Từ ngày 22 đến 27-4, tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam (67-69, Trần Nhân Tông, Hà Nội) đã diễn ra cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc năm 2021. Cuộc thi nhằm tạo cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các nghệ sĩ xiếc trên khắp cả nước.
Từ ngày 22 đến 27-4, tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam (67-69, Trần Nhân Tông, Hà Nội) đã diễn ra cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc năm 2021. Cuộc thi nhằm tạo cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các nghệ sĩ xiếc trên khắp cả nước.
Tiết mục Tung hứng chậu hoa. Ảnh: Trí Trọng |
* Hơn 100 diễn viên xiếc khoe tài
Có hơn 100 diễn viên xiếc đến từ 5 đơn vị tham gia với 29 tiết mục dự thi gồm: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội, Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam và Ðoàn xiếc Long An.
Mỗi tiết mục dự thi có thời lượng từ 7-12 phút và biểu diễn dự thi 2 lần. Lần dự thi nào có số điểm cao hơn sẽ được lấy làm số điểm chính thức.
Ông Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, so với các cuộc thi trước thì cuộc thi lần này có thêm nét mới, đó là bổ sung loại hình xiếc hài và xiếc thú chứ không chỉ bó hẹp xiếc người. Liên đoàn Xiếc Việt Nam lần này tham gia lực lượng khá hùng hậu với số lượng tiết mục nhiều nhất, 12 tiết mục. Ông Ánh nói: “Chúng tôi có lợi thế là cuộc thi được tổ chức ngay tại rạp xiếc của liên đoàn nên lãnh đạo liên đoàn tranh thủ tạo điều kiện cho các nghệ sĩ tham gia ở hầu hết loại hình. Ðặc biệt là các diễn viên trẻ. Vì tuổi nghề của bộ môn xiếc không cao nên những cuộc thi có tính chất toàn quốc như thế này là cơ hội để các bạn cọ xát, giao lưu học hỏi kinh nghiệm”.
Thêm một lý do nữa mà ông Ánh đưa ra là suốt 2 năm vừa qua, vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động biểu diễn xiếc cũng bị hạn chế. Nghệ sĩ thời gian đó tranh thủ tập luyện nâng cao tay nghề, tuy nhiên vẫn rất cần biểu diễn trước công chúng để rút kinh nghiệm và có sự thăng hoa.
Ðoàn xiếc Long An là đơn vị xiếc duy nhất và từng một thời tạo tiếng vang ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, theo thời gian, hoạt động của đoàn dần khó khăn. Vì vậy, lãnh đạo Liên đoàn Xiếc đã vào tận Long An động viên và hỗ trợ để các nghệ sĩ tham gia, đồng thời lên kế hoạch để khôi phục lại hoạt động của đoàn.
Nhà hát Phương Nam là đơn vị xiếc khá mạnh tuy nhiên cũng có những khó khăn riêng khi đến với cuộc thi. Nhà hát tham gia 3 tiết mục nhưng chỉ là tiết mục tập thể, không có tiết mục đơn, đôi. Ông Lê Diễn, Giám đốc nhà hát cho biết: “Dự kiến là đến tháng 10, 11 năm nay mới diễn ra cuộc thi tuy nhiên cách đây vài tháng mới có thông báo lịch chính thức là tháng 4, vì vậy đơn vị chúng tôi khá cập rập trong việc xin chủ trương từ sở, các khâu chuẩn bị. Tuy nhiên, anh em cũng cố gắng hết sức để có thể đến với cuộc thi”.
* Nhiều màu sắc nhưng chất lượng còn hạn chế
Ðến với cuộc thi tài 3 năm tổ chức một lần này, các nghệ sĩ đã đem đến các tiết mục với khá nhiều thể loại như nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, hài, xiếc thú...
Tiết mục Đu nón nghệ thuật của Liên đoàn xiếc Việt Nam. Ảnh: Trí Trọng |
Các tiết mục dự thi khá đa dạng, mang đủ màu sắc các vùng miền. Liên đoàn Xiếc Việt Nam đem đến các tiết mục thấm đẫm văn hóa dân tộc, đặc biệt là các dân tộc vùng núi phía Bắc trong các bài dự thi Hào khí Việt, Ðu nón nghệ thuật, Ngày hội vùng cao, Ngày hội xuân của người H’Mông... Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đem sen miền Nam tỏa ngát đất Bắc trong tiết mục Sắc sen. Ðoàn xiếc Long An tạo cảm tình với phong cách trình diễn chân chất, mộc mạc của người miền Tây trong tiết mục Tung hứng chậu hoa, Chồng đầu trên đu...
Tuy nhiên, khá ít tiết mục mới. Phần nhiều vẫn là các tiết mục cũ được làm mới bằng dàn dựng, trang phục, đạo cụ, cảnh trí bổ sung. Chiếm số đông vẫn là các tiết mục xiếc tập thể. Tiết mục xiếc cá nhân, đơn, đôi rất ít lại chưa thể hiện rõ được kỹ thuật cao...
Ðêm 27-4, trong buổi lễ tổng kết trao giải, 5 giải nhất thuộc về: Liên đoàn Xiếc Việt Nam (Hào khí Việt và Ngày hội xuân của người H’Mông), Nhà hát nghệ thuật Phương Nam với tiết mục Sắc sen, Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam (Hồn Lạc Việt, Chơi vơi). 5 tiết mục này đều là tiết mục tập thể. Kết quả đã phản ánh chân thật rằng các đơn vị đang rất khó khăn trong việc tìm nhân lực trẻ để xây dựng tiết mục mới, tiết mục cá nhân, đơn, đôi với kỹ thuật cao.
Thực tế là hiện các đơn vị xiếc trên toàn quốc đang thiếu nguồn nhân lực trẻ trầm trọng. Trường duy nhất đào tạo diễn viên xiếc là Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam ngày càng khó tìm kiếm nguồn đầu vào. Trường phải đến tận vùng sâu, vùng xa, lên vùng núi cao để mong tìm kiếm được bạn trẻ chịu theo xiếc. Bởi nghề xiếc quá cực khổ, học 5 năm ra trường không biết tương lai ra sao mà rủi ro khi biểu diễn rất lớn, tuổi nghề lại ngắn.
Bên cạnh việc thiếu hụt các tiết mục cá nhân thì các tiết mục tập thể của cuộc thi cũng bộc lộ những điểm yếu. Có tiết mục dàn dựng quá rườm rà, chú trọng bề nổi mà quên đi làm gì thì làm phải tôn vinh cái cơ bản là kỹ thuật xiếc. Có những ý tưởng dàn dựng lại không ăn nhập với kỹ thuật xiếc đang khai thác trong tiết mục...
Dù còn những hạn chế, thế nhưng cuộc thi vẫn là nỗ lực của Ban tổ chức trong tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến các hoạt động biểu diễn. Là nơi để nghệ sĩ xiếc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, gắn kết bạn nghề và cũng là sự động viên tinh thần cho họ trong thời buổi hoạt động nghệ thuật ngày càng khó khăn.
Trí Trọng