Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực 'thay áo mới'

09:03, 20/03/2021

Trên thực tế, các cửa hàng nhỏ, các sạp hàng ở các chợ truyền thống có những lợi thế về chi phí thuê mặt bằng, giá cả nhiều loại mặt hàng phải chăng hơn… Tuy nhiên, nếu không đổi mới trong cung cách phục vụ, niêm yết giá cả, mô hình bán lẻ truyền thống sẽ có thể bị bỏ lại phía sau so với mô hình bán lẻ hiện đại.

Trên thực tế, các cửa hàng nhỏ, các sạp hàng ở các chợ truyền thống có những lợi thế về chi phí thuê mặt bằng, giá cả nhiều loại mặt hàng phải chăng hơn… Tuy nhiên, nếu không đổi mới trong cung cách phục vụ, niêm yết giá cả, mô hình bán lẻ truyền thống sẽ có thể bị bỏ lại phía sau so với mô hình bán lẻ hiện đại.

Một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại xã Bàu Cạn (H.Long Thành). Ảnh: Hải Quân
Một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại xã Bàu Cạn (H.Long Thành). Ảnh: Hải Quân

* Nâng cao chất lượng phục vụ

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các kênh bán lẻ hiện đại, các mô hình bán lẻ truyền thống, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn cần chủ động triển khai khu bán thực phẩm an toàn. Đồng thời, nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ để tạo thiện cảm đối với người tiêu dùng…

Ông Nguyễn Danh Thịnh, Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ Phương Lâm (H.Tân Phú) - đơn vị quản lý chợ Phương Lâm cho hay, công tác chuẩn bị hàng hóa tại các sạp hàng của chợ được đảm bảo, các loại thực phẩm, hàng hóa thiết yếu thường xuyên được kiểm tra, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Chợ sẽ thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành khảo sát giá cả, chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Phạm Đình Khiêm, phụ trách quản lý chợ Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, chợ đã triển khai 56 sạp bán hàng thực phẩm tươi sống theo mô hình chợ được đầu tư, nâng cấp thuộc dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành Chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap). Các sạp này đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, đại diện nhiều ban quản lý các chợ trên địa bàn tỉnh cho biết sẽ chú trọng tuyên truyền cho các tiểu thương về hoạt động kinh doanh lành mạnh, thái độ phục vụ, đảm bảo vệ sinh, nguồn gốc hàng hóa để nâng cao sức cạnh tranh của các điểm, sạp bán lẻ truyền thống…

* Cần phương án “dài hơi”

Theo Sở Công thương, trong thời gian qua, Sở đã triển khai nhiều chương trình nâng cấp, phát triển chợ truyền thống, nhất là ở khu vực nông thôn, để người dân có thêm sự lựa chọn khi mua hàng, đặc biệt là các kênh, điểm bán thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh. Sở cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về quản lý, vận hành chợ, cũng như phối hợp với các ban quản lý chợ tổ chức các hoạt động kết nối, nâng cao kỹ năng kinh doanh dành cho tiểu thương các chợ...

Ngoài ra, Sở triển khai 23 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại các địa phương trong tỉnh, nhất là các khu vực nông thôn với cách bố trí hàng hóa khoa học, ngăn nắp, hàng hóa đa dạng, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng… Điều này góp phần giúp người tiêu dùng ở những khu vực này có thêm các kênh mua sắm với giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng, vệ sinh… bên cạnh các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị của các doanh nghiệp đang ngày càng mở rộng.

Bà Nguyễn Ngọc Hương, chủ một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) cho biết, cửa hàng được hỗ trợ chi phí mua kệ, tủ, giá trưng bày… theo quy chuẩn. Hàng hóa được bố trí ngăn nắp theo các khu vực phù hợp để người dân đến mua hàng thuận tiện lựa chọn các loại mặt hàng… Đây là một kênh giúp người dân địa phương có cơ hội mua các loại hàng hóa chất lượng, giá cả phải chăng.

Các kênh bán lẻ hiện đại này được dự báo sẽ ngày càng phát triển trong tương lai và tạo ra sự cạnh tranh không nhỏ với các mô hình bán lẻ truyền thống. Điều này đòi hỏi công tác nâng cao vai trò, khả năng, hiệu quả hoạt động chợ, cửa hàng truyền thống, nhỏ lẻ cần có phương án, kế hoạch dài hơi để hướng tới cải tiến, nâng cao công tác quản lý, kinh doanh và khai thác chợ, mô hình bán lẻ truyền thống đạt hiệu quả, văn minh thương mại…

Bà Thúy Hằng (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi thường xuyên đi chợ để mua sắm. Tôi thấy các sạp hàng trong chợ có lợi thế về giá cả hơn so với các cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Tuy nhiên, các sạp hàng truyền thống cần chủ động trong việc đảm bảo nguồn gốc hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá… để người tiêu dùng yên tâm và tin cậy nhiều hơn”.

ThS Bùi Thị Xuân Hương, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật thương mại (Bộ Công thương) chia sẻ, lợi thế của các chợ, mô hình bán lẻ truyền thống là thời gian mua sắm nhanh, gọn, phương thức thanh toán linh hoạt, khách hàng có thể thương lượng được giá, thậm chí có thể mua “chịu” (trả sau)... Tuy nhiên, lợi thế này sẽ bị ảnh hưởng bởi bên cạnh sự cạnh tranh với các kênh bán lẻ hiện đại, những mô hình bán lẻ truyền thống còn chịu sức ép đến từ các chợ tự phát, chợ tạm…

Hoàng Hải

Tin xem nhiều