Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng giá trị cho tre Việt

08:09, 24/09/2021

Đa dạng hóa sản phẩm từ cây tre là giải pháp mà dự án Hồn tre Việt của chị Trần Thị Thủy (TP.Biên Hòa) đang thực hiện để phát triển thương hiệu, nâng chất cho sản phẩm được làm bằng tre.

Đa dạng hóa sản phẩm từ cây tre là giải pháp mà dự án Hồn tre Việt của chị Trần Thị Thủy (TP.Biên Hòa) đang thực hiện để phát triển thương hiệu, nâng chất cho sản phẩm được làm bằng tre.

Chị Trần Thị Thủy giới thiệu các sản phẩm làm từ tre
Chị Trần Thị Thủy giới thiệu các sản phẩm làm từ tre

Sau vài năm khởi nghiệp, thương hiệu Happy Bamboo straws của Công ty TNHH Đường Nhạc do chị làm chủ đã được thị trường trong nước và một số khách hàng quốc tế ưa chuộng.

* Sáng tạo sản phẩm từ cây tre

Trước đây, gia đình chị Thủy vốn có nghề làm sáo trúc và bán nguyên liệu tre nứa cho các nghệ sĩ, giảng viên âm nhạc, những người đam mê sáo trúc. Chồng chị biết thổi sáo từ thời sinh viên và được mọi người nhờ làm sáo giúp, rồi sau đó nhiều người hỏi mua, dần dần có số lượng lớn cung cấp sỉ cho nhiều cửa hàng nhạc cụ và giảng viên trường nhạc.

Khi thấy nhà có rất nhiều ống tre nứa đủ kích thước, chủng loại, chị Thủy nghĩ nếu chỉ sản xuất sáo trúc thì sẽ không tận dụng hết được giá trị của tre. Vì thế, chị lựa chọn sản xuất thêm sản phẩm ống hút từ tre do việc chế tác tương đối giống với làm sáo.

Theo chị TRẦN THỊ THỦY, từ khi tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021, sản phẩm tre đã có thêm các kênh giới thiệu rộng rãi hơn ra thị trường, nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp Hội liên hiệp phụ nữ. Đây là cơ hội để chị tham gia các khóa học dành cho phụ nữ khởi nghiệp, quản trị sản xuất, DN khi quy mô được mở rộng, sản phẩm xuất khẩu ngày càng nhiều ra thế giới.

Cả hai vợ chồng đều là những người trẻ và gắn bó với cây tre, cùng yêu môi trường, thiên nhiên nên tham gia nhiều CLB trên mạng xã hội nhằm tuyên truyền, bảo vệ môi trường sống. Những câu chuyện đau lòng về việc môi trường tự nhiên bị ảnh hưởng, các con thú, sinh vật biển ăn phải rác thải nhựa đã khiến chị trăn trở. Trên mạng xã hội, nhiều bài viết, clip cho thấy những chú hải cẩu bị thắt cổ đến rách thịt chỉ bởi mảnh ny-lông trôi nổi trên biển, rùa biển thì bị ống hút nhựa dài cắm vào mũi, hải âu khi chết trong bụng chỉ toàn rác thải nhựa. Ngay những bờ biển mà chị đã từng đến, những ống hút nhựa và hộp xốp, túi ny-lông cũng nổi dập dềnh. Điều đó thôi thúc chị cần phải hành động góp phần hạn chế rác thải nhựa.

Năm 2018, vợ chồng chị Thủy bắt đầu dự án Hồn tre Việt với thương hiệu Happy Bamboo straws. Công ty TNHH Đường Nhạc do vợ chồng chị làm chủ được thành lập.

Tuy nhiên, việc bắt đầu với ống hút tre gặp rất nhiều khó khăn vì sản phẩm từ tre không phổ biến trên thị trường. Là sản phẩm mới, vợ chồng chị phải tự mày mò, nghiên cứu phương thức sản xuất phù hợp nhất. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm trong và ngoài nước cũng không dễ dàng, nhất là khó khăn trong quá trình gửi hàng đi nước ngoài vì cước phí vận chuyển khá cao.

“Nỗ lực nhiều thì cũng có kết quả. Sau khi ống hút tre được thị trường trong và ngoài nước biết đến, khách hàng rất thích thú. Họ bắt đầu tìm kiếm và yêu cầu sản xuất các sản phẩm khác từ tre. Nhận thấy vật liệu truyền thống của Việt Nam rất được yêu thích nên công ty phát triển sản xuất thêm nhiều sản phẩm tre khác như: cốc tre, bình giữ nhiệt bằng vỏ tre, bút tre, hộp đựng trà từ tre... và những sản phẩm từ tre theo yêu cầu của khách hàng” - chị Thủy cho biết.

Ưu điểm của sản phẩm từ tre là không sử dụng các hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất và bảo quản, còn giữ nguyên màu sắc, mùi hương của cây tre Việt Nam, không gây ảnh hưởng cho sức khỏe người tiêu dùng. Khi sản phẩm không còn được sử dụng với mục đích ban đầu thì vẫn có thể tái sử dụng với nhiều công dụng khác như: làm củi đốt, làm đồ tái chế... Tre cũng là nguyên liệu dễ dàng phân hủy, không cần đợi đến vài trăm năm như nhựa hoặc ny-lông nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

* Tạo công ăn việc làm cho người yếu thế

Đơn đặt hàng nhiều, chị Thủy mở rộng quy mô sản xuất và tạo việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động tại xưởng. Điều đặc biệt, doanh nghiệp (DN) nhỏ này rất quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội. Tại xưởng của chị, có lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật.

Khách hàng tham quan gian hàng sản phẩm làm từ tre của Công ty TNHH Đường Nhạc
Khách hàng tham quan gian hàng sản phẩm làm từ tre của Công ty TNHH Đường Nhạc

Không chỉ tạo việc làm tại chỗ, mà chị Thủy còn đặt may các sản phẩm bao bì như túi vải đựng ống hút từ cơ sở của những người khuyết tật ở Hà Nội. Chị đặt may túi vải bố tái chế từ những người dân tộc thiểu số ở vùng Măng Đen, tỉnh Kon Tum, góp phần tạo việc làm cho họ để giảm tình trạng chặt phá rừng. Ngoài ra, có nhiều lao động thời vụ là phụ nữ không có việc làm, phụ nữ đã nghỉ hưu ở địa phương cũng tham gia làm việc tại xưởng.

Không chỉ chăm chút, xây dựng thương hiệu mà chị Trần Thị Thủy còn tạo việc làm cho người yếu thế, lao động khuyết tật có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

“Những người yếu thế, tàn tật hoặc hoàn cảnh neo đơn rất khó vươn lên trong cuộc sống nếu chúng ta không tạo điều kiện cho họ. Xưởng của chúng tôi thu nhận và tạo việc làm với mong muốn góp một phần nhỏ bé giúp họ vơi bớt khó khăn” - chị Thủy chia sẻ thêm.

DN đang phát triển ổn định thì đại dịch Covid-19 xuất hiện. Năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam nhưng chưa nghiêm trọng như hiện nay, DN bị ảnh hưởng 1-2 tháng do khó bán hàng vì sản phẩm tre bán ra nước ngoài là chính. Tuy nhiên, chị Thủy đã nhanh chóng chuyển hướng sang thị trường trong nước bằng cách tạo ra các combo quà tặng từ sản phẩm tre phục vụ các dịp lễ, các sự kiện. Quà tặng từ tre được nhiều công ty chọn làm quà cho đối tác, khách hàng, nhân viên. Hội liên hiệp phụ nữ của nhiều phường, xã trên cả nước cũng sử dụng cốc tre làm quà tặng các đại hội.

“Cốc uống nước bằng tre vừa dùng để uống, vừa làm quà lưu niệm rất ý nghĩa. Đã có rất nhiều tổ chức, cơ quan chọn cốc tre của Hồn tre Việt làm quà tặng cho nhân viên, khách hàng. Các sản phẩm thân thiện khác như bình giữ nhiệt vỏ tre, hộp đựng trà, cà phê bằng tre, thác nước phong thủy tre... cũng được nhiều ngời tiêu dùng yêu thích. Nhiều đơn vị đã đặt hàng của Hồn tre Việt để làm quà tặng cho nhân viên, cho đối tác”, cô chủ trẻ của các dòng sản phẩm này nói về sự thành công trong việc chuyển hướng của mình.

Hiện việc sản xuất của DN gặp khó khăn, doanh thu giảm do công ty cho nhân viên nghỉ để phòng, chống dịch kể từ khi áp dụng Chỉ thị 16. Tuy nhiên, chị Thủy vẫn đang tích cực xây dựng bài bản kênh bán hàng online để mở rộng thị trường trong và ngoài nước, chờ khi sản xuất được mở cửa sẽ tăng tốc trở lại phục vụ khách hàng.

Ngoài việc nỗ lực duy trì công việc kinh doanh, quảng bá để nhiều người biết đến hoạt động của mình, chị Thủy đã mạnh dạn tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức theo hình thức online. Dự án Hồn tre Việt của chị là một trong 3 dự án đến từ Đồng Nai đã lọt vào vòng thi thuyết trình cấp vùng sẽ được công bố kết quả trong thời gian tới.

Vương Thế

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích