"Vài mươi cơn bão có chi đâu, Đời vẫn cứ đẹp cứ sắc màu" - đó là đoạn ca từ lạc quan yêu đời trong bài hát Anh tan trong mắt em được nhạc sĩ Quốc Bảo chọn vào album 30 năm tình ca Quốc Bảo được anh tiết lộ rằng mình tâm đắc, hài lòng nhất.
“Vài mươi cơn bão có chi đâu, Đời vẫn cứ đẹp cứ sắc màu” - đó là đoạn ca từ lạc quan yêu đời trong bài hát Anh tan trong mắt em được nhạc sĩ Quốc Bảo chọn vào album 30 năm tình ca Quốc Bảo được anh tiết lộ rằng mình tâm đắc, hài lòng nhất.
Liveshow Bình yên kỷ niệm 30 năm sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Quốc Bảo dự định diễn ra vào ngày 15-5 tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) đã phải hoãn lại vì dịch Covid-19. Thế nhưng nhạc sĩ vẫn chiều lòng người mộ điệu như một sự “bù đắp” khi bộ đĩa than + CD 30 năm tình ca Quốc Bảo “vẫn cứ phát hành để cả nhà nghe trong lúc chờ show” vào ngày 17-5 vừa rồi.
“Công việc vẫn chạy đều mặc dù dịch bệnh, và mình phải cố mà vui mặc dù dịch bệnh” - nhạc sĩ Quốc Bảo nhẹ nhàng chia sẻ. Và trong cuộc trao đổi dành cho Đồng Nai cuối tuần, khi được hỏi trong thời gian xã hội có nhiều thay đổi, hạn chế hoạt động nghệ thuật vì dịch Covid-19 như thời điểm suốt tháng 5 này thì lịch sinh hoạt của một nhạc sĩ phải thích ứng ra sao, anh đã nói rõ hơn: “Độ 2 năm nay, tôi làm việc ở nhà là chính, thì cũng xem như “tự cách ly” rồi. Show Bình yên bị hoãn tôi cũng bối rối đôi chút, nhưng không đến nỗi nào vì tôi còn những mảng công việc khác như: sáng tác, thu âm. Nếp sinh hoạt của tôi không thay đổi gì: sáng uống trà ngồi viết, chiều đôi khi ra phố hoặc vào studio, tối về đọc sách. Cũng từ lâu như vậy rồi. Tôi cũng đang thu xếp thời gian và cảm hứng để chụp ảnh trở lại”.
Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của anh đã trải qua nhiều thời kỳ khác nhau. Nếu tạm chia 30 năm thành 3 cột mốc: 30 năm trước, 20 năm trước, 10 năm trước và hôm nay, anh có thể đánh giá từng giai đoạn ấy mang lại dấu ấn gì về “âm nhạc Quốc Bảo”?
Nhạc sĩ Quốc Bảo ra album 30 năm tình ca Quốc Bảo đánh dấu sự nghiệp âm nhạc từ năm 1989 đến nay |
- 30 năm trước tôi là một người trẻ, làm nhạc vì đam mê. Dần dần khi đã chuyên nghiệp thì đam mê có thêm phẩm chất đắp thêm là tính kỷ luật, có tổ chức. 30 năm trước hay bây giờ, tôi đều làm những gì hướng đến đối tượng cụ thể nên căn bản là giống nhau. Có khác chăng là những giọng ca thể hiện tác phẩm xưa với nay khác nhau.
Người ta thường chia sự nghiệp tôi thành 3 giai đoạn: Tinh khôi, Độc thoại và Bình yên. Tôi cũng đồng ý với cách chia như thế mặc dù không hẳn ca khúc nào cũng tuân răm rắp theo tiến trình đó. Giờ tôi vẫn viết được những bài tinh khôi chứ (cười).
Từ Trần Thu Hà đến Nguyên Hà Vì sao chỉ có Bằng Kiều, Trần Thu Hà, Lê Hiếu và Nguyên Hà xuất hiện trong album kỷ niệm 3 thập niên sáng tác của nhạc sĩ Quốc Bảo? Nhạc sĩ đáp: “Bằng Kiều đã hát bài Còn ta với nồng nàn của tôi từ lâu lắm rồi, trước cả Quang Dũng. Hà Trần là “Nàng thơ số 1” của tôi. Lê Hiếu thì làm việc với tôi từ buổi đầu sự nghiệp của cậu ấy. Còn Nguyên Hà xem như là một phát hiện mới của tôi vậy”. |
30 năm tình ca - một chặng đường nghệ thuật không hề ngắn, và một nhạc sĩ tài hoa như anh cũng sáng tác gần ngàn ca khúc. Thế nhưng trong abum 30 năm tình ca anh chỉ chọn 9 ca khúc - và dường như chỉ chọn Em về tinh khôi là bài hit nổi tiếng. Vì sao, thưa anh?
- À, đơn giản là khi thu album 30 năm tình ca, tôi chọn ca sĩ trước (Bằng Kiều, Trần Thu Hà, Lê Hiếu và Nguyên Hà), rồi chọn bài sau dựa vào list 4 ca sĩ này. Thành thử ra bài hát chỉ gói gọn như vậy thôi: 9 bài cho 4 người (ban đầu chỉ có 8 bài). Gần cả ngàn bài hát chỉ chọn 9 bài vô cùng khó, nên tôi cứ lấy ngẫu nhiên khoảng 20 bài rồi tuyển lại 9 và hòa âm phối khí.
Vì sao anh tin cậy chọn Nguyên Hà trình bày nhiều nhất - 3/9 ca khúc trong album?
- Nguyên Hà gắn bó với quãng thời gian 10 năm sau này với tôi qua 3 album nhạc chủ đề Địa Đàng I, II, III (từ năm 2012-2018) nên tôi thấy thật thích hợp khi nay giao thêm một bài hát mới nữa cho cô ấy thể hiện, mang tựa: Bài đồng dao của Hà.
Thị trường nhạc Việt hôm nay đang nổi lên một lớp nhạc sĩ sáng tác và ca sĩ rất trẻ, đối tượng khán giả của họ là thế hệ Millennials (Gen Y), thế hệ Gen Z. Anh có quan sát dòng chảy âm nhạc này? Và cả trào lưu “rap Việt” trong 2 năm 2020-2021 nữa? |
Đĩa than, băng cối là định dạng sản phẩm đang được các nghệ sĩ Việt Nam tung ra ngày càng nhiều. Và đĩa của anh cũng vậy. Anh đánh giá như thế nào về thị trường loại đĩa này?
- Tôi cho rằng thị trường LP còn hẹp nhưng hứa hẹn. Tại Việt Nam có khoảng chừng 2 ngàn người sưu tập đĩa than nhưng con số ấy cũng chưa dừng lại. Đáng để nghệ sĩ phục vụ họ chứ!
Có tin cho hay anh nói mình sẽ không sáng tác ca khúc nữa?
- À, tôi vẫn viết nhạc cho học trò chứ, còn viết cho riêng mình thì là khí nhạc (nhạc không lời).
Anh vẫn tiếp tục đào tạo ca sĩ trẻ? Ngày xưa lẫn bây giờ, một ca sĩ trẻ có những tố chất gì thì mới khiến cho anh có cảm hứng và nhận lời hỗ trợ?
- Cũng khó nói tiêu chuẩn nào để làm học trò của tôi. Có gì đó như linh cảm, và cảm hứng công việc đến từ linh cảm ấy. Giờ tôi đang hướng dẫn cô học trò Trini (Lưu Tuyết Trinh, đang là sinh viên Khoa Thanh nhạc của Nhạc viện TP.HCM - PV), một giọng ca có nền tảng tốt và chịu khó. Vâng, có lẽ tiêu chuẩn là có nền tảng và chịu khó đó.
Nhạc sĩ Quốc Bảo sáng tác âm nhạc từ năm 1989. Anh còn làm nhà sản xuất, hòa âm phối khí, viết báo phê bình âm nhạc, viết sách, cố vấn nghệ thuật cho nhiều ca sĩ. Quốc Bảo đã ra trên 10 album nhạc và có nhiều ca khúc được công chúng yêu thích, gắn với nhiều giọng ca thành danh như: Thanh Lam, Bằng Kiều, Mỹ Tâm, Hà Trần, Lê Hiếu, Đức Tuấn, Quang Dũng, Thủy Tiên... Album 30 năm tình ca Quốc Bảo gồm 9 ca khúc: Ru 9, Bài đồng dao của Hà, Có lúc, Một ngày, Nhớ, Dạ khúc, Anh tan trong mắt em, Em về tinh khôi và Đền nhau. - Tôi có cập nhật âm nhạc của các bạn trẻ, đó là một dòng chảy hiện đại, đi theo đúng xu hướng thế giới. Hip-hop, city pop, rap…, đều có đối tượng nghe của họ. Điều cần lưu tâm là làm sao để các tác giả trẻ đi được đường dài, đi thật lâu như chúng tôi đã từng đi. Rồi đây lại có lớp trẻ hơn, trẻ hơn nữa, quy luật là vậy mà. Chúng tôi chỉ biết làm việc thật tích cực. |
Xin cảm ơn anh!
Trung Nghĩa (thực hiện)