Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai và BVĐK Thống Nhất đã đưa khu phòng mổ đặc biệt dành riêng cho bệnh nhân Covid-19 vào hoạt động.
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai và BVĐK Thống Nhất đã đưa khu phòng mổ đặc biệt dành riêng cho bệnh nhân Covid-19 vào hoạt động.
Y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trong ca mổ sinh. Ảnh: B.Nhàn |
Khu phòng mổ được thiết kế áp lực âm hoặc thông khí, không lắp máy lạnh. Nhờ phòng mổ này, nhiều bệnh nhân Covid-19 cần mổ cấp cứu đã được cứu chữa, nhất là sản phụ mắc Covid-19 đã được phẫu thuật sinh nở “mẹ tròn con vuông”.
* Toát mồ hôi khi làm việc trong phòng mổ đặc biệt
Nhiều ngày nay, hơn 10 y, bác sĩ, kỹ thuật viên của Khoa Gây mê - hồi sức, BVĐK Đồng Nai phải ở lại bệnh viện, không được về nhà vì thường xuyên phải làm việc trong khu phòng mổ dành cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Từ đợt dịch lần thứ 3, BVĐK Đồng Nai đã thiết kế một khu phẫu thuật với 3 phòng mổ tại lầu 1 của bệnh viện. Khu mổ mới này chỉ dành riêng cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 và phải mổ như: sản phụ (sinh thường lẫn sinh mổ), chấn thương chỉnh hình, chấn thương sọ não…
Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 2-3 ca mổ các loại. “Do có sự chuẩn bị trước nên chúng tôi không bị động. Hầu như ngày nào cũng có ca F0 phải mổ nên chúng tôi phải ở lại bệnh viện luôn” - BS Nguyễn Văn Định, Trưởng khoa Gây mê - hồi sức, BVĐK Đồng Nai cho hay.
Nhân lực của các bệnh viện hiện nay thiếu trầm trọng, nhất là khi các y, bác sĩ “vô tình” trở thành F1, F0 phải cách ly, điều trị. Như vậy, lực lượng còn lại phải gánh thêm việc cho người khác. Thực tế, có những y, bác sĩ có con nhỏ, cả vợ lẫn chồng đều đi chống dịch, không thể gửi con cho người khác nên khá áp lực. |
Khu phòng mổ của BVĐK Đồng Nai được thiết kế là các phòng áp lực âm có cấu tạo gồm 2 phần là phòng đệm và phòng điều trị. Với cấu tạo đặc biệt này, không khí từ bên ngoài đi qua phòng đệm rồi vào phòng điều trị. Từ phòng điều trị, dòng không khí đi qua bộ lọc hiệu suất cao rồi bơm ra ngoài. Như vậy, phòng sử dụng hệ thống thông gió có chức năng tạo áp suất âm với phần còn lại của tòa nhà. Không khí trong lành có thể đi vào phòng nhưng chỉ không khí đã qua xử lý mới có thể thoát ra ngoài. Bên trong, phòng áp lực âm đã được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, vật dụng cần thiết, bao gồm cả nhà vệ sinh. Khu này còn có thêm 4 giường hồi sức sau mổ.
Khi làm việc trong phòng mổ phải mặc đồ bảo hộ làm cho các thao tác cũng khó khăn hơn. Các ca mổ sinh chỉ kéo dài khoảng 1 giờ, nhưng các ca mổ chấn thương sọ não, thần kinh hay chỉnh hình có khi kéo dài đến 2-3 giờ. “Nhưng điều lo ngại nhất là gặp các ca bệnh nhân phải đặt nội khí quản, chúng tôi phải tiếp xúc trực tiếp với virus. Hơn nữa, thao tác gây mê cũng khó khăn hơn bình thường vì vướng đồ bảo hộ. Do vậy, cả ê-kíp tham gia mổ đều chịu áp lực và tốn sức hơn rất nhiều” - BS Định chia sẻ.
Các y, bác sĩ phải mặc đồ bảo hộ trước khi vào phòng mổ |
Thời gian đầu đợt dịch, toàn tỉnh chỉ có BVĐK Đồng Nai có khu mổ này nên tất cả các ca phải mổ đều chuyển lên đây. Đến giữa tháng 8-2021, BVĐK Thống Nhất bắt đầu đưa khu mổ và phòng sinh dành cho bệnh nhân Covid-19 tại tầng 5 của bệnh viện vào hoạt động. Các phòng mổ đảm bảo thông khí, thông gió và không sử dụng máy lạnh.
“Tất cả các ca nhiễm Covid-19 có chỉ định mổ, chúng tôi đều thực hiện. Các phẫu thuật viên phải làm việc qua lớp kính chống giọt bắn rất bất tiện, nhưng vì sự an toàn nên mọi người không còn sự lựa chọn nào khác” - BS Lâm Hùng Hạnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Covid-19, BVĐK Thống Nhất cho biết.
* “Cân não” khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân
Mới đây, các bác sĩ của BVĐK Thống Nhất vui mừng chào đón một bé trai nặng 3,5kg sinh ra tại phòng sinh dành cho bệnh nhân Covid-19. Khi mang thai đến tuần thứ 39, sản phụ N.T.M.H. (quê Khánh Hòa, vào Đồng Nai lập nghiệp) bị nhiễm Covid-19. Ban đầu, chị H. được điều trị tại BVĐK khu vực Long Thành và chuyển lên BVĐK Thống Nhất do khó thở và sắp sinh. Gần 3 giờ sáng 21-8, sản phụ H. trở dạ, một ê-kíp gồm bác sĩ sản khoa và bác sĩ hồi sức tích cực đã tham gia đỡ đẻ cho sản phụ H.
BS Hạnh chia sẻ, do sản phụ bị mắc Covid-19, phổi bị tổn thương nặng, không có sức để rặn nên sinh thường rất khó khăn. Cả ê-kíp đã vừa đỡ đẻ, vừa động viên tinh thần để cả sản phụ và thai nhi “mẹ tròn, con vuông”. “Chúng tôi đã hỏi ý kiến người mẹ và đặt tên gọi ở nhà cho bé là Cu Vít để ghi nhớ khoảnh khắc bé ra đời trong những ngày tháng rất đặc biệt. Sau ca sinh, cả mẹ và bé đều được chăm sóc đặc biệt. Sức khỏe người mẹ đang dần ổn lại, còn bé chơi ngoan, bú tốt” - BS Hạnh tâm sự.
Từ ngày 9-7 đến nay, BVĐK Đồng Nai đã tiếp nhận 25 sản phụ nhiễm Covid-19 sinh con (cả sinh thường lẫn mổ). BS Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Sản, BVĐK Đồng Nai tham gia mổ cho nhiều ca cho biết thêm, may mắn tất cả các ca sinh dù mẹ nhiễm Covid-19 nhưng khi test cho các bé đều không bị nhiễm. Dù vậy, các bé đều được chăm sóc ở phòng riêng tại đơn nguyên sơ sinh để tránh lây nhiễm. Nếu muốn chăm sóc bé, các bà mẹ phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang rất nghiêm ngặt nên nhiều người đã chọn cách cho con uống sữa công thức thay vì bú sữa mẹ vì lo nhiễm bệnh cho con.
BS Hoan cho hay, sản phụ thường bị rối loạn đông máu khi sinh, nếu nhiễm Covid-19 thì ca sinh sẽ khó khăn hơn nhiều. “Chúng tôi đã từng tiếp nhận sản phụ là F0 phải sinh mổ vì tổn thương phổi nặng do Covid-19. Họ không còn sức để thở, để rặn đẻ. Với các ca mổ này, chúng tôi khá căng thẳng vì tình trạng đặc biệt của bệnh nhân và nguy cơ lây nhiễm cho cả ê-kíp mổ lẫn gây mê đều cao” - BS Hoan bày tỏ.
Phụ nữ mang thai dễ nhiễm Covid-19 và mức độ cũng nặng hơn so với những người khác do miễn dịch giảm. Khi đó, nguy cơ đông máu, chức năng hô hấp của bà mẹ sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, phụ nữ mang thai cần được ưu tiên tiêm vaccine càng sớm càng tốt.
BS Hoan chia sẻ: “Những ngày này, nhất là các khu vực bị phong tỏa, nhiều bà bầu đã khám bệnh online. Họ không được và không dám đi ra ngoài khám thai như trước nên khá lo lắng. Tôi nghĩ các chốt kiểm soát cần tạo điều kiện cho thai phụ đi khám thai định kỳ để tránh tình huống xấu xảy ra”.
Còn theo BS Định, việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 sau mổ không đơn giản. Bệnh nhân sau mổ còn có vết mổ nên rất dễ bị chảy máu sau mổ, rối loạn đông máu nếu dùng thuốc kháng đông sớm. Do đó, việc sử dụng thuốc kháng đông cũng khiến các bác sĩ phải “cân não”.
Bích Nhàn