Báo Đồng Nai điện tử
En

Start-up và bài toán bảo mật

05:08, 28/08/2021

Khởi nghiệp, nhất là những mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ thường đạt xác suất thành công cao nhưng cũng đối mặt với rủi ro bị đánh cắp công nghệ, ý tưởng.

Khởi nghiệp, nhất là những mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ thường đạt xác suất thành công cao nhưng cũng đối mặt với rủi ro bị đánh cắp công nghệ, ý tưởng.

Kiểm tra sản phẩm phễu rung tự động trước khi xuất xưởng tại Công ty TNHH TMDV Sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa)
Kiểm tra sản phẩm phễu rung tự động trước khi xuất xưởng tại Công ty TNHH TMDV Sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa)

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu không chú ý bảo vệ thì khi sản phẩm thành công, bắt đầu phát triển, doanh nghiệp (DN) rất dễ bị mất quyền sở hữu đối với sản phẩm hoặc tài sản mà không hay biết.

* Dễ bị sao chép, trùng lắp ý tưởng

Trên thực tế đã có những DN gặp phải vấn đề này. Do vậy, đối với các DN, nhất là DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, việc nắm giữ được công nghệ lõi rất quan trọng.

Là DN phát triển theo định hướng công nghệ, Công ty CP Công nghệ Nhiệt Mặt Trời (TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất những sản phẩm như hệ thống sấy khô nông sản, phở, bánh tráng, hủ tiếu, tủ sấy đa năng… Trong quá trình kinh doanh, DN này cũng đã gặp phải tình trạng sao chép công nghệ.

Theo ông Nguyễn Văn Khỏe, Giám đốc công ty thì một dự án tại TP.HCM trị giá nhiều tỷ đồng mà ông dự định ký kết nhưng sau đó khách hàng đã chuyển hợp đồng này cho một đơn vị khác. Điều đáng nói là công nghệ mà đơn vị này thực hiện lại chính là phiên bản của Công ty CP Công nghệ Nhiệt Mặt Trời do họ được tiếp cận từ trước. Kết quả là sau 6 tháng thi công nhưng hệ thống sấy mà đơn vị kia thực hiện không đạt yêu cầu và trễ hẹn. Cuối cùng chủ đầu tư mới phải tìm đến ông để “chữa cháy”.

“Dự án này không hề dễ chút nào, tuy nhiên chủ đầu tư vì nôn nóng cho nên đã phải trả giá đắt về tiến độ cũng như chất lượng không đạt và phải tìm đến chúng tôi để sửa chữa lại” - ông Khỏe cho hay.

Ngoài bị sao chép công nghệ, sản phẩm thì DN còn có thể bị trùng lắp ý tưởng kinh doanh. Theo anh Nguyễn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thiết bị và phần mềm iCare (H.Trảng Bom), dự án khởi nghiệp mà công ty nghiên cứu sản xuất là thiết bị iCare nhỏ gọn, an toàn, tiện lợi, có thể gắn lên người để giám sát và theo dõi nhiệt độ từ xa thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Thiết bị rất hữu ích đối với các gia đình có con nhỏ, gia đình cần theo dõi sức khỏe người bệnh thông qua nhiệt độ cơ thể…

Từ dự án này, tại chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Việt Nam), anh Quang được Shark Nguyễn Hòa Bình (Chủ tịch Tập đoàn NextTech) đồng ý góp 100 ngàn USD để lập liên doanh sản xuất sản phẩm. Theo anh Quang, vấn đề là từ khi có ý tưởng cho đến giai đoạn hoàn thiện và tung ra thị trường sẽ không tránh khỏi có những công ty cho ra các sản phẩm tương tự.

“Khi chúng tôi nghiên cứu, phát triển sản phẩm này thì trên thị trường chưa có nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, các tập đoàn lớn trên thế giới đã triển khai những sản phẩm tương tự, do vậy DN cần có đủ nguồn lực để ý tưởng của mình gia nhập thị trường một cách nhanh nhất” - anh Quang mong muốn.

* Làm chủ công nghệ lõi

Để có thể yên tâm với ản phẩm của mình theo các DN, yếu tố quan trọng bậc nhất là phải làm chủ công nghệ lõi bởi kiểu dáng sản phẩm, thậm chí chức năng có thể tương tự nhưng công nghệ lõi được bảo mật thì rất khó bị khai thác.

Là chủ DN chuyên sản xuất các thiết bị cấp phôi tự động (phễu rung, mâm rung, sàng rung, máy cấp liệu, máy cấp phôi…) phục vụ cho các nhà máy công nghiệp, ông Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) cho hay, DN của mình không ngại việc bị cạnh tranh hay là sao chép sản phẩm vì luôn giữ bảo mật với công nghệ của mình. “Dù quy mô nhỏ nhưng những sản phẩm của chúng tôi luôn được khách hàng đặt nhiều vì mỗi đơn vị có những bí quyết, công nghệ riêng của mình, điều này được bảo mật rất kỹ” - ông Bình nói.

Tương tự, với ông Nguyễn Văn Khỏe thì công nghệ chế tạo hệ thống sấy sử dụng năng lượng mặt trời của DN đã được đúc kết kinh nghiệm, mày mò hơn 10 năm trời. Cho dù có bị sao chép về kiểu dáng nhưng đối với các sản phẩm mang tính chất công nghệ sẽ có những nguyên lý riêng mà người sáng chế nắm giữ nên chất lượng sản phẩm sao chép làm ra khó có thể cạnh tranh lại.

Trong khi đó, dưới góc độ là nhà tư vấn, ông Ngô Đắc Thuần (David Ngô), Phó tổng giám đốc phụ trách về công nghệ tại Trung tâm Công nghệ cao TP.HCM, Chủ tịch Tập đoàn Ipplus thì DN cần coi trọng vấn đề sở hữu trí tuệ. Tại Việt Nam, rất ít DN nhận thức rõ ràng vấn đề này. Khi có sở hữu trí tuệ sẽ bảo vệ sản phẩm sáng tạo của mình khỏi việc bị “đạo nhái”.

“Với một ý tưởng mới, công nghệ do mình phát triển, khi gọi vốn DN sẽ không được định giá cao do không có gì chứng minh ngoài đội ngũ tâm huyết… Nếu có bằng sáng chế trong tay, giá trị khác hẳn” - ông Ngô Đắc Thuần chia sẻ.

Văn Gia

Tin xem nhiều