Báo Đồng Nai điện tử
En

Một thoáng Tam Đảo

07:12, 24/12/2021

Là người sống, trưởng thành từ Đà Lạt nên khi biết ở phía Bắc có các thị trấn, thị xã nghỉ mát Tam Đảo, Sa Pa, tôi đã tự nhủ là ít nhất một lần trong đời phải đặt chân đến. Sau khi đã khám phá TX.Sa Pa quanh năm mây mù thì nay tôi đã có mặt ở thị trấn Tam Đảo (cao trung bình hơn mặt nước biển khoảng 900m) để khám phá đô thị du lịch nhỏ nhắn này.

Là người sống, trưởng thành từ Đà Lạt nên khi biết ở phía Bắc có các thị trấn, thị xã nghỉ mát Tam Đảo, Sa Pa, tôi đã tự nhủ là ít nhất một lần trong đời phải đặt chân đến. Sau khi đã khám phá TX.Sa Pa quanh năm mây mù thì nay tôi đã có mặt ở thị trấn Tam Đảo (cao trung bình hơn mặt nước biển khoảng 900m) để khám phá đô thị du lịch nhỏ nhắn này.

* Thị trấn nghỉ dưỡng trên cao

Cậu em họ nhà ở Phú Thọ đích thân đánh xe ô tô ra tận sân bay Nội Bài đón và chở thầy trò chúng tôi lên thẳng Tam Đảo. Chiếc xe bon bon trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai được vài chục cây số rồi rẽ vào quốc lộ 2B ngược lên H.Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Càng gần đến nơi đường càng dốc và khó đi. Mặt đường quá hẹp chỉ vừa đủ chỗ cho 2 xe ô tô tránh nhau, nhiều đoạn quanh co, cua gắt nên khá nguy hiểm. Rất may là cậu em thỉnh thoảng cũng đưa vợ con lên du lịch nên cũng thông thạo đường sá. Được cái là cảnh quan hai bên đường có nhiều thông xanh giống như ngoại ô Đà Lạt. Và càng gần trung tâm thành phố thì nhà nghỉ, khách sạn mọc lên san sát. Cậu em nói: “Nhiều khách sạn vậy mà vào mùa hè, dịp cuối tuần có khi không tìm ra phòng đấy anh ạ”. Cuối cùng thị trấn Tam Đảo cũng hiện ra.

Cái tên Tam Đảo có được là do 3 ngọn núi cao Thạch Bàn (1.388m), Thiên Thị (1.375m) và Phù Nghĩa (1.400m) nhô lên trên biển mây bồng bềnh. Cùng do người Pháp xây dựng, dù có diện tích nhỏ hơn rất nhiều lần so với Sa Pa (tỉnh Lào Cai) hay Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) nhưng nhờ chỉ cách Hà Nội 80km nên Tam Đảo thu hút lượng khách du lịch đông gấp nhiều lần. Tỷ lệ khách đến/dân số của Tam Đảo là 1.500 lần so với Sa Pa là 39 lần và Đà Lạt là 27,8 lần. Thời điểm năm 2019, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, TT.Tam Đảo đã đón 1,5 triệu lượt khách du lịch - một con số kỷ lục so với dân số chỉ trên dưới 1 ngàn người.

Ấn tượng đầu tiên của Tam Đảo chính là đường sá nhỏ hẹp, dốc nhưng lại rất nhiều khách sạn chen chúc nhau trên từng con dốc phố. Người ta tận dụng tất cả để xây nhà nghỉ, khách sạn. Và rất khó để nhận ra đâu là dấu tích của một đô thị nghỉ dưỡng được người Pháp xây dựng với hình ảnh quen thuộc là các biệt thự đậm chất Pháp như thường thấy ở đô thị Đà Lạt hay Sa Pa. Nhưng điều cảm nhận được ngay chính là khí hậu mát mẻ so với Hà Nội.

Chiếm số đông du khách vẫn là những nam thanh nữ tú từ thủ đô và các tỉnh quanh Hà Nội đến với Tam Đảo bằng xe máy để đổi gió. Ngoài những chiếc xe vận tải du lịch 16 chỗ ngược xuôi quanh thị trấn để đón, trả khách thì lượng xe ô tô gia đình 5-7 chỗ đi nghỉ mát cũng khá nhiều và đông nhất vẫn là từ Hà Nội. 

Chúng tôi chọn ở khách sạn Orient ngay đầu thị trấn, ngay đầu cầu Mặt khỉ số 1. Sáng hôm sau, hai thầy trò chúng tôi cố tìm một nơi thật lý tưởng để ăn điểm tâm và dùng cà phê. Lùng sục một hồi chúng tôi cũng tìm được một quán bề thế, xây cất hiện đại nhưng mô phỏng kiến trúc biệt thự có cái tên cũng lạ Rock Cafe, bên trong có thiết kế lò sưởi vừa tạo dáng cho ngôi nhà vừa có thể đốt củi trong các bữa tiệc tối mùa đông để tạo sự ấm cúng. Tầng trên có ban công rộng lát gỗ tạo sự ấm cúng. Quán rộng đến mức có thể chứa một lúc hàng trăm thực khách và ở tầng trên cũng là nơi lý tưởng để vãn cảnh thị trấn, nhất là có thể bao quát toàn bộ quảng trường chợ và công viên trung tâm ở ngay trước mặt.     

* Bâng khuâng về quy hoạch kiến trúc

Trong suy nghĩ của chúng tôi, Tam Đảo cũng có những biệt thự kiến trúc Pháp như Sa Pa hay Đà Lạt nhưng thật tiếc khi chỉ còn duy nhất nhà thờ với kiến trúc đá đặc trưng. Trong điều kiện đất bằng rất ít, đường sá chật hẹp thì việc có được sân nhà thờ rộng, cao có thể nhìn toàn cảnh thị trấn chính là vị trí lý tưởng để săn ảnh hay chụp hình bằng điện thoại. Chúng tôi bắt gặp một đôi uyên ương đang chụp ảnh cưới trong trang phục đậm chất Âu. Trông họ thật đẹp đôi và rất phù hợp với một nhà thờ có kiến trúc cổ châu Âu này.

Du lịch Tam Đảo mùa đông. Ảnh: Internet
Du lịch Tam Đảo mùa đông. Ảnh: Internet

Ngược dòng thời gian, Tam Đảo bắt đầu được người Pháp xây dựng thành nơi nghỉ dưỡng cho quan chức Pháp vào đầu thế kỷ XX và đến khoảng năm 1940 là thời hoàng kim, Tam Đảo có 145 tòa nhà, biệt thự cao cấp, nguy nga; trong đó có khoảng 60 biệt thự với kiến trúc khác nhau mang đậm chất châu Âu nhưng đến thời kháng chiến chống Pháp, các biệt thự đã bị phá hủy. Du khách chỉ có thể mường tượng ra di sản biệt thự ngày nào qua vài nền móng biệt thự hoang tàn làm bạn với cây cỏ, rêu phong…

Món su su luộc là đặc sản của Tam Đảo
Món su su luộc là đặc sản của Tam Đảo

Năm 1966, thị trấn Tam Đảo được thành lập theo Quyết định số 198-CP của Hội đồng Chính phủ, trực thuộc H.Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau đó khi sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thì Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Phú và đến khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc thì Tam Đảo trở lại như lúc ban đầu (nhưng thị trấn Tam Đảo không phải là thị trấn huyện lỵ của H.Tam Đảo). Trong những năm bao cấp, Tam Đảo cũng chỉ có trên dưới 10 khách sạn của các cơ quan trung ương và chỉ thật sự chuyển động khi làn sóng du lịch bùng nổ vào giữa thập niên 1990 kéo theo các nhà đầu tư đến mua đất xây khách sạn và tập trung nhiều nhất trong khoảng 15 năm từ năm 2000-2015 khi giá đất rẻ, nhân công và vật liệu cũng chưa tăng cao làm cho chi phí đầu tư ban đầu thấp. 

Ngắm thị trấn Tam Đảo từ quán Rock Cafe (Ảnh chụp trước tháng 4-2021)
Ngắm thị trấn Tam Đảo từ quán Rock Cafe (Ảnh chụp trước tháng 4-2021)

Tuy nhiên, do tình trạng xây dựng nóng nên bức tranh kiến trúc của Tam Đảo khá là lộn xộn. Từ một “đô thị” du lịch thuần túy với kiến trúc đặc trưng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên như thời gian đầu thì ngày nay kiến trúc nhà phố, nhà hộp đang chi phối các con đường đồi dốc, nhất là quanh khu quảng trường, bên hông nhà thờ. Hầu hết các con đường ở Tam Đảo không có hè phố để du khách đi bộ nên chỉ còn cách đi bộ dưới lòng đường - lưu thông chung với các phương tiện ô tô, xe máy nên khá nguy hiểm. Và cũng không khó để nhận ra tình trạng lấn chiếm đất rừng thông cảnh quan cũng đang diễn ra… 

Một câu hỏi đặt ra với Tam Đảo là cần bảo tồn và phát triển kiến trúc cảnh quan theo hướng nào khi di sản kiến trúc Pháp không còn? Đây quả là một câu hỏi khó nhưng không lẽ không có câu trả lời...

Văn Phong

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích