc tại nhà, hai người con cũng không còn đi học nên việc nhà mọi người trong gia đình có thể cùng nhau làm, vừa đỡ tốn chi phí lại tránh được dịch bệnh vì các con còn nhỏ chưa đủ điều kiện tiêm ngừa.
Hiện nay nhu cầu giúp việc nhà theo giờ không nhiều nhưng nhu cầu thuê người ở lại tại nhà hoặc chăm người bệnh lại rất lớn. Trong khi đó đa phần những người giúp việc nhà họ chỉ muốn giúp việc theo giờ để thoải mái, tự do, còn có thời gian dành cho gia đình và mức thu nhập cũng cao hơn…
Trên địa bàn Đồng Nai hiện có khoảng vài chục công ty cung ứng giúp việc nhà theo giờ, nhưng từ ngày có dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đa phần các doanh nghiệp cung ứng này đều chuyển hướng cung cấp các dịch vụ khác để có đủ công việc cho nhân viên. |
Tố Tâm