Giữa thời điểm đại dịch Covid-19 đang lan rộng và Việt Nam đang "gồng mình" chống đỡ làn sóng dịch mạnh nhất (trong gần 2 năm nay từ khi ca nhiễm đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc) với biến thể Delta, việc làm sao để giữ các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất đừng đứt gãy là một trong những chủ đề được quan tâm nhất.
Giữa thời điểm đại dịch Covid-19 đang lan rộng và Việt Nam đang “gồng mình” chống đỡ làn sóng dịch mạnh nhất (trong gần 2 năm nay từ khi ca nhiễm đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc) với biến thể Delta, việc làm sao để giữ các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất đừng đứt gãy là một trong những chủ đề được quan tâm nhất.
Và việc đầu tư cho công nghệ, đầu tư cho các giải pháp đổi mới sáng tạo trong sản xuất lại một lần nữa được đặt ra như một vấn đề thời sự. Thật ra, bản thân câu chuyện này chưa bao giờ cũ bởi chỉ khi đầu tư đổi mới công nghệ, doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh đang ngày càng trở nên gay gắt.
Việc lệ thuộc quá nhiều vào yếu tố nhân công “đông và rẻ” làm cho nhiều doanh nghiệp có vẻ lớn về quy mô nhưng sức mạnh thực sự lại không bằng các doanh nghiệp có cơ cấu nhân công gọn gàng, năng suất lại cao nhờ vào công nghệ.
Trên trang web của Bộ Công thương vào tháng 7-2021 về chủ đề này, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp lớn trong ngành may mặc Việt Nam chia sẻ một thực tế là công nghệ tự động hóa kết nối trên nền tảng internet đang dần thay thế người lao động tại các dây chuyền sản xuất và trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may. Hệ thống thiết bị công nghệ mới được đầu tư của doanh nghiệp này đã thay thế vị trí của 800 công nhân. Theo tính toán, trung bình một máy laser sử dụng công nghệ tự động, công nghệ cao trong may mặc có thể thay thế cho 49 công nhân may thủ công. Ngoài ra, nếu theo công nghệ cũ, để cho ra đời một chiếc quần jean thành phẩm thì mất 13 phút, còn hiện nay, với công nghệ lập trình trên máy, chỉ cần chưa tới 10 giây để tạo ra một sản phẩm.
Quay lại câu chuyện sản xuất trong dịch bệnh, công nghệ đã và đang là “cứu cánh” của nhiều doanh nghiệp khi việc đảm bảo số lao động tối thiểu để duy trì sản xuất lúc này lại trở thành một bài toán vô cùng khó. Các doanh nghiệp buộc phải thực hiện phương án “3 tại chỗ” thì mới sản xuất tiếp được. Nhưng làm sao có thể sắp xếp “3 tại chỗ” cho cả chục ngàn công nhân trong một thời gian ngắn ngủi? Và kể cả doanh nghiệp chỉ vài trăm công nhân, đây cũng là bài toán chẳng dễ dàng gì vì “3 tại chỗ” đòi hỏi nơi ăn, chốn ở, hệ thống vệ sinh, ăn uống… cho người lao động mà thực tế có rất ít doanh nghiệp có thể kịp thời đáp ứng.
Nhìn nhận xa hơn một chút từ những khó khăn đang “bủa vây” doanh nghiệp, thì việc đầu tư công nghệ để tinh giản số công nhân, nâng cao năng lực sản xuất là hướng đi lâu dài và đại dịch Covid-19 là một “lời nhắc nhở” có phần mạnh mẽ. Chưa biết khi nào đại dịch này sẽ chấm dứt và việc lệ thuộc quá nhiều vào nhân công đông, rẻ có thể sẽ trở thành một rào cản lớn cho doanh nghiệp ngay sau đại dịch. Vậy nên câu chuyện tối ưu hóa sản xuất, đầu tư các giải pháp công nghệ, tinh giản nhân công… vẫn luôn là vấn đề thời sự nhất mà doanh nghiệp nào cũng phải quan tâm.
Vi Lâm