Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ vọng thị trường cuối năm

11:12, 10/12/2021

Tháng cuối năm thường là mùa cao điểm mua sắm và luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người. Năm nay, mùa mua sắm cuối năm trở nên đặc biệt hơn khi cả nước vừa quay lại với nhịp sống "bình thường mới" sau thời gian dài giãn cách.

Tháng cuối năm thường là mùa cao điểm mua sắm và luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người. Năm nay, mùa mua sắm cuối năm trở nên đặc biệt hơn khi cả nước vừa quay lại với nhịp sống "bình thường mới" sau thời gian dài giãn cách.

Sự kỳ vọng vào tăng trưởng nhu cầu từ người tiêu dùng là điều mà các doanh nghiệp (DN), nhà bán lẻ hàng tiêu dùng quan tâm. Nhiều đơn vị cung ứng hàng hóa cho hay đợt khuyến mãi tập trung lần này là dịp thúc đẩy tiêu dùng mua sắm cũng như giới thiệu chương trình kích cầu, cùng người dân tiết kiệm chi tiêu qua những hoạt động khuyến mãi với hạn mức khuyến mãi tối đa. Thậm chí, trong điều kiện của mình, DN có thể được phép thực hiện khuyến mãi đặc biệt lên đến 100% thay vì 50% như bình thường để kích cầu tiêu dùng sau những tác động của dịch Covid-19. Trong khi đó với người dân thì đó là cơ hội để có thể mua được hàng chất lượng với giá rẻ, khuyến mãi. Lễ hội mua sắm, giảm giá kịch sàn, khuyến mãi khủng… là những mỹ từ mà người tiêu dùng thường xuyên bắt gặp trên đường phố, trong cửa hiệu hay trong siêu thị và các sàn thương mại điện tử.

Cơ hội cho cả người bán đẩy mạnh doanh số và người tiêu dùng “thỏa sức” mua sắm, bù lại những tháng chi tiêu dè sẻn trong năm là có nhưng bên cạnh cơ hội thì thường đi kèm thách thức. Đối với các nhà kinh doanh thì sau một thời gian dài giãn cách, diễn biến sức mua thị trường vẫn là ẩn số. Mặc dù đây đó, người này người kia tăng chi tiêu nhưng xu hướng chung vẫn là cắt giảm, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu gắn với nhu cầu sử dụng hằng ngày. Tình hình dịch bệnh vẫn còn khả năng diễn biến phức tạp, người tiêu dùng dù sao cũng thận trọng hơn, ngay cả đối với giới trẻ vì họ vừa trải qua một năm rất bấp bênh về công việc cũng như thu nhập. Cũng bởi tác động của dịch bệnh mà xu hướng tiêu dùng của người dân có sự thay đổi so với trước, nhất là sẽ ưu tiên hơn đối với những sản phẩm thiên về chăm sóc sức khỏe trong giỏ hàng mua sắm của mình. Do vậy, DN cần nắm bắt hành vi tiêu dùng mới cũng như dự đoán khả năng chi trả của người mua để có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh, thương mại điện tử được coi là công cụ hữu hiệu để DN quảng bá sản phẩm, gia tăng doanh số bán hàng tuy nhiên với người tiêu dùng, mua hàng qua mạng cũng không thể nào tin tưởng tuyệt đối. Có nhiều trường hợp dở khóc dở cười đã xảy ra đối với mẫu mã, chất lượng hàng hóa đã được đặt mua. Mùa mua sắm cuối năm, những hiện tượng trên chắc chắn sẽ gia tăng.

Để có một mùa mua sắm thành công cho cả người bán lẫn khách hàng thì việc tỉnh táo trong lựa chọn chương trình khuyến mãi, tiếp cận người tiêu dùng dựa trên nhu cầu thực là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý địa phương cũng cần thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Văn Gia

Tin xem nhiều