Báo Đồng Nai điện tử
En

Quản lý giao thông bằng công nghệ

10:03, 12/03/2021

Trong giai đoạn 2021-2025, theo kế hoạch nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) do Chính phủ đề ra, việc ứng dụng công nghệ sẽ đóng vai trò then chốt là một trong những mục tiêu chính mà các bộ, ngành đẩy mạnh thực hiện. Quản lý giao thông bằng công nghệ hiện đại là động lực để hiện thực hóa mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông hằng năm từ 5-10%.

Trong giai đoạn 2021-2025, theo kế hoạch nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) do Chính phủ đề ra, việc ứng dụng công nghệ sẽ đóng vai trò then chốt là một trong những mục tiêu chính mà các bộ, ngành đẩy mạnh thực hiện. Quản lý giao thông bằng công nghệ hiện đại là động lực để hiện thực hóa mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông hằng năm từ 5-10%.

Lắp đặt hệ thống camera giao thông hiện đại trên đường Võ Thị Sáu, đoạn qua P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải
Lắp đặt hệ thống camera giao thông hiện đại trên đường Võ Thị Sáu, đoạn qua P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải

Thời gian qua, công tác này bước đầu đã được triển khai tại một số đơn vị, địa phương để tiến tới hoàn thiện trong thời gian tới.

* “Điểm nghẽn” về ứng dụng công nghệ

Chính phủ đánh giá, giai đoạn 2016-2020, dù năng lực và chất lượng kết cấu hạ tầng đã được cải thiện nhưng vẫn không theo kịp mức độ gia tăng nhanh chóng của nhu cầu vận tải và phương tiện giao thông, tạo nên thách thức rất lớn cho công tác bảo đảm ATGT.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, từ việc hoàn thiện các quy định pháp luật, siết chặt chế tài xử phạt, cải thiện mức độ an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, kết hợp công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật gắn với việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật, tình hình trật tự ATGT đã có những chuyển biến rõ rệt.

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, so với 5 năm trước đó (giai đoạn 2011-2015), số vụ tai nạn trong cả nước đã giảm hơn 42%, số người chết cũng giảm gần 20% và số người bị thương giảm hơn 53%. Đặc biệt năm 2020, tai nạn giao thông giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua, lần đầu tiên số người chết giảm xuống dưới 7 ngàn người. Dù vậy, tình hình trật  tự ATGT vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và bị thương do  tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao.

Về những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, trước hết là các hành vi vi phạm quy định pháp luật về ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu vận tải và phương tiện giao thông cũng như năng lực, chất lượng hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập…

Trong khi đó, giải pháp để giúp khắc phục cơ bản những nguyên nhân trên như: ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, giám sát giao thông còn hạn chế. Điều này khiến cho hành vi vi phạm không được giám sát, phát hiện khách quan và cung cấp để xử lý kịp thời. Ngoài ra, sự bùng nổ của nhiều loại hình kinh doanh vận tải nhưng thiếu các quy định của pháp luật dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phá vỡ trật tự ATGT.

Ông Khuất Việt Hùng đánh giá, trở lực lớn nhất cho việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm ATGT đó là thiếu một hệ thống quy định pháp luật đồng bộ và đủ linh hoạt. Từ đó, có thể tạo ra môi trường pháp lý cho đầu tư phát triển, khai thác, sử dụng và duy trì những ứng dụng công nghệ mới, từ các hệ thống công nghệ thông tin (đặc biệt là phần mềm) trong quy hoạch, quản lý, điều hành giao thông vận tải, phương tiện thông minh đến những vật liệu mới trong xây dựng và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

* Từng bước ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông

Thời gian qua, Bộ GT-VT và Bộ Công an đã triển khai một loạt dự án nhằm ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông. Trong đó, Bộ GT-VT đã có hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô kinh doanh vận tải, dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, dữ liệu đăng kiểm ô tô. Riêng Bộ Công an cũng đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông, xây dựng hệ thống camera giám sát hỗ trợ xử phạt vi phạm ngày càng tăng trên các tuyến cao tốc và quốc lộ…

Bến xe Đồng Nai (TP.Biên Hòa) triển khai phần mềm giám sát hoạt động bến xe khách qua hệ thống camera. Ảnh: Thanh Hải
Bến xe Đồng Nai (TP.Biên Hòa) triển khai phần mềm giám sát hoạt động bến xe khách qua hệ thống camera. Ảnh: Thanh Hải

Cụ thể, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam Trần Quang Bình cho biết, theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29-5-2020 của Bộ GT-VT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, tất cả các bến xe khách phải thực hiện quản lý, áp dụng thông tin từ phần mềm quản lý bến xe khách.

Theo đó, thông tin hoạt động tại bến xe khách sẽ được cập nhật liên tục giữa các bến xe và được truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Phần mềm sẽ tự động tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu, thống kê, báo cáo dữ liệu về hoạt động của từng bến cũng như toàn bộ các bến xe khách trong toàn quốc. Các đơn vị sẽ phải cập nhật về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam lịch xe xuất bến của toàn bộ các tuyến; danh sách doanh nghiệp, HTX  hoạt động trên từng tuyến tại bến; biển số xe của từng loại phương tiện; giá vé và mức chất lượng dịch vụ đã đăng ký.

Liên quan đến vấn đề này, Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Mạnh Hưng cho biết, tại Đồng Nai, đến nay, các bến xe trong tỉnh đã tiến hành trang bị các phần mềm quản lý bến xe và truyền tín hiệu hoạt động về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Mục tiêu của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động vận tải tại các bến xe nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giúp công khai, minh bạch hoạt động của bến xe khách, phục vụ tốt công tác thanh tra, kiểm tra.

Mới đây, Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Sài Gòn đã hoàn thành lắp đặt hàng trăm camera giám sát tại các vị trí đường ngang, trên tuyến đường sắt đoạn từ  TP.HCM đến Quảng Ngãi để đưa Trung tâm Giám sát thiết bị thông tin tín hiệu đường sắt vào hoạt động. Trung tâm sẽ có 168 vị trí đường ngang được lắp cảnh báo tự động. Tại các vị trí này có 258 camera giám sát từ xa. Trong đó, đoạn đường sắt Bắc - Nam đi qua Đồng Nai hiện có 32 vị trí có gác chắn cũng được lắp đặt xong. Qua hệ thống tín hiệu truyền dữ liệu, chuông đèn sẽ tự động cảnh báo và đóng chắn trước khi tàu đến và mở chắn cho xe cộ qua đường ngang khi tàu đi qua. Hình ảnh từ camera sẽ kết nối đường truyền dữ liệu và được nhân viên trực theo dõi trực tiếp 24/24 giờ tại trung tâm. Khi phát hiện các sự cố đe dọa an toàn tàu chạy hoặc đèn tín hiệu, gác chắn gặp sự cố, trung tâm sẽ thông báo ngay cho các đơn vị để khắc phục, đảm bảo an toàn tàu chạy.

Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Não Thiên Anh Minh cho biết, Đồng Nai đang xây dựng Trung tâm Giám sát giao thông để kết nối tất cả các dữ liệu lại, từ đó có thể theo dõi, điều khiển từ xa thông qua hệ thống camera giao thông. Đầu tiên là việc đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát giao thông hiện đại tại 17 nút giao có tình hình giao thông phức tạp trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Minh, đây là các “điểm nóng” có nguy cơ ùn tắc và mất ATGT sẽ được camera ghi nhận và giám sát chặt chẽ để các đơn vị liên quan sớm có phương án bố trí lực lượng triển khai ngăn chặn, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Về lâu dài, các ngành chức năng sẽ chủ động hơn trong việc bao quát tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; tiến tới xây dựng hệ thống giao thông thông minh hoàn thiện và đồng bộ.

Thanh Hải

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích