Trong thời gian qua, hoạt động của các loại ví điện tử, ứng dụng thanh toán trực tuyến đã đạt được nhiều thành quả nhất định, khẳng định được ưu điểm về tính năng, sự tiện lợi, an toàn, nhanh chóng với chi phí hợp lý.
Trong thời gian qua, hoạt động của các loại ví điện tử, ứng dụng thanh toán trực tuyến đã đạt được nhiều thành quả nhất định, khẳng định được ưu điểm về tính năng, sự tiện lợi, an toàn, nhanh chóng với chi phí hợp lý.
Các bạn trẻ sử dụng ứng dụng đặt hàng, thanh toán trực tuyến trên điện thoại thông minh. Ảnh: Hải Hà |
Đặc biệt, mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Điều này mở ra nhiều điều kiện để mở rộng hệ sinh thái thanh toán điện tử nói riêng và phát triển kinh tế số nói chung.
* Xu hướng “chạm và đi”
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều ngân hàng, công ty dịch vụ thanh toán đã triển khai nhiều ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh (smart phone), dịch vụ ví điện tử… nhằm hỗ trợ khách hàng thuận tiện hơn khi thực hiện các giao dịch trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt...
Nhiều ứng dụng, ví điện tử đã được khách hàng đánh giá cao, bước đầu được yêu thích, tin tưởng sử dụng của khách hàng và các điểm cung ứng dịch vụ hàng hóa, từ đó tạo nên xu hướng “tap & go” (chạm và đi) nhờ có thể hoàn thành việc thanh toán phí của các loại hình dịch vụ một cách dễ dàng, tiện lợi.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, từ ngày 31-3-2021, các tổ chức phát hành thẻ sẽ thực hiện phát hành thẻ chíp thay thế cho thẻ từ truyền thống. Việc phát triển thẻ chíp không tiếp xúc sẽ mang đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm mới trong việc thanh toán thẻ bởi người dùng chỉ cần để thẻ gần với thiết bị thanh toán “tap & go” (chạm và đi) là có thể hoàn thành việc thanh toán. |
Ông Đình Tôn (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Gia đình tôi có 6 thành viên thì có đến 5 người sử dụng điện thoại thông minh có dịch vụ ngân hàng điện tử như internet banking và ví điện tử liên kết với tài khoản ngân hàng là Momo, Airpay, VNPay để thanh toán các giao dịch thương mại điện tử, ăn uống, giải trí, du lịch... Việc thanh toán điện tử giúp các thành viên kiểm soát được chi tiêu, nhận được nhiều mã ưu đãi, khuyến mãi cũng như giảm tối đa việc tiếp xúc trực tiếp, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong giai đoạn dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay”.
Nhiều công ty, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ... trên địa bàn tỉnh đã mở rộng thêm nhiều hình thức thanh toán như: hỗ trợ thanh toán bằng thẻ của hầu hết các ngân hàng, áp dụng các ứng dụng thanh toán tiêu dùng thông qua các ứng dụng tích hợp trong điện thoại thông minh...
Ông Nguyễn Đoàn Công An, quản lý chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Burger Việt (TP.Biên Hòa) chia sẻ, dịch Covid-19 đã làm thay đổi khá nhiều thói quen, thị hiếu mua sắm của khách hàng. Trong đó có việc đẩy mạnh các hình thức đặt hàng, thanh toán trực tuyến thông qua các ứng dụng di động. Nắm bắt xu hướng này, chuỗi cửa hàng đã có thêm các hoạt động quảng bá, các kênh kết nối để thu hút người tiêu dùng, cũng như kết hợp với một số ứng dụng giao hàng triển khai các đợt free ship (miễn phí vận chuyển) đối với nhiều sản phẩm, đơn hàng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với nhiều đơn vị, công ty trên địa bàn triển khai các hoạt động, kênh thanh toán trực tuyến như: thu tiền điện, tiền nước, thu phí nhiều dịch vụ về y tế, giao thông, hóa đơn điện tử… thông qua các hình thức như: internet banking, mobile banking, trích nợ tự động.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, qua 3 năm thực hiện đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội của Chính phủ, hoạt động thanh toán các dịch vụ công trong dân cư trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, đã có 97% giao dịch thu tiền điện thực hiện qua ngân hàng, 98% các giao dịch thu ngân sách được thực hiện qua ngân hàng, 100% công ty về dịch vụ cấp nước chấp nhận thanh toán qua ngân hàng và các ví điện tử…
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai nhận định, dưới tác động của dịch Covid-19 trong năm vừa qua đã khiến cho thói quen tiêu dùng của người dân có nhiều chuyển biến. Người dân ngày càng quan tâm hơn tới các hình thức mua sắm, thanh toán trực tuyến. Điều này góp phần thúc đẩy các kênh thanh toán, giao dịch trực tuyến phát triển, nâng cao tỷ lệ người sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
* Mobile Money: Tạo động lực cho sự phát triển kinh tế số
Theo quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đối tượng thực hiện thí điểm Mobile Money là doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc là công ty con được công ty mẹ có giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông (doanh nghiệp thực hiện thí điểm).
Nhiều cửa hàng triển khai các hình thức thanh toán bằng mã Code QR thông qua các ứng dụng thanh toán trực tuyến trên điện thoại thông minh |
Quyết định này quy định mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện thí điểm. Hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile Money cho tổng các giao dịch như: rút tiền, chuyển tiền và thanh toán…
Theo nhiều chuyên gia, Mobile Money được kỳ vọng sẽ làm xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế số, những công ty khởi nghiệp công nghệ. Những doanh nghiệp dạng này ngày càng xuất hiện nhiều trên thế giới với các xu hướng phát triển mới, dẫn dắt tương lai. Việc thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gắn với sự chuyển đổi số và hội nhập như hiện nay.
Ngoài ra, việc Chính phủ đồng ý triển khai thí điểm Mobile Money sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân khi chi tiêu mua sắm những sản phẩm có giá trị nhỏ, mang lại những lợi ích thiết thực góp phần thuyết phục nhiều người sử dụng hơn, sức lan tỏa ngày càng lớn trong việc hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.
Chị Phạm Uyên (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Nếu như thanh toán qua các dịch vụ ngân hàng điện tử nói chung và Mobile Money nói riêng được triển khai rộng khắp sẽ rất tiện lợi, hữu ích cho người tiêu dùng nội địa khi có thể nhận và chuyển tiền ở bất cứ nơi đâu. Đồng thời, các hình thức thanh toán này cũng cho phép kết nối nhiều dịch vụ hơn, giúp việc thanh toán, giao dịch trở nên thuận tiện và tối ưu hóa”.
Hải Hà