Những năm gần đây, cùng với việc cử y, bác sĩ đi học chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến trên hoặc nước ngoài, nhiều bệnh viện đã mời các chuyên gia về "cầm tay chỉ việc", nâng cao tay nghề cho các bác sĩ trẻ.
Những năm gần đây, cùng với việc cử y, bác sĩ đi học chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến trên hoặc nước ngoài, nhiều bệnh viện đã mời các chuyên gia về “cầm tay chỉ việc”, nâng cao tay nghề cho các bác sĩ trẻ.
GS-BS René D.Esser hướng dẫn các bác sĩ trẻ của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh chẩn đoán trên phim chụp X-quang của bệnh nhân. Ảnh: Bích Nhàn |
* Nhiệt tình “truyền nghề”
Gần 2 năm nay, GS-BS René D.Esser (người Pháp), một chuyên gia về xương khớp đã chính thức về Việt Nam sinh sống với tâm niệm giúp người bệnh nghèo bị các bệnh xương khớp phức tạp mà nhiều bác sĩ đã “bó tay”. Trong quá trình sinh sống tại Việt Nam, ông đã trả lại cuộc sống bình thường cho hàng ngàn bệnh nhân. Trên hành trình ấy, ông cũng đào tạo chuyên môn cho nhiều bác sĩ trẻ ở nhiều bệnh viện khác nhau trên cả nước.
Riêng tại Đồng Nai, hiện ông đang hợp tác vừa khám chữa bệnh, vừa “truyền nghề” cho các bác sĩ ở các bệnh viện như: Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Thống Nhất, BVĐK khu vực Long Khánh. BS Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa Chấn thương - chỉnh hình, BVĐK Thống Nhất Đồng Nai cho biết, trước đây, những trường hợp khó đều buộc phải chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, nhờ có GS-BS René D.Esser, nhiều bệnh nhân tưởng chừng phải cắt bỏ chân hay sống cuộc đời tàn tật đã đi lại bình thường. Mỗi lần về làm việc tại BV, GS-BS René thường khám bệnh từ 8 giờ sáng, rồi mổ liên tiếp nhiều ca đến 9-10 giờ đêm mới nghỉ. “Rất nhiều bác sĩ trẻ của bệnh viện đã trưởng thành khi được thầy đào tạo” - BS Quang nói.
Bằng mọi cách để đào tạo bác sĩ trẻ Theo BS Phan Văn Huyên, Giám đốc BVĐK khu vực Long Khánh, đào tạo chuyên môn cho bác sĩ là mục tiêu hàng đầu của bệnh viện. Hiện nay, bệnh viện có đến 2/3 là bác sĩ trẻ nên việc đào tạo chuyên môn lại càng quan trọng. “Bằng mọi cách, dù có khó khăn, chúng tôi cũng phải đào tạo chuyên môn cho bác sĩ trẻ để trở thành những bác sĩ thực sự có tay nghề để phục vụ tốt cho người dân” - BS Huyên tâm sự. |
Từ tháng 9-2018, PGS-TS-BS Nguyễn Văn Trí, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lão khoa, Trường đại học Y dược TP.HCM đã về hợp tác với BVĐK khu vực Long Khánh. Ngày đầu đặt chân đến BVĐK khu vực Long Khánh, PGS Nguyễn Văn Trí nhận thấy bệnh viện có nhiều bác sĩ trẻ làm việc và đều mong muốn được nâng cao tay nghề. Nhiều bác sĩ trẻ lo lắng gặp phải những sự cố y khoa vì nghề y gắn liền với tính mạng con người. Trước những băn khoăn đó, PGS Nguyễn Văn Trí đã sắp xếp 2-3 ngày/tuần để vừa khám bệnh cho người dân và vừa “cầm tay chỉ việc” cho bác sĩ của bệnh viện. Ngoài giảng dạy về chuyên môn, ông còn dạy cho các bác sĩ trẻ về kỹ năng, thái độ với bệnh nhân. “Muốn bệnh nhân quay trở lại với mình, người bác sĩ phải có chuyên môn để bệnh nhân khỏi bệnh và thái độ làm sao để họ hài lòng. Tôi muốn mình không chỉ truyền nghề mà còn “truyền lửa” cho các bác sĩ trẻ, giúp họ gắn bó lâu dài với nghề” - PGS Trí tâm sự.
Hơn 2 năm nay, đều đặn 3 ngày/tuần, 5 giờ sáng TS-BS Nguyễn Thế Luyến, giảng viên bộ môn Cơ xương khớp của Trường đại học Y dược TP.HCM lên chuyến xe xuống BVĐK khu vực Long Khánh để vừa khám bệnh vừa dạy trực tiếp cho các bác sĩ trẻ của bệnh viện… Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề và khả năng sư phạm, ông đã hướng dẫn nhiều bác sĩ trẻ của BVĐK khu vực Long Khánh “lành nghề”. “Dù đã về hưu, nhưng tôi vẫn còn sức khỏe nên mong muốn truyền lại những kinh nghiệm nghề nghiệp của mình cho thế hệ trẻ” - TS Luyến chia sẻ.
* “Bàn tay vàng” của chuyên gia
BS Nguyễn Gia Duy Trí, Phó khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, BVĐK khu vực Long Khánh cho rằng, anh rất may mắn khi được “tầm sư học đạo” GS-BS René D.Esser. Phần lớn bác sĩ của khoa là các bác sĩ trẻ. Khi mổ các ca khó, họ đều gửi phim, hình ảnh cho GS-BS René để đánh giá kết quả và hướng dẫn cụ thể hơn. GS-BS René còn hướng dẫn các bác sĩ trẻ cách đọc và phân tích phim X-quang, CT, MRI để dự kiến được những điều cần làm trong ca mổ. Từ đó, bác sĩ sẽ chủ động lên kế hoạch cho ca mổ hoàn thiện hơn.
PGS Nguyễn Văn Trí giảng dạy trực tiếp cho các bác sĩ trẻ đối với trường hợp bệnh nhân cụ thể |
“Việc khám và tư vấn cho bệnh nhân của giáo sư cũng rất rõ ràng, ân cần, từ bệnh tình đến phương pháp mổ. Còn qua các ca mổ, chúng tôi học được từ cách rạch dao, đặt dụng cụ, khâu da… từ thầy để hoàn thiện hơn. Chúng tôi có nhiều tiến bộ sau khi được thầy hướng dẫn. Trước đó, có những kỹ thuật chúng tôi chỉ thấy và học qua mạng, sách vở. Nhưng khi thầy trực tiếp hướng dẫn tôi hiểu rõ, nắm chắc về kỹ thuật đó hơn để mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn cho bệnh nhân” - BS Trí cho biết.
Qua mỗi lần làm việc cùng GS-BS René, các bác sĩ tại bệnh viện đã học được cách tiếp xúc bệnh nhân, khám bệnh và những kỹ thuật mổ khó. Theo BS Quang, ngay cả những kỹ thuật đã triển khai tại BV trong lĩnh vực chấn thương - chỉnh hình, GS René vẫn luôn đưa ra cách làm mới. Khi chứng kiến GS-BS René thực hiện, các bác sĩ mới nhận ra rằng, vẫn còn những cách mới hơn, tốt hơn để điều trị một ca bệnh. Cũng có những ca bệnh, các bác sĩ của bệnh viện không biết phải xử trí thế nào, nhưng dưới bàn tay của GS-BS René, ca bệnh được điều trị suôn sẻ.
* Chuyên nghiệp hơn nhờ có chuyên gia
Để sự trao đổi được xuyên suốt, PGS-TS-BS Nguyễn Văn Trí đã lập nhóm trên Viber để các bác sĩ chia sẻ thông tin về các ca bệnh khó. Từ đó, bất cứ thời gian nào, ở địa điểm nào, các bác sĩ vẫn có thể nhận được lời tư vấn chuyên môn của thầy. “Tôi không áp đặt các em phải làm theo đúng chỉ định của mình. Tôi để họ tự ra chỉ định cho bệnh nhân và góp ý thêm nhằm kích thích sự tìm hiểu của các bác sĩ trẻ. Qua đó, họ sẽ học được cách tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm” - PGS Trí tâm sự.
Là bác sĩ trẻ, mới về công tác tại BVĐK khu vực Long Khánh được hơn 2 năm, BS Trần Đức Chuyên, Khoa Hồi sức - tích cực - chống độc, cũng trở thành học trò của PGS Trí. “Thầy luôn cập nhật những kiến thức mới, phác đồ điều trị mới của thế giới để truyền dạy cho chúng tôi. Phương pháp của thầy là phân tích ngay trên bệnh nhân, “cầm tay chỉ việc” trực tiếp. Nhờ đó, chúng tôi nhớ lâu hơn và làm việc cũng thành thạo hơn. Đặc biệt là thái độ làm việc chuyên nghiệp, thái độ nhã nhặn khi tiếp xúc với bệnh nhân. Đây là cơ hội rất tốt cho chúng tôi học hỏi cả về chuyên môn lẫn kỹ năng” - BS Chuyên chia sẻ.
Đường đi lại vất vả nhưng bằng tình cảm và ấn tượng với người học trò mà thầy Luyến đã không ngại đường xa. Thầy Luyến chia sẻ: “Bác sĩ giám đốc bệnh viện là học trò cũ của tôi. Khi còn học chuyên khoa 2 của Đại học Y dược TP.HCM, BS Phan Văn Huyên khi ấy đang là Phó giám đốc bệnh viện đã có ý tưởng sẽ mời chúng tôi về dạy cho các bác sĩ trẻ của bệnh viện. Tôi thấy được tầm nhìn và “cái tâm” của bác sĩ trong Ban lãnh đạo bệnh viện nên dù đi xa, chúng tôi vẫn gắn bó với nơi này”.
Bích Nhàn