Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, để công nhân lao động (CNLĐ) yên tâm sản xuất, đảm bảo sức khỏe làm việc, ngoài sự chăm lo của tổ chức Công đoàn, không ít chủ nhà trọ đã có nhiều hành động thiết thực như tặng khẩu trang, nước rửa tay, tặng quà, động viên và chia sẻ khó khăn cùng công nhân kịp thời.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, để công nhân lao động (CNLĐ) yên tâm sản xuất, đảm bảo sức khỏe làm việc, ngoài sự chăm lo của tổ chức Công đoàn, không ít chủ nhà trọ đã có nhiều hành động thiết thực như tặng khẩu trang, nước rửa tay, tặng quà, động viên và chia sẻ khó khăn cùng công nhân kịp thời. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng dịch trong công nhân tại nơi ở và chỗ làm việc.
Các cán bộ Công đoàn đến thăm, tặng quà và động viên công nhân tích cực phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: L.MAI |
* Thường xuyên quan tâm, thăm hỏi
Kể từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát, hằng ngày, ông Mai Diền, chủ nhà trọ tại P.Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) đều ghé từng phòng trọ nhắc nhở CNLĐ tích cực phòng chống dịch bệnh, thực hiện thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời, hỏi thăm tình hình việc làm hoặc gửi tặng hộp khẩu trang, nhắc nhở CNLĐ giữ gìn vệ sinh chung, dọn dẹp thường xuyên để khu nhà trọ trở nên sạch đẹp hơn.
Công nhân Trần Văn Hải, làm việc tại Công ty TNHH Fujitsu Việt Nam (TP.Biên Hòa) cho biết, đã 4 năm nay anh ở và gắn bó với khu nhà trọ ông Mai Diền vì CNLĐ xa quê sinh sống tại đây rất đoàn kết, chủ nhà trọ thân thiện, gần gũi và cởi mở. “Ông Diền thường lui tới hỏi thăm sức khỏe, công việc, gia đình công nhân. Ngoài ra, ông vẫn giữ thói quen tặng quà cho CNLĐ trong các dịp lễ, tết. Trong các đợt dịch Covid-19 bùng phát, ông Diền tặng khẩu trang hoặc trang bị nước rửa tay sát khuẩn và thuê người dọn dẹp khu nhà trọ sạch sẽ hằng ngày. Chúng tôi rất yên tâm khi sinh sống tại đây” - anh Hải chia sẻ.
Theo ông Mai Diền, phần lớn CNLĐ thuê trọ đều xa quê, có cả lao động tự do và lao động làm ở các doanh nghiệp, nhiều người ở trọ gần cả chục năm nên ông luôn xem họ như người thân trong nhà. Đầu tháng 5 vừa qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên sau giờ CNLĐ tan ca về nhà trọ, ông ghé từng phòng thăm hỏi, nhắc nhở CNLĐ nâng cao ý thức phòng dịch. Ngoài ra, khắp các khu trọ, ông Diền dán các thông tin phòng, chống dịch để CNLĐ tìm hiểu và biết cách phòng ngừa, bảo vệ bản thân mình.
Chủ nhà trọ Nguyễn Thị Minh (ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa) hỏi thăm công nhân tại phòng trọ |
Với chủ nhà trọ Nguyễn Thị Minh (ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa), nhiều năm nay vẫn giữ mức giá thuê trọ cho CNLĐ từ 700 ngàn đến 1 triệu đồng/phòng. Bà Minh cho hay, CNLĐ ở trọ đa số người miền Tây Nam bộ, nhiều người gửi con ở quê lên đây làm thuê, đến tháng có lương đều gửi về quê nuôi các con nên không mấy dư dả. Vì vậy, ngoài không tăng giá thuê trọ, bà còn dành nhiều phần quà cho công nhân khó khăn. “Năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều CNLĐ ở trọ phải nghỉ việc, ảnh hưởng đến cuộc sống rất nhiều. Tôi mong rằng năm nay các doanh nghiệp vượt khó khăn, ổn định sản xuất cũng như việc làm CNLĐ xa quê” - bà Minh bày tỏ.
Không chỉ bà Minh, ông Diền mà hiện nhiều chủ nhà trọ còn giảm giá thuê trọ hoặc cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn nợ tiền thuê trọ để ổn định cuộc sống. Thậm chí, chủ nhà trọ còn hỗ trợ công nhân hoặc người thân CNLĐ bị bệnh hay lúc hoạn nạn khó khăn. Chẳng hạn như năm 2020, nhiều chủ nhà trọ đã giảm giá thuê trọ từ 50-100% cho CNLĐ bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Năm nay, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, các chủ nhà trọ đều cho biết, nếu có lao động nào ở trọ gặp khó khăn, sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ kịp thời. Tấm lòng của nhiều chủ nhà trọ khiến lao động xa quê ở trọ rất cảm kích và thấy ấm lòng.
* Sẻ chia kịp thời
Phó chủ tịch LĐLĐ H.Vĩnh Cửu Nguyễn Thị Minh Châu cho biết, trong những đợt đến thăm CNLĐ ở các khu nhà trọ gần khu công nghiệp, chị rất cảm động trước sự quan tâm, sẻ chia và hỗ trợ kịp thời của các chủ nhà trọ. Có nhiều chủ nhà trọ dù cuộc sống không mấy khá giả nhưng vẫn chia ngọt sẻ bùi cùng lao động xa quê bằng nhiều hoạt động ý nghĩa. Qua đó, tạo nơi ở đảm bảo an toàn, văn hóa và đoàn kết, giúp CNLĐ yên tâm về nơi ở, gắn bó với các nhà trọ để yên tâm làm việc.
Điển hình như chủ nhà trọ Lý Văn Lực (ngụ ấp 5, xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu). Dãy trọ của anh có 13 phòng, hiện có gần 30 công nhân ở trọ, giá từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng/phòng. Riêng năm 2020, trước tình hình công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, anh quyết định miễn 100% tiền thuê trọ cho công nhân bị mất việc làm. Năm nay, dù CNLĐ đã trở lại công việc ổn định những anh vẫn dành sự quan tâm đặc biệt và thường xuyên nhắc nhở, động viên CNLĐ chủ động phòng, chống dịch tại nơi làm việc và khu nhà trọ, tuyết đối không chủ quan nhằm bảo vệ sức khỏe.
Nói về việc làm của mình, anh Lực vui vẻ cho biết, bản thân anh cũng làm công nhân nên anh hiểu được những khó khăn của lao động xa quê đến tháng phải trang trải nhiều khoản, cân đối tài chính để ổn định cuộc sống. “Trước tình hình dịch bệnh thế này, cuộc sống CNLĐ ở trọ khó khăn rất nhiều, nhất là lao động mới, thu nhập còn thấp. Nghĩ vậy nên giúp được gì cho CNLĐ thì tôi làm” - anh Lực chia sẻ.
P.Long Bình (TP.Biên Hòa) hiện có trên 28 ngàn lao động ở trọ tại các khu nhà trọ trên địa bàn phường. Đây cũng là phường tập trung đông CNLĐ từ các tỉnh về sinh sống và làm việc. Hiểu được cuộc sống thiếu thốn của CNLĐ, nhiều chủ nhà trọ đã có những cách quan tâm riêng. Như chủ nhà trọ Ngô Thị Vĩnh, Nguyễn Thị Lý... ngụ tại KP.6, P.Long Bình, hằng năm đều dành những phần quà đặc biệt tặng CNLĐ; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ hết khả năng khi công nhân cần. Các chủ nhà trọ đã trở thành điểm tựa để CNLĐ gửi gắm tình cảm, niềm tin và những trăn trở trong bộn bề cuộc sống.
Chủ nhà trọ Nguyễn Thị Lý (ngụ KP.6, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho hay: “CNLĐ xa quê rất thiếu thốn tình cảm, nhớ nhà và quê hương. Vì vậy, không chỉ trong các dịp lễ, tết hay khó khăn mà bình thường tôi vẫn thường lui tới để sẻ chia, tổ chức các buổi gặp gỡ để tạo mối quan hệ gắn bó hơn giữa những công nhân cùng ở trọ. Khi chọn được nơi ở an toàn, có chủ nhà trọ quan tâm, CNLĐ sẽ yên tâm để làm việc, ổn định cuộc sống”. |
Lan Mai