Báo Đồng Nai điện tử
En

Viết cho những yêu thương giữa đại dịch

08:09, 17/09/2021

Mộc mạc, giàu cảm xúc trước nhân tình thế thái, tình đời và tình người nhưng đôi lúc thơ cũng hết sức dí dỏm, dễ cảm nhận, đó là những vần thơ "theo dòng thời sự" được tác giả Trần Thị Bảo Thư, hội viên Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai hưởng ứng tinh thần phòng, chống dịch chắp bút.

Mộc mạc, giàu cảm xúc trước nhân tình thế thái, tình đời và tình người nhưng đôi lúc thơ cũng hết sức dí dỏm, dễ cảm nhận, đó là những vần thơ “theo dòng thời sự” được tác giả Trần Thị Bảo Thư, hội viên Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai hưởng ứng tinh thần phòng, chống dịch chắp bút.

Tranh chân dung tác giả Trần Thị Bảo Thư,  hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai
Tranh chân dung tác giả Trần Thị Bảo Thư, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai của họa sĩ Nguyễn Khôi

Không chỉ làm thơ, tác giả Bảo Thư có là cây bút truyện ngắn. Dù viết ở bất cứ thể loại nào, bà vẫn luôn mang đến cho bạn đọc những cảm xúc tươi mới, vẹn nguyên, vừa sâu thẳm, vừa mênh mang.

* Thơ là tình yêu, cuộc sống

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Hoa phượng đỏ, tác giả thơ Bảo Thư biết đến vùng đất và con người Đồng Nai từ năm 1990. Yêu thơ và thích làm thơ từ nhỏ, thơ của Bảo Thư đã được đăng trên nhiều báo và tạp chí, nhưng mãi đến năm 2018, tập thơ Nơi những con thuyền (NXB Hội Nhà văn ấn hành) của bà mới ra đời.

Tác giả Bảo Thư cho biết, mặc dù biết Đồng Nai khá lâu nhưng vì việc riêng nên bà vẫn thường xuyên đi về giữa 2 nơi Đồng Nai và Hải Phòng. Ban đầu, gia đình bà sống ở H.Xuân Lộc, chăn nuôi và trồng vườn được gần 10 năm. Sau đó, để tạo điều kiện cho con đi lại thuận lợi trong việc học hành, gia đình bà đã chuyển về định cư tại TP.Long Khánh.

“Nói về sáng tác thơ ca, tôi cũng không nhớ là mình cầm bút làm thơ từ năm bao nhiêu tuổi nữa, chỉ biết rằng, tôi xem làm thơ là tình yêu, là hơi thở của cuộc sống. Tôi tham gia vào Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng, nơi đó là mái nhà tuổi thơ của tôi, cha mẹ tôi cũng là hội viên ở đó. Nhiều năm nay, tôi là cộng tác viên tích cực của Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai. Đến đầu năm 2020, tôi xin chuyển sinh hoạt về Hội VHNT Đồng Nai” - bà Bảo Thư tâm sự.

Cũng bởi nặng lòng với quê hương nên tác giả Bảo Thư dành phần nhiều trang viết cho gia đình, quê hương, bạn bè… Đặc biệt, thơ ca của bà về vùng đất và con người Đồng Nai có những cách nhìn khá sâu và không kém phần tinh tế: “Em ơi Chơro/ Mưa đầu mùa đã tràn nương rẫy/ Chiếc gùi tre nặng trĩu di ngôn/ Tôi chẳng phải dòng sông/ Vẫn đắp đổi những khúc cong may rủi/ Lở bồi nào chả đau/ Lở bồi nào mà không khao khát/ Ơi cơn say của thác/ Hoàng hôn trôi rạc nước Sông Trầu” (Sông Trầu).

Tác giả Bảo Thư cũng viết khá nhiều thể thơ lục bát, nhẹ nhàng, đằm thắm mà không kém phần quyết liệt: “Mắt anh là sóng Trị An/ Lòng em bờ đập, nước tràn từ lâu…/ Hương nhài mê mẩn/ đêm say/ Một mình mà ngỡ trên tay ảo huyền/ Rượu thơm ở lại mạn thuyền/ Câu thơ xin thả cuối miền đam mê” (Đêm Trị An nghe sóng). Có lẽ chính sự trải nghiệm vừa đủ, thái độ làm việc nghiêm túc đã giúp tác giả đem đến cho bạn đọc những vần thơ ngọt ngào và đong đầy yêu thương.

* Năng lượng yêu thương giữa đại dịch

Sống trong vùng “tâm dịch” của vùng đất Đông Nam bộ, ngày ngày chứng kiến bao hoàn cảnh, số phận chịu ảnh hưởng, mất mát bởi đại dịch Covid-19, tác giả Bảo Thư đã liên tiếp cho ra đời nhiều “thơ chống dịch”. Mỗi một bài thơ là một nguồn năng lượng mới lớn lao, lan tỏa tình yêu và tình thương của con người, của cả nhân loại trước đại dịch.

Tác giả BẢO THƯ chia sẻ: “Thơ với tôi là tiếng nói đậm đặc tính cá nhân, tính riêng tư trong cảm xúc của người viết, vào lúc họ ngồi trước trang giấy. Tôi vẫn luôn kỳ vọng rằng những câu chuyện trong thơ của mình bằng cách này hay cách khác sẽ đến gần hơn với bạn đọc, được bạn đọc đồng hành và đón nhận”.

Giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly và nhìn số ca nhiễm và số ca tử vong không ngừng tăng mỗi ngày, tác giả Bảo Thư có bài thơ Dây giăng khắp nẻo đường: “Những con số ẩn danh biết khóc/ Những ngôi nhà bị trói chặt/ Cây tràm đầu ngõ rướn mình thở/ Tổ chim trên cành mới bị cách ly/ Mùa thu sắp về không lối mà đi”.

Hay đó là Cuộc chiến không tiếng súng: “Chiếc khẩu trang thành áo giáp/ Loài người chung một ngôn ngữ ánh mắt khích lệ/ Vũ khí vaccine đặc hiệu từ phòng thí nghiệm/ Những chiến binh áo trắng anh hùng/ Lá cờ trên cao là trái tim nhường cơm sẻ áo”.

Nhiều bài thơ của tác giả Bảo Thư thể hiện niềm tự hào, sự xúc động, mến phục các lực lượng tuyến đầu đang gồng mình chống dịch nhưng không kém phần tươi tắn, trẻ trung và đầy lạc quan: “Sau lớp khẩu trang nụ nhài ủ kín/ Nét mặt vẫn hương/ Nếu trở lại tuổi đôi mươi em balo ra tuyến đầu anh nhé!.../ Nếu trở lại tuổi đôi mươi/ Em sẽ viết tên mình bên cạnh tên anh, xanh màu cây lá/ Giặc đến nhà, chống giặc là tất cả/ Dòng sông hiền hòa chảy mãi về nhau/ Tình yêu trong xa cách không thể là nỗi đau” (Viết tên anh lên tuổi hoa chống giặc).

Tác giả Bảo Thư chia sẻ rằng, đại dịch Covid-19 mang đến quá nhiều mất mát, đau thương không chỉ về sức khỏe, nhân mạng và kinh tế. Là người cầm bút, hơn ai hết, bà thấy mình có trách nhiệm bằng những tác phẩm thơ, góp phần gắn kết động viên, chia sẻ để cùng cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

“Thơ ca về dịch Covid-19 có rất nhiều người sáng tác. Tôi cũng vậy, làm thơ theo cảm xúc của riêng mình. Những chất liệu từ thực tế cuộc sống, những câu chuyện đẹp, giàu tình người từ cuộc chiến phòng, chống dịch luôn thôi thúc tôi viết tiếp. Tôi luôn tin vào trái tim con người như tin mùa đông lá rụng để đón một mùa xuân đâm chồi nảy lộc. Chắc chắn, đại dịch sẽ sớm kết thúc” - tác giả Bảo Thư bộc bạch.

Nói về những dự định sắp, tác giả Bảo Thư cho biết vẫn đang tiếp tục công việc sáng tác để mang những câu chuyện đẹp đến với người, với đời. Dự kiến, bà sẽ xuất bản tập thơ thứ 2 và thực hiện một trường ca về nông thôn Việt Nam. Trường ca đã được “định hình” với tên gọi mộc mạc, giản dị: Người làng.

Ly Na

Tin xem nhiều