Báo Đồng Nai điện tử
En

Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp vùng Đông Nam bộ

05:12, 18/12/2021

Đồng Nai là địa phương nằm trong vùng Đông Nam bộ, nơi phát triển kinh tế sôi động nhất cả nước nên có điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp hình thành và phát triển. Dù có những thuận lợi nhất định song đến hiện tại, hệ sinh thái khởi nghiệp của Đồng Nai mới bước đầu được hình thành.

Đồng Nai là địa phương nằm trong vùng Đông Nam bộ, nơi phát triển kinh tế sôi động nhất cả nước nên có điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp hình thành và phát triển. Dù có những thuận lợi nhất định song đến hiện tại, hệ sinh thái khởi nghiệp của Đồng Nai mới bước đầu được hình thành.

Nhu cầu lớn về sản phẩm công nghiệp, dịch vụ từ các doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn là cơ hội cho các start-up thiên hướng công nghệ của Đồng Nai phát triển
Nhu cầu lớn về sản phẩm công nghiệp, dịch vụ từ các doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn là cơ hội cho các start-up thiên hướng công nghệ của Đồng Nai phát triển

Tại hội thảo Kết nối mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam bộ trong chuỗi các sự kiện của TechFest Dong Nai 2021 vừa được tổ chức, các chuyên gia, diễn giả đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cách thức Đồng Nai có thể kết nối các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp, gắn kết với sự phát triển chung của vùng.

* Tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án khởi nghiệp

Ở góc độ cả nước, theo số liệu thống kê từ Cục Phát triển thị trường và DN khoa học - công nghệ (Bộ KH-CN), trong năm 2021, đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 1,3 tỷ USD. Hiện có khoảng hơn 1 ngàn tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp. Nhiều lĩnh vực đang rất nóng, thu hút sự đầu tư mạnh mẽ là công nghệ tài chính, game, giáo dục, y tế, thương mại điện tử.

Hiện đã có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam với hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo. Bên cạnh đó, cả nước đã có trên 140 trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp. Các tập đoàn lớn cũng tham gia vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, với vai trò là nhà đầu tư tài chính cho khởi nghiệp, giúp DN khởi nghiệp mở rộng thị trường đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn trong ngành.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học - công nghệ, bức tranh về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong những năm gần đây được thế giới đánh giá tương đối tốt với 38 ngàn start-up, nhiều hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thực hiện. Các DN, tập đoàn lớn trong nước tham gia hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp thông qua các hình thức như hỗ trợ, đầu tư tài chính cho start-up; chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn; kết nối, mở rộng thị trường; dẫn dắt, tạo động lực cho hoạt động khởi nghiệp. Trong giai đoạn 2021-2025, theo định hướng chung, Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới khởi nghiệp quốc gia, nền tảng đổi mới sáng tạo mở, khai thác Quỹ phát triển khoa học công nghệ từ DN, tạo không gian vật lý cho đổi mới sáng tạo, tài chính sở hữu trí tuệ.

TS Nguyễn Văn Tân, thành viên Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Trưởng bộ phận khởi nghiệp Trường đại học Lạc Hồng đặc biệt quan tâm đến nhà đầu tư và vai trò của nhà đầu tư trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo TS Nguyễn Văn Tân, có một số nội dung liên quan đến nhà đầu tư mà hệ sinh thái khởi nghiệp của Đồng Nai cần quan tâm để tiếp cận nguồn vốn đầu tư hiệu quả hơn. Nhà đầu tư xác định giá trị của dự án khởi nghiệp thông qua 5 yếu tố chính là cách thức quản lý điều hành dự án, quy mô, cơ hội của dự án, sản phẩm hay dịch vụ có tính công nghệ, các kênh tiếp thị bán hàng hiệu quả và cuối cùng là môi trường ít cạnh tranh. Bên cạnh đó, các dự án có khả năng kéo được lượng khách hàng/người dùng nhất định, danh tiếng của chủ startup tốt, dự án có sản phẩm mẫu, mức độ doanh thu có thể đạt như kỳ vọng, mức độ cung cầu của sản phẩm hay dịch vụ tốt, kênh phân phối của dự án tốt và cuối cùng là sức hấp dẫn của ngành cao cũng được các nhà đầu tư ưu tiên rót vốn.

“Để đạt được những thành quả bền vững hơn trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy hình thành mạng lưới cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương trên địa bàn để kết nối các cấu phần của hệ sinh thái và hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ về vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp” - TS Nguyễn Văn Tân khẳng định.

* Học hỏi mô hình hay của các địa phương

Cùng với TP.HCM, Bình Dương được đánh giá cao trong việc khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp khu vực Đông Nam bộ. Ông Trần Thanh Trung, đại diện Sở KH-CN tỉnh Bình Dương cho biết, trong những năm qua, Bình Dương luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó nổi bật là đã hình thành được Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp với sứ mệnh phục vụ cộng đồng, người dân, DN và thúc đẩy khởi nghiệp Bình Dương.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp Đồng Nai rất mong muốn được hỗ trợ về kinh nghiệm quản trị, vốn và công nghệ để phát triển. Trong ảnh: Dự án Nhang sạch thảo mộc đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai 2021
Các doanh nghiệp khởi nghiệp Đồng Nai rất mong muốn được hỗ trợ về kinh nghiệm quản trị, vốn và công nghệ để phát triển. Trong ảnh: Dự án Nhang sạch thảo mộc đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai 2021

Đây là không gian tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ DN nhỏ và vừa; phát triển các sáng kiến, ý tưởng phục vụ thành phố thông minh... Trung tâm được định hướng phát triển thành đầu mối then chốt trong việc thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ trong mọi lĩnh vực; không ngừng đổi mới, sáng tạo để hỗ trợ, hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh và bền vững tại Bình Dương.

Tương tự như tỉnh Bình Dương, TP.Đà Nẵng hiện đã trở thành điểm sáng trong việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở khu vực miền Trung, trong đó có việc xây dựng vườn ươm khởi nghiệp. Sự quan tâm và cam kết hành động liên tục của những người lãnh đạo đứng đầu TP.Đà Nẵng với khát vọng, trách nhiệm và quyết tâm trở thành động lực lớn cho nhiều hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp dần dần đi vào chiều sâu chất lượng.

Chia sẻ kinh ngiệm xây dựng vườn ươm và vai trò vườn ươm trong hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Lý Đình Quân, Tổng giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (SHi) cho biết, qua 5 năm hình thành và phát triển, SHi đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm, hình thành được mạng lưới chuyên gia được đào tạo theo chương trình SHi bởi chuyên gia quốc tế. Trong tương lai, SHi định hướng hình thành lĩnh vực ươm tạo phù hợp với thế mạnh của miền Trung.

Cũng theo ông Quân, chính quyền địa phương cần kiến nghị những chính sách và hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Chính sách hỗ trợ cần cụ thể hơn, thủ tục đơn giản đối với vườn ươm DN như: hỗ trợ không gian làm việc, hỗ trợ đăng ký thương hiệu, sở hữu trí tuệ, các dịch vụ tài chính, thuế, tư vấn pháp lý, đăng ký thành lập DN…, hỗ trợ việc hình thành các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ các DN chuyển đổi mô hình đổi mới sáng tạo để tăng năng lực cạnh tranh.

Là đơn vị được tỉnh giao chủ trì phát triển hệ sinh thái khởi đổi mới sáng tạo của Đồng Nai, ông Lại Thế Thông, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, những năm qua Đồng Nai đã nỗ lực kết nối các thành tố khởi nghiệp. Từ kết nối các nguồn lực trong vùng cho tới kết nối con người với nhau, đồng thời liên kết giữa nhà nước, nhà trường và DN để hình thành nên các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Sở KH-CN hiện đang phối hợp cùng với các trường đại học, cao đẳng để xây dựng các vườm ươm, các khu ươm tạo cho các dự án khởi nghiệp tại các trường. Trong thời gian tới, Đồng Nai mong muốn học hỏi được những kinh nghiệm hay từ các địa phương, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời thu hút được sự tham gia của các DN khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia tốt nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới.         

                Văn Gia

Tin xem nhiều