Lần đầu tiên, một bộ phim tài liệu về cuộc đời của nhạc sĩ Trần Tiến mang tựa Màu cỏ úa được công chiếu tại rạp ở TP.HCM (ngày 23-11) và Hà Nội (ngày 30-11), sau đó dự kiến chiếu trên truyền hình và phát hành trên các nền tảng dịch vụ xem phim VOD.
Lần đầu tiên, một bộ phim tài liệu về cuộc đời của nhạc sĩ Trần Tiến mang tựa Màu cỏ úa được công chiếu tại rạp ở TP.HCM (ngày 23-11) và Hà Nội (ngày 30-11), sau đó dự kiến chiếu trên truyền hình và phát hành trên các nền tảng dịch vụ xem phim VOD.
Nhạc sĩ Trần Tiến suy tư bên bờ biển - cảnh mở đầu phim Màu cỏ úa |
Màu cỏ úa là bộ phim thuộc thể loại tài liệu âm nhạc, có độ dài 80 phút, do nữ đạo diễn Lan Nguyên (sinh năm 1990 - tên thật là Nguyễn Thúy Lan) thực hiện, sản xuất bởi Silver Moonlight Entertainment. Điều thú vị là Lan Nguyên chưa từng học qua trường lớp điện ảnh chính quy nào, cô chỉ làm phim về “gã du ca” nổi tiếng số một Việt Nam do yêu thích âm nhạc Trần Tiến.
* 5 năm cho 1 bộ phim
Tựa phim Màu cỏ úa là một sắc độ của dải màu, nhưng màu thực tế của phim chỉ có trắng và đen chân phương. Tựa phim có hai ý nghĩa. Nó xuất phát từ câu hát trong khúc ca Sắc màu quá nổi tiếng của Trần Tiến: “Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng”. Đồng thời “màu cỏ úa” cũng chính là màu áo lính - màu của “một vệt sao màu cỏ úa” như câu chữ nhạc sĩ viết trong tự truyện của ông.
“Đối với tôi, nhạc sĩ Trần Tiến là người nhạc sĩ hay cười, hay kể chuyện trước khi hát” - nữ đạo diễn Lan Nguyên nói. |
Bộ phim tài liệu mất 5 năm để thực hiện, tính từ tháng 3-2015, khi Lan Nguyên đến nơi nhạc sĩ Trần Tiến cư ngụ để thuyết phục ông cho phép cô “quay một phóng sự truyền hình” và bị người nhạc sĩ tài hoa… từ chối!. “Phải tới khi Trần Tiến biết tôi chính là người hát ca khúc Tạm biệt chim én phiên bản “ngây thơ nhất” mà ông vốn rất hài lòng thì nhạc sĩ mới đồng ý hợp tác” - đạo diễn Lan Nguyên nhớ lại.
“5 năm với hơn 15 đợt quay, nhiều tỉnh, thành, nhiều niềm vui, nỗi buồn… Và nợ ân tình của biết bao nhiêu người, cả tinh thần lẫn vật chất, cùng vô vàn lời cảm ơn và xin lỗi vẫn chưa kịp nói ra” - đạo diễn Lan Nguyên trải lòng, qua đó cho thấy sự kiên trì và táo bạo của cô khi quyết tâm theo đuổi chuyện làm phim về một người nghệ sĩ lớn như nhạc sĩ họ Trần. Đi theo Trần Tiến, Lan Nguyên đã dùng máy quay chuyên dụng mượn được, hoặc thậm chí chỉ bằng điện thoại di động để “chớp những khoảnh khắc về những hành trình Trần Tiến đã đi qua và để lại dấu ấn trong cuộc đời này”.
* Biển, bạn bè và du ca
Những cảnh quay đầu tiên của phim là ở bờ biển Quảng Bình (tháng 6-2015), lúc Trần Tiến đứng trước biển kể lại bao nhiêu câu chuyện quý giá. Nhạc sĩ Trần Tiến sinh ra và lớn lên bên cạnh dòng sông Hồng. Khi tuổi cao, ông chọn thành phố biển Vũng Tàu là chốn dừng chân.
“Biển đối với ông có một ý nghĩa quan trọng, ông yêu biển, viết rất nhiều bài hát về biển, biển trong âm nhạc của ông như có vô vàn dáng hình, nhưng dáng hình nào cũng mang nỗi buồn, cái nỗi buồn to lớn, mênh mông như biển cả mà chẳng bao giờ con người có thể thấu hiểu” - đạo diễn Lan Nguyên diễn giải về những cảnh quay “đẹp và buồn nhất” trong Màu cỏ úa.
Dĩ nhiên, bộ phim ngoài biển, ngoài những tự sự sâu lắng về ký ức chiến tranh, không thể thiếu gia đình, bạn bè và nhiều giọng ca gắn bó với âm nhạc của Trần Tiến. Những nhân vật xuất hiện khác là Nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu, ca sĩ Trần Thu Hà, con gái cùng gia đình của nhạc sĩ…
Minh họa cuộc đàm đạo của 3 nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn (lúc sinh thời) và Trần Tiến |
Đạo diễn Lan Nguyên còn “tưởng tượng” nghe lỏm được 3 tên tuổi lớn trong nền tân nhạc: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và Trần Tiến ngồi đàm đạo! Vào những năm cuối của thế kỷ XX, 2 người anh lớn là Phạm Duy và Trịnh Công Sơn từng rủ rê người em Trần Tiến làm một chuyến du ca để đời, tiếc là ý định không thành. Trần Tiến từ đó, “ngồi một chỗ, tôi hát khúc du ca”.
Nói là nói vậy thôi, chứ “gã du ca” một đời phiêu bạt như Trần Tiến đâu ngồi một chỗ lâu được. “Những chuyến du ca của ông đã trở thành ký ức của biết bao thế hệ thanh niên” nên những nơi đã in dấu chân du ca của nhạc sĩ Trần Tiến qua nhiều tỉnh, thành như: Quảng Bình, Hà Nam, Hà Nội, Lâm Đồng... được tái hiện trong phim. “Du ca nhé” - nhạc sĩ gọi cô nữ đạo diễn. Thế là Lan Nguyên xách máy theo “đoàn tài tử” gồm ca sĩ Hà Trần, Đoan Trang, ban nhạc Ngũ Cung và Trần Tiến đi đến điểm biểu diễn đặc biệt, chẳng hạn như trang trại cá tầm ở bình nguyên Đa Mi. Nơi ấy, Trần Tiến và các nghệ sĩ hát cho những người lao động, công nhân chân lấm tay bùn nghe trên một sân khấu… không ánh đèn màu. Những người dân vùng xa “nhìn chú Tiến say sưa hát”.
* Người du ca dũng cảm
Màu cỏ úa không thiếu những bức ảnh xưa cũ, quý hiếm và mang giá trị kỷ niệm đặc biệt. Như bức ảnh bạc màu chân dung nhạc sĩ Trần Tiến thời trai trẻ hơn 40 năm trước, khi ông đang lang bạt đâu đó ở Nga vào một mùa đông buốt giá để tìm nguồn cảm hứng đàn hát. Ảnh tư liệu này của một người Nga tên là Alex Thenomad, năm xưa đã gặp Trần Tiến trên đường đi trượt tuyết ở Moscow.
Nhạc sĩ Trần Tiến trong một lần du ca (có ca sĩ Hà Trần, Đoan Trang, YZak...) |
Hay bức ảnh về “Bộ tứ sông Hồng” gồm thế hệ nhạc sĩ lừng lẫy đều lớn lên bên dòng sông Hồng. 4 người tự đặt biệt danh cho nhau: Phương gàn (tức nhạc sĩ Phó Đức Phương), Thụ giáo sư (nhạc sĩ Dương Thụ), Tiến bụi (nhạc sĩ Trần Tiến) và Cường cuồng nhiệt (nhạc sĩ Nguyễn Cường).
Một phát hiện lý thú: nhạc sĩ Trần Tiến sinh ngày 16-5-1947, mang mạng Thổ, và tính theo cung hoàng đạo thì ông thuộc cung Kim Ngưu - cung Đất. “Hẳn ai đã nghe giọng nói của ông thì cũng sẽ hiểu, giọng ông vô cùng trầm. Một người mang đầy đủ những nét của Đất, và âm nhạc của ông cũng như thế, thô sơ, trầm và sâu”. Những yếu tố “làm nên” con người và âm nhạc của Trần Tiến đã được bộ phim nỗ lực khai phá dưới nhiều góc độ.
Một ẩn nghĩa thêm nữa từ tựa phim Mùa cỏ úa chính là “màu của những giá trị tàn phai”. Những tư liệu về tác giả của rất nhiều nhạc phẩm được nhiều thế hệ người yêu nhạc yêu thích, “thuộc lòng” như: Mặt trời bé con, Tạm biệt chim én, Điệp khúc tình yêu, Chị tôi, Sắc màu, Ngọn lửa cao nguyên, Mẹ tôi… xứng đáng được lưu giữ lại cho các thế hệ mai sau. Nữ đạo diễn Lan Nguyên làm bộ phim này không chỉ tri ân “người nhạc sĩ trong ký ức tuổi thơ của tôi” mà còn muốn lưu giữ “những giá trị cũ đang phai màu” trong thời đại của giải trí và công nghệ…
Và người xem sẽ nhớ một Trần Tiến trong Mùi cỏ úa khẳng khái: “Những người du ca là những người dũng cảm. Tự do và dũng cảm nhất”.
Trung Nghĩa