Theo cơ quan chức năng của tỉnh, tình hình vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, tinh vi, hoạt động có tổ chức.
Theo cơ quan chức năng của tỉnh, tình hình vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, tinh vi, hoạt động có tổ chức.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra hàng hóa tại chợ Long Thành để sớm phát hiện hàng gian, hàng giả. Ảnh: T.Tâm |
Trong khi đó, hệ lụy tiêu cực mà hàng giả, hàng kém chất lượng mang lại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất là rất lớn vì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính mà còn làm mất niềm tin của người tiêu dùng đối với những doanh nghiệp chân chính.
* Nhức nhối hàng giả, hàng kém chất lượng
Thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện nhiều vụ làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng giả thương hiệu, chủ yếu là các mặt hàng như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, giỏ xách, quần áo, giày dép, nước giải khát, bột ngọt, hạt nêm...
Gần nhất vào chiều 13-3, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP.Biên Hòa phát hiện một cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả quy mô lớn ở P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa); thu hồi khoảng 3 ngàn sản phẩm là mỹ phẩm giả, như: son môi, kem làm sáng da, kem che khuyết điểm... Toàn bộ sản phẩm này đã được đóng gói, đang chờ giao hàng cho những đầu mối qua đường bưu điện.
Theo ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn ra thị trường, ngoài sự quyết liệt ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng của cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp cần bảo vệ chính sản phẩm của mình và người tiêu dùng cần thông thái hơn trong đánh giá và lựa chọn sản phẩm, có động thái phù hợp khi phát hiện hàng giả để giúp cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả đối với hàng giả, hàng kém chất lượng. |
Chỉ tính trong gần 3 tháng đầu năm 2021, lực lượng Công an tỉnh phát hiện, lập hồ sơ xử lý hơn 120 vụ/hơn 270 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Qua công tác điều tra đã khởi tố 31 vụ, 74 bị can, xử lý hành chính 58 vụ, 62 đối tượng với số tiền hơn 600 triệu đồng.
Nổi bật là chuyên án 920G đấu tranh triệt phá đường dây buôn lậu, sản xuất, mua bán xăng giả có quy mô lớn, hoạt động liên tỉnh do Công an tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an và nhiều đơn vị khác thực hiện từ ngày 6-2. Theo điều tra của công an, đường dây buôn lậu và sản xuất xăng giả này đã tuồn hơn 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng ra thị trường, thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đối với người tiêu dùng trước nguy cơ các phương tiện bị giảm công suất, tuổi thọ và xảy ra cháy nổ cao.
Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, trong năm 2020 đơn vị này đã kiểm tra và xử lý gần 220 vụ, phạt gần 1,3 tỷ đồng đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm về hành vi kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xử phạt hơn 160 vụ/gần 600 triệu đồng liên quan đến hàng hóa không nguồn gốc xuất xứ.
Chị Nguyễn Hoài Thương (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bày tỏ lo lắng, hiện nay, hàng hóa trên thị trường rất phong phú về mặt hàng, đa dạng về chủng loại, giá cả. Trong khi đó, hàng giả, hàng nhái được làm rất tinh vi, giống như thật nên người tiêu dùng không dễ nhận biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả nếu mua hàng ở nơi không uy tín và không kiểm tra kỹ xuất xứ hàng hóa, cũng như thông tin trên sản phẩm.
* Mạnh tay hơn trong xử lý các đối tượng vi phạm
Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, Đồng Nai nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, công nghiệp phát triển, dân số đông nên cũng là nơi dễ dàng phát sinh các vi phạm về sản xuất, kinh doanh, tập kết, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Điều đáng nói, các đối tượng vi phạm thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó, qua mặt công tác kiểm tra của lực lượng chức năng. Đặc biệt là việc sử dụng các trang mạng xã hội, dịch vụ chuyển phát nhanh, vận chuyển hàng hóa trên các xe khách liên tỉnh để mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng khá phổ biến. Các đối tượng thường chia nhỏ số lượng hàng giả, hàng kém chất lượng để gửi chung cùng nhiều mặt hàng khác gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong hoạt động kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.
Trong khi đó, việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng có tác động tiêu cực đến lợi nhuận cũng như công việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính, khiến khách hàng hiểu lầm và quay lưng lại với sản phẩm chính hãng. Bên cạnh đó, việc chênh lệch về giá cả giữa hàng giả, hàng thật khiến mặt hàng chính hãng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu. Đặc biệt, việc sử dụng hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân, nhất là với mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm...
Trước diến biến phức tạp của dịch Covid-19 và thực trạng hàng giả, hàng nhái đang ngày càng diễn biến phức tạp, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên địa bàn; nhất là kinh doanh các vật tư y tế phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoặc nâng giá bán cao hơn quy định. Đồng thời hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường quy chế phối hợp liên ngành để có thể phát hiện sớm, ngăn chặn các cơ sở, cá nhân có hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trao đổi về vấn đề nêu trên, luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, trước thực trạng hàng gian, hàng giả diễn biến phức tạp, các ngành chức năng cần mạnh tay hơn trong xử lý các đối tượng vi phạm. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị xử phạt hành chính với số tiền lên đến 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức.
Cũng tại Điều 192, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù từ 1-15 năm (tùy theo mức độ vi phạm khác nhau). Đồng thời, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20-50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội tại điều này thì có thể bị phạt tiền từ 1-9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Tố Tâm