Trước những khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, ngành Du lịch đang nỗ lực phục hồi thị trường thông qua nhiều giải pháp. Trong đó, mục tiêu chuyển đổi công nghệ, quảng bá các sản phẩm du lịch trên không gian mạng đã tạo được những kết quả ban đầu, thể hiện sự thích ứng linh hoạt của ngành "công nghiệp không khói".
Trước những khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, ngành Du lịch đang nỗ lực phục hồi thị trường thông qua nhiều giải pháp. Trong đó, mục tiêu chuyển đổi công nghệ, quảng bá các sản phẩm du lịch trên không gian mạng đã tạo được những kết quả ban đầu, thể hiện sự thích ứng linh hoạt của ngành “công nghiệp không khói”.
Khám phá rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, một sản phẩm du lịch nổi tiếng trên cộng đồng mạng do Công ty Trị An Adventure thực hiện. Ảnh: Thủy Mộc |
Quảng bá các sản phẩm du lịch trực tuyến trên các trang mạng xã hội, phát triển sản phẩm tham quan các mô hình du lịch bằng trải nghiệm thực tế ảo 3D… Với sự chăm chút tỉ mỉ, từng hình ảnh phải được thể hiện rõ nét, sống động về con người, cảnh quan thiên nhiên thực tế của sản phẩm du lịch trên không gian số, những doanh nghiệp (DN) đã tự nâng cấp mình để đưa sản phẩm đến với thị trường.
* Giới thiệu sản phẩm thật qua không gian ảo
Đầu tháng 12-2021, TP.HCM tổ chức thành công Ngày hội Du lịch trực tuyến TP.HCM năm 2021, cho phép DN, khách tham quan, trải nghiệm và mua sắm các sản phẩm du lịch… từ xa. Trong số 112 đơn vị tham gia đến từ 42 tỉnh, thành, Công ty TNHH Du lịch và trải nghiệm Trị An Adventure là đơn vị duy nhất của Đồng Nai tham gia gian hàng 3D trực tuyến với các sản phẩm đang gây sốt cộng đồng mạng như sản phẩm khám phá làng quê nông thôn Phú Điền Homestay, Du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên rừng, hồ tại Vườn quốc gia cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai…
Vốn là một người trẻ có đam mê trải nghiệm và thích khám phá thiên nhiên, anh Thân Văn Linh, Giám đốc Công ty Trị An Adventure cho biết, ngay từ khi bước chân vào làm du lịch, anh đã có những ý tưởng áp dụng công nghệ thông tin cũng như những kỹ năng về quay phim, chụp ảnh, dựng clip để quảng bá sản phẩm của mình trên các mạng xã hội. Do đó, khi được đề nghị tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm du lịch trực tuyến, anh Linh rất hào hứng và không chút do dự. Anh chia sẻ, trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh, ngoài tham gia những chương trình thiện nguyện chung tay chống dịch, thời gian còn lại anh Linh dành để học thêm kiến thức làm clip, chụp ảnh, tạo ra những sản phẩm du lịch số để chờ ngày tái xuất. Hội chợ du lịch trực tuyến với gian hàng 3D chính là cơ hội cho anh kiểm chứng những nỗ lực của mình trong những ngày tự học ở nhà.
“Tham gia gian hàng trực tuyến mới thấy sự thú vị, bởi với cách thức này, DN cũng như khách có nhu cầu tìm hiểu, chia sẻ sản phẩm có thể được đáp ứng tối đa. Du khách có thể tham quan trước điểm mình dự định sẽ đi, tìm hiểu về đặc điểm, những món ăn, địa danh độc cáo cần tới khi đến trải nghiệm. Đối với DN, trong tương lai đây là cơ hội để DN quảng bá sản phẩm, hình ảnh mà không cần phải tới nơi…” - anh Linh nói.
Dù chưa nhiều DN có thể tự học hỏi, xây dựng kịch bản cho các sản phẩm du lịch của mình một cách sinh động nhất trên không gian ảo, nhưng với sự phủ sóng của mạng xã hội, các ứng dụng thông minh, nhiều DN du lịch đã xây dựng những chuyên trang cá nhân để đăng tải hình ảnh, clip nhằm tăng sự tương tác với khách hàng. Đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì việc tổ chức theo hình thức trực tuyến vừa đáp ứng yêu cầu hạn chế tiếp xúc phòng dịch, mà vẫn quảng bá những hình ảnh đẹp, lợi thế, tiềm năng du lịch địa phương được đánh giá là những giải pháp tối ưu đối với ngành Du lịch.
* Công nghệ hỗ trợ quảng bá du lịch
Cùng với những nỗ lực của DN du lịch đi tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh cũng như theo xu hướng chung của thế giới trong ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực, Đồng Nai không nằm ngoài hành trình cải cách với những kế hoạch cụ thể trong chuyển đổi số đối với hoạt động du lịch. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra thông qua Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025.
Các hình ảnh quảng bá du lịch thực tế ảo tại Nhà máy Sản xuất bột ngọt Ajinomoto của Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam tại Biên Hòa |
Với tinh thần đó, năm 2019, Đồng Nai đã nâng cao chất lượng giải pháp du lịch thông minh để tăng cường hiệu quả công tác quảng bá du lịch trên 3 nền tảng, bao gồm Cổng thông tin du lịch tỉnh Đồng Nai tại địa chỉ http://mydongnai.vn, ứng dụng Du lịch thông minh trên smart phone (app Dong Nai Tourism) và hệ thống quản lý lưu trú. Ứng dụng và trang thông tin điện tử cung cấp cho du khách các thông tin về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Đồng Nai với các điểm du lịch đang khai thác và nhiều cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng, nhà hàng, khu vui chơi, mua sắm, dịch vụ đi lại… tích hợp các ứng dụng hỗ trợ du khách xây dựng chương trình, đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến theo nhu cầu cá nhân.
Sau thời gian đưa vào sử dụng, app Dong Nai Tourism nhận được sự đánh giá tích cực từ cộng đồng và giới chuyên môn như: Tải dữ liệu nhanh chóng, giao diện thân thiện, mượt mà trong mỗi tìm kiếm tiện ích du lịch. Đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách về loại hình du lịch, giá phòng khách sạn, món ăn ưa thích, hành trình ưa thích, địa điểm du lịch ưa thích... Để không giới hạn người xem, Dong Nai Tourism còn thêm phần ngôn ngữ tiếng Anh dành cho người nước ngoài, khắc phục được điểm yếu của nhiều app du lịch trong nước trước đây khi thiếu hỗ trợ người dùng là khách du lịch quốc tế.
Trao đổi về những thay đổi trong quá trình chuyển đổi số cho ngành Du lịch tỉnh nhà, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó trưởng phòng Quản lý VH-TTDL (Sở VH-TTDL) cho biết, thực tế, chuyển đổi số đã được đặt ra từ vài năm gần đây qua. Tuy nhiên, phải đến khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn ngành thì việc triển khai thực hiện một cách quyết liệt, hệ thống hơn. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi ngành quản lý du lịch cũng như các DN du lịch, lữ hành phải chủ động thích ứng để phục hồi và tìm con đường phát triển bền vững hơn trong bối cảnh bình thường mới. Thể hiện sự chủ động, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi cách thức hoạt động và phát triển các sản phẩm mới sẽ giúp du lịch vượt qua được khó khăn, sớm khôi phục ngành Du lịch theo chương trình hành động phát triển du lịch của tỉnh, giai đoạn 2021-2025.
Hiện nay, nhiều DN du lịch lớn trên địa bàn tỉnh cũng đã tận dụng Facebook, YouTube, website, app du lịch... để quảng bá sản phẩm khá hiệu quả. Các khu, điểm du lịch như: KDL Thác Giang Điền, Bửu Long, Vườn Xoài, Suối Mơ; các resort, khách sạn cũng như các DN lữ hành chuyên tổ chức tour tham quan du lịch đã khai thác rất tốt việc quảng bá hình ảnh, các sản phẩm, gói du lịch trên các kênh truyền thông số này. Một số sản phẩm du lịch gắn với công nghệ số như du lịch thực tế ảo cũng được đưa vào thử nghiệm với chương trình tour tham quan thực tế ảo tại Nhà máy Ajinomoto… đem lại trải nghiệm nghe, nhìn ấn tượng. |
Thủy Mộc