Từ nay đến ngày 10-5, học sinh khối 12 thực hiện đăng ký thi tốt nghiệp THPT và nguyện vọng xét tuyển đại học. Lựa chọn ngành nghề nào cho tương lai là câu hỏi chung của mỗi học sinh. Ý kiến của phụ huynh đóng vai trò quan trọng giúp các em đưa ra quyết định cuối cùng.
Từ nay đến ngày 10-5, học sinh khối 12 thực hiện đăng ký thi tốt nghiệp THPT và nguyện vọng xét tuyển đại học. Lựa chọn ngành nghề nào cho tương lai là câu hỏi chung của mỗi học sinh. Ý kiến của phụ huynh đóng vai trò quan trọng giúp các em đưa ra quyết định cuối cùng.
Chuyên gia trao đổi với học sinh sau một chương trình tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: H.Yến |
Không chỉ học sinh lớp 12, rất nhiều học sinh lớp 9 cũng đang băn khoăn trước lựa chọn nên học tiếp THPT hay lựa chọn học nghề để tiết kiệm thời gian, sớm có việc làm.
* Băn khoăn chọn ngành, chọn nghề
Cũng như rất nhiều học sinh lớp 12 khác, mặc dù đã đến giai đoạn điền hồ sơ đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học nhưng em Nguyễn Thùy Trang (Trường THPT Vĩnh Cửu) vẫn chưa biết phải chọn ngành nào. Ngoài các chương trình tư vấn hướng nghiệp tổ chức trực tiếp tại trường, học sinh cuối cấp không khó để tìm hiểu thêm thông tin về ngành nghề đào tạo thông qua các buổi tư vấn hướng nghiệp online. Nhưng thông tin càng nhiều lại khiến em càng rối và khó khăn khi đưa ra quyết định.
“Các chuyên gia tư vấn cũng đưa ra nhiều gợi ý để học sinh có thể chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện gia đình. Nhưng thông tin quan trọng nhất là dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực lại khá mờ nhạt nên em không biết chọn ngành nào để sau này dễ kiếm việc làm” - Trang cho biết.
Các chương trình tư vấn hướng nghiệp trực tiếp hiện nay vẫn chủ yếu tổ chức dành riêng cho học sinh chứ chưa chú ý tiếp cận đối tượng phụ huynh. |
Đem những băn khoăn này về trao đổi với cha mẹ, Trang không nhận được tư vấn khá hơn, bởi cha mẹ em đều làm nông, không có nhiều thông tin về thị trường lao động. Vì vậy, em chỉ còn cách trao đổi với bạn bè, tiếp tục tìm kiếm thông tin trên mạng để đăng ký những ngành nghề mà em cho là “khả quan nhất”.
Trái lại với Trang, nhiều bạn bè của em khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học lại phải phụ thuộc vào ý kiến của cha mẹ. Đó hầu hết đều là những gia đình mong muốn con theo đuổi nghề truyền thống để nối nghiệp cha mẹ hoặc dễ tìm việc làm.
Nhiều phụ huynh rơi vào thế khó khi con tự đưa ra quyết định chọn nghề theo sở thích nhưng không phù hợp với năng lực. Chị Hoàng Thị Hiền (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) tâm sự: “Con gái tôi cứ một hai đòi học làm diễn viên, trong khi mình biết rõ là con không có năng lực đó. Con chỉ thích vì thấy diễn viên được ăn mặc đẹp, được nổi tiếng… Nhưng tôi không biết phải làm thế nào để định hướng cho con theo một ngành nghề khác”.
Trong khi các bạn cùng khối lớp đang áp lực trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT thì em Lê Ngọc Vi, học sinh lớp 9 Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) lại khá “dửng dưng” với kỳ thi này. Em mong muốn sau khi học hết lớp 9 sẽ tham gia học nghề để sớm có việc làm nhưng mẹ của em lại định hướng cho em “học hết lớp 12 rồi tính gì thì tính”.
Bản thân Vi cho rằng đối với em việc học THPT là không cần thiết bởi em có thể vừa học nghề, vừa học văn hóa trong các trường nghề. Vi là người khá năng động, tự tin và có tính tự lập. Hiện nay, ngoài giờ học, em đã đi làm thêm để tự trang trải chi phí sinh hoạt cá nhân. Vì vậy, em cho rằng học nghề sau khi tốt nghiệp THCS là lựa chọn phù hợp nhất với bản thân. Tuy nhiên, em không biết làm cách nào để thuyết phục mẹ đồng ý và cũng chưa dám chia sẻ về dự định của mình với cha mẹ.
* Phụ huynh cũng “khát” thông tin hướng nghiệp
Lựa chọn ngành nghề nào là câu hỏi chung không chỉ của học sinh mà còn của rất nhiều phụ huynh có con đang đứng trước ngưỡng cửa tương lai. Trước thực tế này, có phụ huynh để con cái tự quyết định, có phụ huynh chọn cách áp đặt, cũng có phụ huynh chỉ đóng vai trò tư vấn…
Tuy nhiên, để có thể giúp con lựa chọn được ngành nghề vừa phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân vừa đáp ứng được thị trường lao động trong tương lai thì chính phụ huynh cũng đang thiếu thông tin hướng nghiệp. Vì thế, đa phần phụ huynh vẫn định hướng cho con dựa trên kinh nghiệm cá nhân. Chỉ một số rất ít phụ huynh tham gia các chương trình tư vấn, hướng nghiệp cùng con để lắng nghe chuyên gia nhằm có thêm nhiều thông tin để đồng hành với con trong quá trình chọn nghề.
Để có thông tin về hướng nghiệp, nhiều phụ huynh lựa chọn xem các chương trình tư vấn hướng nghiệp online (chủ yếu qua livestream trên Fanpage của các trường đại học, cao đẳng). Đáng tiếc là những chương trình này nặng về giới thiệu để tuyển sinh hơn là tư vấn hướng nghiệp nên phụ huynh vẫn “khát” thông tin.
Điều này cho thấy vai trò quan trọng của công tác dự báo nguồn nhân lực. Vì vậy, công tác tư vấn cần phải thực hiện rộng hơn, kết hợp đồng bộ các thông tin về thị trường lao động, thông tin truyển sinh, cơ hội việc làm…
Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An, Phó viện trưởng Viện Việt Nam bách nghệ thực hành (TP.HCM), thực tế thông tin phục vụ hướng nghiệp không thiếu nhưng đòi hỏi phụ huynh, học sinh cần phải chủ động tìm hiểu. Ngoài ra, phụ huynh, học sinh có thể tìm đến các ứng dụng hướng nghiệp để có thể tự hướng nghiệp. Chẳng hạn, với ứng dụng Jobway, học sinh không chỉ được cung cấp thông tin mà còn được kết nối với chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục, chuyên gia hướng nghiệp để trả lời các câu hỏi phục vụ hướng nghiệp. Trong vòng 24-36 giờ sau khi đặt câu hỏi, các bạn sẽ nhận được phản hồi của chuyên gia.
Hải Yến
TS Đào Lê Hòa An, Phó viện trưởng Viện Việt Nam bách nghệ thực hành (TP.HCM):
Cần thống nhất quan điểm chung trước khi chọn ngành nghề
Qua quá trình làm công tác tư vấn hướng nghiệp, tôi nhận thấy có nhiều phụ huynh rất tôn trọng và ủng hộ con trong việc quyết định lựa chọn ngành nghề, theo đuổi đam mê. Song cũng có nhiều phụ huynh hướng con theo ước mơ, nguyện vọng của phụ huynh chứ không phải của con. Trong trường hợp này, phụ huynh đã quên xem xét đến các yếu tố rất quan trọng là: liệu ngành nghề đó có làm cho con hạnh phúc trong quá trình làm việc hay không, phù hợp với năng lực của con hay không.
Chính những điều trên khiến cho không ít phụ huynh và con cái mâu thuẫn trong quá trình chọn nghề. Để tránh mâu thuẫn, trước hết phụ huynh và học sinh cần thống nhất quan điểm trước khi chọn ngành nghề dựa trên 3 tiêu chí: phù hợp với nhu cầu xã hội; phù hợp năng lực học sinh; phù hợp với sở thích, đam mê của học sinh.
Sau khi thống nhất được những điều trên, phụ huynh và con tiếp tục xem xét đến 3 yếu tố: hiểu mình, hiểu nghề, hiểu trường. Trên cơ sở đó, phụ huynh có thể cùng con lựa chọn ngành nghề và ngôi trường học tập phù hợp nhất.
Cô Nguyễn Thị Thanh Dung, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh:
Phụ huynh đã đồng hành và lắng nghe con nhiều hơn
Thực tế, trước đây có nhiều phụ huynh áp đặt con theo tư tưởng chủ quan của mình trong việc chọn nghề. Hiện nay, suy nghĩ của phụ huynh đã thoáng hơn so với trước. Nhiều phụ huynh đã đồng hành và lắng nghe con nhiều hơn trong việc chọn nghề, tìm hiểu sâu hơn năng lực và sở thích của con. Theo tôi, để có thể định hướng tốt nhất cho con, phụ huynh cần theo sát khả năng và nguyện vọng của con mình cũng như tham khảo thêm thông tin từ bên ngoài như nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, các trung tâm hướng nghiệp, các trường đại học...
Tường Vi (ghi)