Các tranh minh họa màu được vẽ mới hoàn toàn đã "khoác lên màu áo mới" cho hai tác phẩm nổi tiếng của nền văn học Việt Nam Thương nhớ mười hai (nhà văn Vũ Bằng) và Bỉ vỏ (Nguyên Hồng).
Tranh của họa sĩ Duy Hưng trên bìa cuốn Thương nhớ mười hai (Vũ Bằng) |
Các tranh minh họa màu được vẽ mới hoàn toàn đã “khoác lên màu áo mới” cho hai tác phẩm nổi tiếng của nền văn học Việt Nam Thương nhớ mười hai (nhà văn Vũ Bằng) và Bỉ vỏ (Nguyên Hồng).
Việc hai tác phẩm nổi tiếng của nền văn học Việt Nam xuất hiện (NXB Văn học và Đông A ấn hành trung tuần tháng 12-2021) trong diện mạo mới kết hợp giữa vẻ đẹp của văn chương và hội họa là một tín hiệu rất đáng mừng cho làng sách trong nước, giới văn sĩ lẫn các tầng lớp bạn đọc yêu văn chương.
* Tăng giá trị danh tác
Người đọc (nhất là thế hệ trẻ, sinh viên, học sinh) giờ đây có thể thưởng thức các danh tác của tác giả Việt mà giá trị được khẳng định vượt thời gian. Sức hấp dẫn của các tác phẩm này càng được nâng tầm thời đại và thu hút công chúng hôm nay hơn khi được tổ chức nội dung - hình thức khác biệt và tăng tính thẩm mỹ.
Cụ thể như Thương nhớ mười hai và Bỉ vỏ đều có nhiều tranh minh họa mới của các họa sĩ Việt Nam đương đại. Điều này nhắc nhớ tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng và Người kép già của Kim Lân cũng đã được xuất bản với nhiều tranh minh họa tuyệt đẹp (của các họa sĩ Thành Chương, Thành Phong). Hay Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp xuất bản tháng 8-2020 cũng chứa loạt tranh minh họa đặc sắc từ nhiều họa sĩ đương đại Việt Nam nổi tiếng.
Việc tôn vinh các danh tác của Việt Nam đã đi sâu vào lòng bạn đọc nhiều thế hệ lần này sẽ mang dấu ấn xuyên suốt là các tác phẩm xuất bản mới sẽ được minh họa bởi một họa sĩ Việt Nam đương đại, đảm bảo tính nhất quán, hài hòa giữa nội dung và tranh vẽ, mang đến cho bạn đọc yêu nghệ thuật lẫn văn chương những cảm xúc, ấn tượng khi cầm trên tay tác phẩm trang nhã, đẹp mắt.
Tranh vẽ trong Thương nhớ mười hai (trang 234-235) |
* Hội họa - văn học chắp cánh nhau
Chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần, ông Đạt Nhân (biên tập viên Đông A) cho biết Tủ sách Văn chương & mỹ thuật chính thức ra mắt từ ngày 11-12 với mục tiêu “khoác màu áo mới” cho các tác phẩm nổi tiếng (nhất là tác phẩm xuất bản đã lâu, tác phẩm có thể đã thất lạc, hoặc có nhiều dị bản chỉnh sửa theo thời gian) bằng hội họa. Như tác phẩm Bỉ vỏ (Nguyên Hồng, 1918-1982) gồm nhiều tranh minh họa của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ (hậu duệ nhà thơ Hoàng Trung Thông, 1925-1993).
“Tinh thần là làm thế nào để đưa độc giả đến thật gần với nguyên tác (bản in lần đầu của tác phẩm - lúc tác giả viết với cảm xúc nguyên sơ và chân thực nhất), có thể gói nôm na trong cụm từ “ôn cố tri tân”. Khi cầm trên tay một ấn phẩm, bạn đọc không chỉ được đọc văn, mà còn được xem tranh. Ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ hội họa chắp cánh cho nhau trong một bản sách” - ông Đạt Nhân cho hay.
Còn họa sĩ trẻ Duy Hưng - người vẽ minh họa cho cuốn Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng (1913-1984) dựa trên cảm hứng từ tranh lụa Việt Nam đầu thế kỷ XX của các danh họa nổi tiếng như: Lê Phổ, Mai Trung Thứ… cho biết: “Bản thân tôi là một người có hứng thú với sách vở văn chương và tin rằng Tủ sách Văn chương & mỹ thuật sẽ có vị trí đặc biệt trong giới thưởng ngoạn. Thông thường sách thuần văn chương chú trọng nhiều vào biểu cảm của ngôn từ, còn sách tranh (art book) thì tập trung thể hiện nội dung ở hình ảnh. Tuy nhiên, các tác phẩm nào chú trọng cả về văn chương lẫn được chăm chút kỹ lưỡng về mặt hình ảnh, thì quyển sách sẽ vừa là những trang văn chữ, vừa là những trang tranh hội họa, mang giá trị sưu tầm, sưu tập, lưu trữ vượt thời gian”.
Tranh họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ trong trang 24-25 của tác phẩm Bỉ vỏ |
Nhiều họa sĩ tham gia Theo thông tin chúng tôi có được, có nhiều họa sĩ tiếp tục tham gia vẽ minh họa cho các tác phẩm “văn chương song hành hội họa” sẽ ra mắt công chúng đầu năm 2022. Cụ thể, họa sĩ Tạ Huy Long vẽ minh họa cho tác phẩm Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940, là nhà văn Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX). Họa sĩ Đào Hải Phong vẽ Gió đầu mùa & Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam (1910-1942). Họa sĩ Đặng Xuân Hòa minh họa cho Tuyển tập truyện ngắn Nam Cao… Các họa sĩ sẽ vẽ minh họa theo chương, tầm 10-15 bức tranh cho mỗi tác phẩm. |
Long Khánh