Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã và đang tác động nặng nề tới nền kinh tế, trong đó có nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước, DN địa phương. Nhiều sản phẩm hàng Việt đang gặp phải những khó khăn trước ảnh hưởng của dịch bệnh.
[links()]Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã và đang tác động nặng nề tới nền kinh tế, trong đó có nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước, DN địa phương. Nhiều sản phẩm hàng Việt đang gặp phải những khó khăn trước ảnh hưởng của dịch bệnh.
Người tiêu dùng chọn mua các loại nông sản Việt tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: H.Quân |
* Thích ứng để duy trì thị phần
Trước những khó khăn của dịch bệnh, trên các kệ hàng của siêu thị, nhiều DN sản xuất hàng tiêu dùng Việt đã có sự thích ứng nhằm duy trì thị phần, nâng cao sức cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập cùng loại, sản phẩm của các công ty đa quốc gia.
Đại diện nhiều siêu thị trong tỉnh cho biết, hiện các mặt hàng tiêu dùng khá dồi dào, đảm bảo cung ứng cho người dân, trong đó các sản phẩm hàng Việt chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, sữa, sản phẩm vệ sinh…
Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa cho hay, hiện trên các kệ hàng của siêu thị, tỷ lệ hàng Việt chiếm khá cao. Đặc biệt, đối với những mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, các sản phẩm Việt, có xuất xứ trong nước chiếm khoảng 95% trên kệ hàng. Nguồn cung các mặt hàng này khá ổn định, đa dạng. Ngoài ra, trong giai đoạn bị tác động bởi dịch Covid-19 như hiện nay, hàng Việt lại có thêm cơ hội để “ghi điểm” trong mắt người tiêu dùng vì nhiều mặt hàng ngoại cùng loại bị gián đoạn nguồn nhập khẩu.
“Mẫu mã, chất lượng của hàng Việt được nâng cao rõ rệt và ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong thời gian qua. Riêng đối với Đồng Nai, nhiều sản phẩm trái cây của địa phương có các thế mạnh, lợi thế cạnh tranh về chất lượng, được hệ thống siêu thị ký kết hợp đồng tiêu thụ” - bà Uyên chia sẻ thêm.
Tương tự, ông Lê Thanh Nhàn, Giám đốc điều hành của Siêu thị Hoàng Đức (TP.Long Khánh) cho biết, hàng Việt ngày càng chiếm tỉ trọng cao trên các kệ hàng của siêu thị. Các sản phẩm hàng Việt được bày bán ở siêu thị đã có nhiều cải tiến về chất lượng, mẫu mã với giá cả cạnh tranh hơn, cũng như có nhiều hình thức quảng bá thương hiệu, thay đổi bao bì sản phẩm hiện đại, bắt mắt hơn.
Nhiều DN trong nước đã linh động các phương án sản xuất, phân phối, duy trì hoạt động xuất khẩu để tìm đường vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp hơn trong thời gian qua.
Gian hàng các loại thực phẩm đóng hộp với các sản phẩm Việt chiếm đa số trên kệ hàng tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa |
Ông Nguyễn Đức Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa) chia sẻ, do nhiều kênh phân phối truyền thống trước đây của công ty bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch Covid-19 nên công ty đã chủ động đẩy mạnh hoạt động phân phối vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tăng cường cung ứng các dòng sản phẩm có thời gian bảo quản lâu hơn.
* Đối mặt với nhiều thử thách
Hàng hóa Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ quá trình hội nhập. Trong đó, hàng Việt chịu sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà. Hàng hóa của các nước có chung hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập sâu rộng vào thị trường trong nước, tạo sức ép cạnh tranh, đòi hỏi hàng Việt phải đảm bảo chất lượng; cập nhật, thay đổi thường xuyên, liên tục về kiểu dáng, giá thành…
Theo nhiều chuyên gia, sự góp mặt của các thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam làm thị trường hàng hóa trong nước phong phú, chất lượng và giá thành cạnh tranh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các DN Việt sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn ngay trên sân nhà. Các DN thích ứng tốt với sức ép cạnh tranh là những DN có quy mô lớn, có chiến lược lâu dài và bài bản. Trong khi các DN nhỏ và siêu nhỏ là những DN có vốn ít, quy mô nhỏ bị sức ép cạnh tranh lớn dễ bị rút khỏi thị trường hoặc làm gia công cho các DN đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM nhấn mạnh, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này, các DN nhỏ và vừa là những DN dễ bị tổn thương nhất. Lý do là các DN này có quy mô vốn nhỏ, chiến lược kinh doanh ngắn hạn, không có kế hoạch dài hạn và đặc biệt không có hoặc không quan tâm đến kế hoạch, không có các chính sách ứng phó với các tình huống rủi ro tiềm ẩn như biển đổi khí hậu, thị trường khủng hoảng hay đại dịch Covid-19 hiện nay. Xét về góc độ ngành hàng dễ bị tác động do Covid-19 phải kể đến là những ngành hàng sử dụng nhiều lao động, ngành nguyên vật liệu phụ thuộc vào nhập khẩu như: may mặc, giày dép, nông sản, thủy sản, chăn nuôi...
Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập, những hiện tượng gian lận, lẩn tránh phòng vệ thương mại hay giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam để trốn thuế xuất hiện ngày càng nhiều với thủ đoạn mới và tinh vi hơn gây ra nhiều ảnh hưởng cho hàng hóa sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai chia sẻ, các vụ việc vi phạm liên quan đến phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ có nguy cơ cản trở xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực, ảnh hưởng lớn đến uy tín hàng xuất khẩu trong nước nói chung và ở địa phương nói riêng.
Đặc biệt, các hình thức gian lận “mượn” nhãn mác, nguồn gốc để xuất khẩu hoặc tiêu thụ ở thị trường trong nước sẽ gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho các DN nội địa, đồng thời tác động không nhỏ tới niềm tin của người tiêu dùng trong nước đối với các nhóm hàng Việt.
Hải Hà
Ông NGUYỄN HỮU NAM, Phó giám đốc VCCI chi nhánh TP.HCM:
Khi tham gia vào sân chơi hội nhập các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, DN cần nâng cao và chú trọng đến đầu tư cho con người, từ đó nắm bắt đầy đủ và cụ thể các yêu cầu, quy định của từng FTA đối với ngành mà DN đang hoạt động để có thể tận dụng ưu đãi từ các FTA mang lại khi xuất khẩu.
Bên cạnh đó, để có thể cạnh tranh ngay trên sân nhà, các DN Việt không có cách nào khác ngoài thay đổi tư duy như đầu tư cho con người, công nghệ, chuyển đổi số để tạo ra các sản phẩm có mẫu mã đẹp và phong phú, giá thành hợp lý và dịch vụ sau bán hàng tốt. Đó là chìa khóa để chiến thắng, giữ và nâng cao thị phần ngay trên sân nhà.
Bà LIU THỊ YẾN, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán):
Trước những tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, một trong những khó khăn lớn trong thời gian qua là việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Các đơn hàng truyền thống giảm nhiều, trong khi hoạt động đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử bị gián đoạn.
Trong thời gian tới, công ty mong muốn sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh sớm được ra mắt để có thêm kênh kết nối, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương nói chung và các sản phẩm của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của công ty nói riêng.
Chị LÝ HOÀNG HOÀI ANH (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa):
Để thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng hàng Việt thì trước hết các DN, nhà phân phối phải thay đổi phương thức tiếp cận truyền thống, thay vì giới thiệu, trưng bày ở các tạp hóa nhỏ lẻ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị... thì giờ đây có thể chú trọng hơn vào mảng digital marketing (tiếp thị số) để đưa hàng Việt lên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, Instagram. Bởi internet là sự kết nối gần nhất với người tiêu dùng hiện đại, góp phần làm tăng độ nhận diện thương hiệu, đồng thời tạo điều kiện để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm sản phẩm thông qua hình thức mua sắm trực tuyến, nhất là trong thời điểm dịch bệnh, giãn cách kéo dài, mọi người gần như phải sử dụng internet tối đa.
Theo tôi, dù cuộc sống ngày càng phát triển và khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc mua sắm để nâng cao chất lượng sống, nhưng việc sử dụng và ủng hộ hàng nội địa vẫn là một nét đẹp văn hóa tiêu dùng ở bất cứ đâu. Do đó, nếu hàng Việt được đầu tư chỉn chu từ chất lượng, bao bì và cân đối được giá thành thì chắc chắn sẽ chinh phục được rất nhiều người tiêu dùng Việt.
Hải Quân (ghi)