Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhớ Tết quê xưa...

06:01, 30/01/2021

Nhiều người hỏi ăn Tết ở đâu là vui nhất, xin thưa ăn Tết ở quê nhà. Tết trong tâm thức của người Việt là dịp đoàn viên, hội ngộ. Vì lẽ ấy, những người xa quê, nhất là ở nơi chân trời góc bể sẽ quay quắt nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ không khí Tết mỗi khi Tết đến, Xuân về. Và, cứ mỗi dịp như vậy thì những hình ảnh ấm áp của Tết xưa lại ùa về.

Nhiều người hỏi ăn Tết ở đâu là vui nhất, xin thưa ăn Tết ở quê nhà. Tết trong tâm thức của người Việt là dịp đoàn viên, hội ngộ. Vì lẽ ấy, những người xa quê, nhất là ở nơi chân trời góc bể sẽ quay quắt nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ không khí Tết mỗi khi Tết đến, Xuân về. Và, cứ mỗi dịp như vậy thì những hình ảnh ấm áp của Tết xưa lại ùa về.

Chợ Tết Gia Lạc 200 năm trước
Chợ Tết Gia Lạc 200 năm trước

* Rộn ràng không khí Tết

Không khí Tết ở quê tôi thật sự bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp. Quê tôi cấy lúa chiêm nên nhà nào cũng cố gắng làm thật nhanh trước ngày đưa ông Táo về trời để ăn Tết cho thoải mái. Sau ngày ấy, công việc đồng áng gần như đã xong và mọi người chuẩn bị tập trung đón Tết. Mẹ tôi lo nhiều nhất là mua quần áo mới cho các con. Thường từ ngày 24 đến 27 tháng chạp, mẹ dẫn anh em tôi đi chợ huyện để thử và mua áo quần mới cho chúng tôi. Quê tôi xưa làm gì có thợ may, tất cả áo quần đều mua ở chợ, ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Vì vậy mà có khi chúng tôi phải mặc những bộ quần áo lúc quá chật, khi lại rộng thùng thình. Thông thường mẹ chọn mua cho chúng tôi những bộ quần áo rộng bởi nó sẽ được dùng trong cả năm.

Việc thứ hai là chúng tôi đi đến nhà nào đó trong làng để “xí” trước cành đào chưng Tết. Ở quê tôi khi ấy, hoa đào không ai bán. Trong xóm cũng có nhiều nhà trồng đào, chúng tôi chỉ việc đến “xí phần”, đánh dấu vào cành đào mà mình muốn chặt là chủ nhà sẽ để dành riêng cho và thông báo với người đến sau là cành đó đã có người chọn. Khoảng 29 tháng chạp, chúng tôi mới đến xin chặt cành đào đem về chưng. Chặt rồi, đốt phía dưới chỗ chặt cho cháy đen để giữ nước cho cành và sau đó ngâm cành vào bình hoa đựng nước. Với cách này, đến hết tháng giêng hoa đào vẫn nở thắm trên bàn thờ.

* Đánh đụng lợn

Trước đây, cả năm chúng tôi chỉ được vài lần ăn thịt, đó là vào Tết Độc lập 2-9 và Tết Nguyên đán. Hai ngày này, HTX sẽ bán thịt lợn cho dân. Ngày thường, có tiền cũng khó thể mua thịt vì làm gì có ai bán mà mua. Vì vậy, với lũ trẻ con chúng tôi, Tết là nỗi mong chờ háo hức. Sau ngày 23 tháng chạp, chúng tôi bắt đầu đếm từng ngày để mong nhanh đến Tết, vừa được mặc quần áo đẹp, vừa được ăn ngon, nhất là được ăn thịt lợn. Trong nhiều cái vui thì niềm vui xem làm lợn đánh đụng là điều mà chúng tôi trông đợi nhất. Thông thường cứ ăn Tết xong, đến hết tháng giêng thì các gia đình trong xóm bắt đầu bàn nhau nuôi lợn để đánh đụng. Ngày ấy nuôi lợn chỉ bằng cám và cây chuối xắt nhỏ hay rau bèo nấu lên, nên phải bàn trước vì lợn nuôi cả năm may ra được bốn năm chục ký. Thế nhưng, thịt lợn rất chắc và thơm ngon. Nhà nào đông người thì hai nhà chung một con, nhà nào ít người thì 4 nhà chung một con. Cũng có gia đình chỉ dám chung nửa cái đùi lợn, tức 1/8 của con lợn. Những gia đình nhận nuôi lợn để cho các gia đình khác đánh đụng thì chịu trách nhiệm nuôi và không được bán cho mậu dịch (đương nhiên là bán con khác, vì khi ấy bán cho mậu dịch là nghĩa vụ ai cũng phải làm). Lợn đụng không trả bằng tiền mà trả bằng thóc, thông thường cứ 1kg lợn hơi sẽ đổi bằng 6 hoặc 6,5kg thóc. Cứ khoảng 27, 28 Tết là không khí rộn rịp hẳn bởi các nhóm bắt đầu mổ lợn. Trời thì rét, chúng tôi nằm trong chăn lắng tai nghe xem tiếng lợn kêu eng éc ở góc nào để đoán ra nhà ai, nhóm nào thịt lợn. Lợn làm ra, xẻ thịt ra thịt, xương ra xương, lòng ruột ra lòng ruột để ở nong. Tất cả mọi người đều được chia phần đầy đủ không thiếu một món nào. Mỗi phần tư con lợn được tính là một đùi. Riêng nồi cháo thì các gia đình chia nhau múc về ăn, gia chủ có lợn sai người nhà đem biếu những gia đình xung quanh không có điều kiện đánh đụng lợn một tô cháo và mấy miếng lòng bởi các gia đình không đánh đụng lợn sẽ được mua thịt do hợp tác xã bán nhưng chỉ có thịt mà không có các phần khác nên đương nhiên cũng không có cháo lòng.

* Đi đơm sáng mùng một Tết

Tục lệ này hầu như đã mất hẳn gần 40 năm nay. Bây giờ gõ Google còn có thể biết chợ Tết, biết đánh đụng lợn, biết tục cúng ông Táo về trời, chứ “đơm Tết” gõ trên Google cũng không thấy và dù có vài thông tin nhưng thật sự lại diễn giải sai.

Đơm Tết không phải chỉ là đưa đồ cúng đến nhà ai đó vào trước ngày Tết như một vài thông tin trên internet viết. Đơm Tết là bê mâm cúng đến nhà trưởng họ hoặc nhà anh Cả (anh Hai theo cách gọi của miền Nam) vào sáng mùng 1 Tết. Trong làng, thường nhiều người có họ hàng với nhau, vì vậy thường có ông trưởng họ chịu trách nhiệm giỗ tổ. Ngoài ra, những anh em ruột thịt, chú bác ở gần nhau cũng có một ông trưởng chịu trách nhiệm cúng giỗ. Vì vậy, cứ sáng mùng 1 Tết là các gia đình thuộc chi dưới thường làm một mâm có đầy đủ tất cả những món ngon, món lạ, món đặc biệt nhất của gia đình mình và thường sai con trưởng bê sang nhà thờ họ hoặc nhà bác Cả đặt lên bàn thờ để cúng tổ tiên. Tôi rất ấn tượng cái bàn thờ tại nhà bác trưởng họ chúng tôi: sáng mùng 1 Tết có gần 50 mâm đơm xếp ra đến hết sân, bởi con cháu nhiều, nhiều chi nhánh. Thông thường, mấy ngày Tết bác trưởng họ không đi đâu xa mà chỉ ở nhà đón con cháu trong họ đến thắp hương cúng bái tổ tiên. Khoảng 6 giờ sáng, trên đường làng người đi gặp nhau chúc nhau vồn vã, tất cả đều đang đội mâm đơm đến nhà trưởng họ hoặc anh Cả. Để mâm đơm lên bàn rồi, thắp nhang xong ra về. Từ 8 giờ trở đi, các gia đình lần lượt đến nhà bác trưởng họ hoặc bác Cả. Thế là, các mâm đơm trên bàn thờ lần lượt được xem xét và chọn lấy một hai món đem xuống để mọi người cùng nhau ăn uống và bình phẩm nhà này làm giò ngon, nhà kia làm bánh chưa “rền”… Việc ăn uống này rằng hay thì thật là hay, nhưng cũng có điều bất tiện. Năm nào Tết trời “nồng” tức nắng thì ôi thôi, bằng ấy cái mâm trên bàn thờ làm mồi cho lũ ruồi nhặng. Năm nào trời lạnh thì các mâm đơm để một chút là lạnh ngắt. Vậy mà có mâm để tới tận chiều còn được đưa xuống để mọi người cùng nhau thưởng thức. Khoảng 6, 7 giờ tối, các gia đình mới đến bê mâm về, trên mâm còn gì bê về cái đó. Có những mâm vì nhiều đồ ngon nên đã được dùng hết, cũng có mâm vẫn còn nguyên vẹn đến khi đưa về.

Cuộc sống hôm nay đã phát triển nhiều so với trước. Không ai hoài cổ đến mức mong muốn những cái Tết nghèo như xưa nữa. Nhưng không khí Tết xưa vẫn chưa phai mờ trong trí nhớ. Cứ mỗi khi Tết về, những kỷ niệm êm đềm của không khí Tết xưa lại ùa về, nhất là đối với những người “cố lý tha hương”…

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều