Báo Đồng Nai điện tử
En

Khám phá bản thân với nghề công nghiệp 4.0

11:12, 10/12/2021

Chăm chỉ luyện tập, tích cực tự học để bổ sung kiến thức, Thái Thị Bảo Trân và Phan Thanh Hiếu (sinh viên Khoa Kỹ thuật công nghệ Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, ở H.Long Thành) đã chuẩn bị kỹ càng để hoàn thành tốt các nội dung tranh tài tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2021.

Chăm chỉ luyện tập, tích cực tự học để bổ sung kiến thức, Thái Thị Bảo Trân và Phan Thanh Hiếu (sinh viên Khoa Kỹ thuật công nghệ Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, ở H.Long Thành) đã chuẩn bị kỹ càng để hoàn thành tốt các nội dung tranh tài tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2021.

Thái Thị Bảo Trân và Phan Thanh Hiếu (sinh viên Khoa Kỹ thuật công nghệ Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2) tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2021. Ảnh: H.Yến
Thái Thị Bảo Trân và Phan Thanh Hiếu (sinh viên Khoa Kỹ thuật công nghệ Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2) tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2021. Ảnh: H.Yến

Đây là 2 trong những thí sinh đầu tiên của Việt Nam tham gia thi nghề công nghiệp 4.0 và đã được chọn để tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới sẽ được tổ chức vào năm 2022.

* Bước chuyển hướng quan trọng

Suốt những năm học phổ thông cho đến khi tốt nghiệp THPT, Phan Thanh Hiếu không hề có định hướng, mơ ước gì về nghề nghiệp trong tương lai. Mặc dù học lực đạt loại khá nhưng Hiếu không có ý định đi học nghề hay đại học.

Hiếu nhớ lại: “Em dự định xin vào Công ty TNHH Bosch Việt Nam để được làm việc gần nhà và sớm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhưng sau đó gia đình đã định hướng cho em đi học nghề tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2. Ban đầu, em chỉ xác định sẽ học về điện chứ chưa biết sẽ chọn ngành nào. Cuối cùng, em đã chọn học ngành điện công nghiệp quốc tế”.

Trong kỳ thực tập tại doanh nghiệp, Thái Thị Bảo Trân được đưa từ vị trí công nhân lên thực tập tại vị trí thiết kế (thiết kế tủ điện). Kết thúc thực tập, Trân còn được công ty đề nghị ở lại làm việc với mức lương thử việc 8 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, Trân đã từ chối cơ hội việc làm này bởi em vẫn còn những sự lựa chọn khác.

Dù không phải là ngành nghề mơ ước nhưng khi bước vào học, Hiếu nhận thấy đây là ngành học khá thú vị. “Học ngành điện không có nghĩa là chỉ học đấu điện, em được học thiết kế thông qua các môn như: vẽ autocad, vẽ solidworks, học tiếng Anh chuyên ngành điện…” - Hiếu chia sẻ.

Đặc biệt, Hiếu được nhà trường chọn để thi nghề công nghiệp 4.0 trong kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, Hiếu được học thêm rất nhiều kiến thức, kỹ năng mới như: lập trình mạng, vận hành băng tải PLC, kiến thức về camera… Mặc dù hiện nay Hiếu đang là sinh viên năm thứ 3 nhưng bản thân tin rằng những kiến thức, kỹ năng đó sẽ là hành trang vững chắc để tham gia thị trường lao động.

Khác với Hiếu, Thái Thị Bảo Trân là nữ sinh sớm có định hướng, trăn trở về tương lai nghề nghiệp của mình. Trân thi đậu ngành quan hệ quốc tế - Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên đã quyết định chuyển hướng học nghề để tiết kiệm thời gian, chi phí.

Nhìn lại sự lựa của mình khi đó, Bảo Trân cho biết: “Em chọn ngành điện tử công nghiệp tiêu chuẩn Đức, trong hơn 3 năm học, em không phải đóng học phí. Ngoài ra, em còn được nhận học bổng khuyến khích dành cho nữ sinh học khối ngành kỹ thuật với mức 8 triệu đồng/học kỳ”.

Ngoài số tiền học bổng này, Trân còn tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền để tự trang trải cho cuộc sống. Trân còn dành dụm tiền mua máy tính để tự học thêm nhiều kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Trân bộc bạch: “Em rất hài lòng với lựa chọn của mình. Từ khi học ở trường, em đã được tạo điều kiện để phát triển bản thân. Em cũng không ngờ là mình có thể làm được những việc mà trước đây bản thân mình chưa từng nghĩ đến”.

* Chuẩn bị cho kỳ thi thế giới

Bảo Trân và Thanh Hiếu được lựa chọn tham gia thi nghề công nghiệp 4.0 trong kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia. Đây cũng là năm đầu tiên nghề này được đưa vào kỳ thi quốc gia và thế giới. Vì thế, Trân và Hiếu đã gặp không ít áp lực, khó khăn.

Thời gian cả hai luyện tập cho kỳ thi quốc gia rơi đúng vào khoảng thời gian Đồng Nai đang thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Do đó, cả hai đã phải lên trường để học và thực hành theo phương án “3 tại chỗ”. Ban ngày học online cùng các bạn, buổi tối tranh thủ thời gian để luyện thi tay nghề. Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, cả hai phải học thêm các kiến thức về lập trình, cấu hình mạng… Ngoài sự hỗ trợ của giảng viên trong trường, bản thân hai sinh viên này phải nỗ lực tự học rất nhiều.

Ngoài ra, cả hai còn tìm tòi thêm các tài liệu liên quan đến các nội dung nghề công nghiệp 4.0 để học và thực hành theo. Những tài liệu này chủ yếu bằng tiếng Đức và tiếng Anh nên cả hai cùng với giảng viên hướng dẫn phải mất rất nhiều thời gian để dịch.

Với sự chuẩn bị kỹ càng đó, cả hai đã hoàn thành tốt các module trong kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia vừa qua. Đồng thời, cả hai đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và đơn vị tư vấn, phối hợp là Công ty Festo Việt Nam chọn để tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới (sẽ tổ chức vào tháng 9-2022). Hiện nay, Trân và Hiếu đang tạm nghỉ “xả hơi” vài ngày trước khi tiếp tục luyện tập cho kỳ thi quan trọng vào năm sau.

ThS NGUYỄN KHÁNH CƯỜNG, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cho biết, nghề công nghiệp 4.0 vẫn còn là tên gọi khá mới mẻ. Tại Đồng Nai hiện vẫn chưa có trường nào chính thức đào tạo nghề này. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực đạt “chuẩn 4.0” của các doanh nghiệp ngày càng nhiều. Để đáp ứng được yêu cầu đó, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã tích hợp module công nghiệp 4.0 trong chương trình đào tạo. Tùy theo đặc trưng của từng ngành học mà module này được điều chỉnh cho phù hợp nhằm đảm bảo cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết cho sinh viên. Bằng cách đó, sinh viên có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, phát triển công nghệ của doanh nghiệp cả trong hiện tại và tương lai.

Hải Yến

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích