Bầu trời chiều tháng tám cao xanh lạ. Trong căn nhà nhỏ lọt trong con hẻm hẹp chật chội của KP.Thống Nhất - Dĩ An, anh Sinh uể oải, mệt mỏi trở mình trên chiếc giường đơn, toàn thân ê ẩm sau đợt sốt mới mấy ngày nay.
1. Bầu trời chiều tháng tám cao xanh lạ. Trong căn nhà nhỏ lọt trong con hẻm hẹp chật chội của KP.Thống Nhất - Dĩ An, anh Sinh uể oải, mệt mỏi trở mình trên chiếc giường đơn, toàn thân ê ẩm sau đợt sốt mới mấy ngày nay.
Truyện ngắn Trần Văn Thanh |
Đại dịch Covid-19 càn quét trong chiều lặng qua khu phố anh như một cơn lốc, mọi ngả đường yên vắng, mọi gia đình trú ẩn. Hai mươi mấy năm trong nghề giáo, đây là năm đầu tiên anh phải nằm nhà, dù đã sắp kết thúc hè chuẩn bị cho năm học mới. Cái tuổi 49 sắp qua, anh vẫn độc thân. Một cuộc đời lận đận, phấn đấu trong bôn ba chìm nổi, nên anh luôn cô độc. Niềm vui như lẽ sống của anh là những chuyến đò đưa đón bao lứa học sinh trong thầm lặng. Mái tóc bồng bềnh và gương mặt sáng dịu nhưng anh luôn cộc cằn vì cái tính khó của anh qua cát bụi cuộc đời.
Anh nằm bất động hướng về chiếc tivi trên bàn làm việc, sởn gai rét trong người ngước nhìn cảnh dân quê mình chào đón người về tránh dịch, quay quắt nhớ quê - vùng quê Con Cuông - Nghệ An xưa nghèo nàn - với những mảnh sương chiều phơ phất núi đèo, những làn khói lam chiều dật dờ phủ lên bao mái nhà tranh, nhưng anh lại rất sợ sẽ thăm quê dù lòng thương nhớ khuôn nguôi.
Anh nhớ quê… nhớ quê… nhớ…
Anh đột nhiên mệt mỏi vô lực, cảm như có vật gì siêu hình đè nghẹn nơi lồng ngực, mơ hồ như căn phòng thiếu dưỡng khí. Trong ngày nay anh đi lỏng đến 3-4 lần; không cảm giác, không mùi vị, lẽ ra cái mùi, cái vị đó quá quen qua bao năm tháng, từ ngày thơ trẻ nếm - ngửi rất vô thường.
Anh mơ màng lúc tỉnh lúc mê trong ngột ngạt, như đâu đây tiếng lạch cạch cửa, tiếng người khóc, rồi tiếng còi hú xe đêm, xe dần hun hút vội vã. Mắt anh đờ đẫn mờ, chìm dần trong bóng hoàng hôn đổ xuống...
Cái lạnh trong đêm đủ làm anh gai lưng, cái lạnh của những làn gió thoảng và cái lạnh của dòng nước trong đêm phả lên gây cho anh cảm tưởng như đi dạo dưới ánh trăng khuya trên một bãi biển hoang vắng, dưới ánh trăng khuya quạnh quẽ mà Hàn Mặc Tử đã từng diễn đạt cho bao kẻ cô độc như anh cảm thụ…
Anh cố tập trung bao quát toàn cảnh dòng sông huyền thoại, dòng sông sẽ đưa anh vào thế giới cổ tích muôn màu…
3. Đường phố vắng tanh, một chiếc xe cứu thương đèn chớp liên tục, hú còi inh ỏi lao vút trong một chiều hoàng hôn buông lặng, một chút nắng vàng còn rơi rớt trên những ngọn cây xanh thấm lại ven đường. Xe lao thẳng vào cổng qua một vòm phun khử khuẩn tự động, một bệnh viện mới triển khai được nửa tháng - Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm 5B - ngập ngừng một thoáng rồi chạy thẳng vào Khoa Hồi sức cấp cứu, luôn trong trạng thái của bệnh viện dã chiến.
Xe dừng, cửa sau xe giương mở ngay lập tức, một kíp y bác sĩ mặc quần áo trắng toát, kín cả người, trước mặt còn che khuôn kính chắn giọt bắn xuống quá cằm, khiêng cán đưa người bệnh thẳng vào cửa phòng cấp cứu mở rộng sẵn. Phòng Cấp cứu hồi sức được bố trí rộng rãi, thoáng với hơn 30 giường bệnh, người ngồi, người nằm ngửa, cả người nằm tư thế xếp thở oxy qua sống mũi, lủng lẳng đầu giường mọi chai dịch truyền các loại.
Người bệnh nhợt nhạt, thở ngắn gấp gáp, không đáp ứng với mọi kích thích. Một ca bệnh nặng. Mọi quy trình cấp cứu vội vã nhưng không rối, rất nhịp nhàng đã được thiết lập.
Suy hô hấp nặng, rối loạn huyết đông, bệnh nhân cần được thở máy hỗ trợ hô hấp và điều chỉnh suy giảm các chức năng sinh tồn. Một sự thầm lặng bao trùm cả phòng cấp cứu, nhưng trong không gian đó, chứa đựng một sự căng thẳng nặng nề. Tiếng bíp bíp phát ra từ máy theo dõi Monitoring đều đặn, đều đặn vang trong đêm trắng. Bác sĩ nữ nhỏ nhắn nhanh nhẹn, người đưa bệnh nhân vào từ chiều, luôn thấp thỏm. Cô đã thức xuyên đêm để túc trực bên người bệnh này, mặc dù kíp trực của cô đã kết thúc, cô nhẫn nại trong lo âu.
Sáng nay, nắng hanh vàng rải đều trên những con đường nhựa quanh các khu nhà và những hàng cây quanh bệnh viện. Thỉnh thoảng những chú chim con bay lượn hướng về khu cây cối um tùm cuối bệnh viện, là nơi di tích chiến tranh nổi tiếng - Nhà tù Phú Lợi. Một khoảng trời xanh rộng mở với cái nắng rực rỡ, khung trời treo khung hình. Cô Covy này thật lạ, những cái gai hào quang của nó lóng lánh gây bao ngạc nhiên cho những nhà dịch tễ học, nó thay đổi thật đáng sợ, mang sự lọc lừa, dối trá và độc ác.
Có ai ngờ rằng, với khung trời chứa chan phóng khoáng đó, nó lại lẩn khuất như bóng ma trơi lươn lẹo, gây cho giới chuyên môn y tế từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trong gian phòng điều hành chung của bệnh viện dã chiến đủ rộng, thoáng với các cửa được mở tối đa, thông khí, một ê-kíp chuyên môn đang hội chẩn ca bệnh khó dưới sự điều hành của đại tá, bác sĩ Tâm - Giám đốc bệnh viện, một con người thẳng thắn, có bộ óc hài hước và trái tim chân thật. Khuôn mặt anh lại thường hay nhăn nhúm dù đang cáu bẳn hay đang vui.
Hình ảnh X-quang của bệnh nhân với những tổn thương mờ rải rác khắp hai trường phổi, trông như một tấm phim bị meo mốc. Đột nhiên một tiếng kêu nhỏ cất lên từ thượng tá Vinh - Chính ủy bệnh viện, dù anh nào phải chuyên môn ngành Y: “Sao giống cái lục lạc thế”. Rồi anh buồn buồn nở nụ cười, nụ cười chân chất của một người con vùng ven biển Nam Định nói lên nhiều hơn mọi thứ ngôn ngữ biểu cảm khác. Trong bối cảnh này, nụ cười tươi sáng của anh thể hiện một niềm tin, qua đó người ta có thể biết mọi thật - giả, trắng - đen, tốt - xấu của người đối thoại.
Gần như đồng thời, cả ê-kíp hội chẩn thốt lên: “Nấm”. Bội nhiễm nấm phổi rất đặc thù cho loài nấm Aspergillus, tồn tại nhiều trên những hạt lạc mốc, với hình ảnh X-quang phổi cổ điển. “Hình lục lạc” và kèm tấm này: Sốt kéo dài, tiêu chảy, ho kèm khái huyết. Có những điều xảy ra hết sức ngẫu nhiên trong một tư duy kinh nghiệm tự nhiên trên các lĩnh vực.
Sau hội chẩn, một phác đồ thống nhất được triển khai ngay, điều trị cho bệnh nhân hỗ trợ hô hấp oxy lưu lượng cao với chế độ bảo vệ phổi, sử dụng kháng sinh kết hợp có kháng nấm, kháng viêm và điều chỉnh rối loạn đông máu.
Đã một tuần trôi qua, bên bệnh nhân nằm bất động với các tín hiệu sống còn thay đổi liên tục qua từng tiếng “bíp”, phát ra từ Monitoring theo dõi, bác sĩ Vân với đôi mắt thâm quầng nhưng ngời lên nét tươi tắn. Tình trạng bệnh nhân tiến triển hồi phục rất nhanh, huyết động ổn định, hết sốt, đã thở sâu đều oxy qua sống mũi, nhất là khuôn mặt có chút sắc hồng hơn trước nhiều.
Đêm nay cũng như mọi đêm đã trôi qua, đêm gần về sáng thật trong lành, bên ngoài trời bớt cái tối hơn, gió thổi bâng khuâng, chắc mang nhiều cảm giác se lạnh, đủ thấm vào người. Anh chính là bệnh nhân nặng được theo dõi sát sao, chợt thoáng mơ màng như thấy mình đang trôi trên dòng sông đêm đầu đông. Văng vẳng xa gần, như trong dĩ vãng, tiếng chuông ngân vang xa, lan tỏa trên cánh đồng lúa xanh, từ ngôi nhà thờ xứ cổ trên quê hương anh. Anh rùng mình nhè nhẹ, chớp mở đôi mắt vốn đã khép cả tuần nay.
Bác sĩ Vân mừng rối, bước vội đến bên anh, run rẩy nắm đôi bàn tay đã âm ấm. Anh nghe đâu đây tiếng ộp oạp như sóng vỗ mạn thuyền trong đêm vắng mà dường như anh đã từng ngồi trên nó gần đây thôi. Không, tiếng ộp oạp đó phát ra từ mỗi bước chân của bác sĩ Vân. Vì những giọt mồ hôi của cơ thể cô đã rỉ rả thấm chảy đọng đầy hai ống quần của bộ quần áo phòng dịch trắng kín mít mà cô đã mặc suốt kíp túc trực của mình…
4.Bầu trời sáng thu nay cao xanh thật lạ. Bác sĩ Vân nhẩn nha đẩy xe đưa anh đi dạo trên con đường đất đỏ, ven theo có những bụi hoa cúc Đà Lạt đỏ tươi, bên hông khu dành cho bệnh nhân hồi phục sau nhiễm Covid-19. Làn gió mát trong lành thổi tới làm phất phơ mái tóc vẫn bồng bềnh của anh, làm tà áo blue trắng tinh của bác sĩ Vân e ấp bên hông.
Anh ngước nhìn trìu mến lên gương mặt nhỏ nhắn trắng trẻo còn lằn vết loang lổ khẩu trang mang lâu ngày, cô học trò mà anh từng quý mến nhưng tình cảm đó đã bị tự kìm nén do những khoảng cách thầy trò và những mặc cảm từ một cuộc đời bôn ba chìm nổi, nên luôn ẩn giấu sau gương mặt cáu bẳn của anh. Hai cặp chim non bay vút qua từ một tán cây xanh trước mắt anh với tiếng kêu lích chích làm anh thấy rạo rực bồi hồi. Anh đã được phục sinh. Anh đã tưởng đời mình sẽ mãi cô độc, nhưng không ngờ rằng cô học trò năm xưa ấy lại luôn âm thầm dõi theo để lo lắng cho anh, đã kịp thời đến đưa anh đi điều trị trong thời khắc sinh tử.
Qua một cơn mê lộ ngắn ngủi của sự điêu tàn, anh nhận ra cuộc đời này đáng sống và đầy đủ ý nghĩa, khi mà sự dâng hiến và tình yêu thương luôn tồn tại. Tình yêu và cõi chết là vĩnh hằng, là chung thủy, là gắn bó bất di bất dịch với loài người. Còn lại, những điều khác chỉ là vô thường “sắc sắc, không không” mà thôi.
Ngẩng nhìn lên trời cao xanh thẳm, anh cầu mong đại dịch qua mau, để anh được tiếp bước lên bục giảng, được trải lòng với đàn em thân yêu của mình, được ngẩng cao đầu đi giữa sân trường đầy nắng gió, sống với tình cảm mới và sắc thái gương mặt mới…
Trần Văn Thanh