Báo Đồng Nai điện tử
En

Di sản văn hóa - nguồn lực để phát triển

11:11, 20/11/2020

Là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời.., những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã đẩy mạnh việc bảo quản, tu bổ, khôi phục, phát huy giá trị di sản...

Là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời và truyền thống yêu nước cách mạng vẻ vang, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai đã đẩy mạnh việc bảo quản, tu bổ, khôi phục, phát huy giá trị di sản.

Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường (thứ hai từ trái sang) cùng các đại biểu tham quan phòng trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: L.Na
Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường (thứ hai từ trái sang) cùng các đại biểu tham quan phòng trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: L.Na

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà những tiềm năng, thế mạnh của di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh chưa được khai thác hiệu quả, đòi hỏi có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong bảo tồn và phát triển nhằm khẳng định vị thế di sản Đồng Nai.

* Dấu ấn di sản, chứng nhân lịch sử

Đồng Nai hiện có hơn 1.500 di tích phổ thông, 57 di tích xếp hạng (gồm 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 26 di tích cấp tỉnh). Đa số các di tích là những công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo có giá trị văn hóa nghệ thuật, có bề dày lịch sử cao. Cụ thể như: Thành cổ Biên Hòa, Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa, Nhà hội Bình Trước, Đền thờ Nguyễn Tri Phương, đình Phú Mỹ, chùa Bửu Phong, di tích lịch sử mộ Trịnh Hoài Đức; Mộ cự thạch Hàng Gòn, Di tích Trung ương Cục miền Nam... Tất cả đều được quan tâm đầu tư, trùng tu và tôn tạo.

Kỷ niệm 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; kỷ niệm 15 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11, Bảo tàng Đồng Nai sẽ tổ chức lớp tập huấn công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh năm 2020 vào ngày 4-12. Các đại biểu là cán bộ văn hóa, ban quý tế, trụ trì, ban quản lý di tích trên địa bàn tỉnh sẽ tìm hiểu các thông tư bảo quản, tu bổ di tích; giao lưu, trao đổi công tác quản lý, bảo quản di tích; đi khảo sát thực tế tại một số di tích trên địa bàn TP.Biên Hòa…

Nhiều di tích trong tỉnh gắn với các lễ hội truyền thống, lưu giữ những giá trị văn hóa đặc trưng tiêu biểu như: lễ hội chùa Ông, P.Hiệp Hòa; lễ hội Kỳ yên đình Tân Lân, P.Hòa Bình; lễ hội vía ông Đá mộ cự thạch Hàng Gòn, TP.Long Khánh… Theo thống kê của Sở VH-TTDL, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 350 lễ hội gồm: truyền thống (344), ngành nghề (1) và văn hóa (24). Trong đó có 7 lễ hội thực hiện việc đăng ký tổ chức, các lễ hội còn lại tổ chức theo hình thức thông báo với chính quyền địa phương.

Hằng năm, Sở VH-TTDL phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều chương trình như đưa liên hoan về cơ sở, tạo điều kiện cho các CLB tham gia hội diễn cấp quốc gia và khu vực; phục dựng trò chơi dân gian trong các lễ hội truyền thống. Thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ngành Văn hóa đã tổ chức nhiều hoạt động như: điều tra, kiểm kê hệ thống tư liệu về ĐCTT; trình diễn ĐCTT ở cơ sở hằng tháng, hằng quý; có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các CLB ĐCTT hoạt động, giao lưu với các tỉnh, thành phố lân cận.

Đặc biệt, để giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ, Đồng Nai đã tổ chức nhiều chương trình nhằm khơi dậy tình yêu di sản văn hóa đối với lớp trẻ. Trong đó, ngành Giáo dục phối hợp với ngành Văn hóa, đoàn Thanh niên triển khai các hoạt động về nguồn, giáo dục di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong nhà trường đạt kết quả tích cực. Số lượng học sinh, sinh viên được đến các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu của tỉnh tăng lên hằng năm… Nhờ vậy hình thành ý thức, trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương.

* Huy động các nguồn lực

Trong giai đoạn 2016-2020, hàng chục di tích trong tỉnh được tu bổ, tôn tạo với nguồn kinh phí xã hội hóa lên đến hàng chục tỷ đồng, đây là nguồn lực rất quan trọng để hỗ trợ khi ngân sách nhà nước chưa đáp ứng kịp thời. Nổi bật là trùng tu, tôn tạo các hạng mục của di tích chùa Ông (hơn 21 tỷ đồng); chùa Đại Giác (2,5 tỷ đồng); miếu Tổ Sư (5 tỷ đồng); chùa Bửu Hưng (1 tỷ đồng); mộ Nguyễn Đức Ứng và 12 nghĩa binh chống Pháp (trên 12 tỷ đồng)... Qua đó, tạo cảnh quan di tích ngày càng khang trang, sạch, đẹp, góp phần không nhỏ trong việc thu hút nhiều khách du lịch đến với Đồng Nai.

Cũng trong thời gian này, Sở VH-TTDL đã kiểm kê toàn bộ di tích trong tỉnh, tiến hành bảo tồn, phục dựng, truyền dạy và lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích. Trong đó, có 5 di tích được xếp hạng, 7 di tích đã và đang lập hồ sơ, 14 di tích đã đưa ra khỏi quy hoạch, chuyển sang giai đoạn sau 2 di tích. Sở dĩ các di tích chưa được xếp hạng theo đúng lộ trình quy hoạch theo Sở VH-TTDL là do không vận động được nguồn kinh phí xã hội hóa. Tại một số di tích xảy ra vấn đề tranh chấp đất đai, chưa thống nhất được các sự kiện lịch sử gắn với di tích…

Theo lộ trình xếp hạng di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, sẽ có 11 di tích được đề nghị xếp hạng gồm: Di tích khảo cổ suối Linh; đồi Phòng Không (H.Vĩnh Cửu); địa điểm diễn ra sự kiện vượt nhà ngục Tà Lài (H.Tân Phú); di tích khảo cổ gò Me và miễu Cây Da (H.Nhơn Trạch); di tích khảo cổ Long Hưng và đình Tân Lại (P.Biên Hòa); di tích khảo cổ cầu Sắt và suối Chồn
(TP.Long Khánh); đình Định Quán và Thủy Lâm động (H.Định Quán).

Hiện tại, Sở VH-TTDL giao cho Bảo tàng tỉnh triển khai hồ sơ khoa học xếp hạng nhiều di tích cấp tỉnh; khảo sát dấu vết khảo cổ học địa điểm hang Dơi ở 2 huyện: Tân Phú và  Định Quán; khảo sát hiện trạng các hạng mục hậu điện tại di tích đình Phú Mỹ, xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch để có cơ sở thực hiện việc lập hồ sơ công trình bảo quản phục hồi sơn son thiếp vàng hiện vật di tích đình Phú Mỹ năm 2021…

* Tăng “sức sống” cho bảo tàng

Nằm trên đường Nguyễn Ái Quốc, khu vực trung tâm của TP.Biên Hòa, nơi tấp nập người qua lại, Bảo tàng tỉnh hiện sở hữu hơn 20 ngàn hiện vật quý mang giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu qua các thời kỳ. Mặc dù trưng bày và giới thiệu số lượng hiện vật lớn nhưng lượng khách tham quan bảo tàng vẫn chưa cao. Theo Bảo tàng  tỉnh, lượng khách trung bình mỗi năm đến bảo tàng khoảng 15-60 ngàn lượt người. Riêng năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bảo tàng đón 15 ngàn lượt khách đến tham quan, học tập.

Các em học sinh tham quan, dâng hương tại Văn miếu Trấn Biên
Các em học sinh tham quan, dâng hương tại Văn miếu Trấn Biên

Có dịp đến Bảo tàng tỉnh, tham quan triển lãm, các phòng chuyên đề về di sản Đồng Nai qua từng tài liệu, hiện vật, Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường không giấu sự xúc động, tự hào. Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường nhấn mạnh, những tài liệu, hiện vật lưu trữ và trưng bày trong Bảo tàng tỉnh thực sự quý giá, hội tụ tinh hoa văn hóa của người Việt, của nhiều dân tộc bản địa cũng như văn hóa, lịch sử của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hơn 320 năm. Do đó, đảng viên, nhân dân, thế hệ trẻ hôm nay cần thường xuyên đến bảo tàng tham quan, tìm hiểu lịch sử, những bài học mà thế hệ cha ông đã dày công gìn giữ; trau dồi kiến thức, vốn hiểu biết, làm hành trang cho tương lai.

“Để tăng tính hấp dẫn, Bảo tàng tỉnh cần có thêm những cách tiếp cận mới. Trong đó, phải chủ động áp dụng công nghệ cao hơn như: có màn hình Led, có công nghệ 3D, 4D nhằm mang đến những cảm nhận chân thực nhất cho người xem, giúp họ khám phá các giá trị quá khứ được lưu giữ tại bảo tàng. Ngoài ra, cần cập nhật, bổ sung thêm những tài liệu hiện vật, thông tin mới để bảo tàng có một bức tranh sống động, thu hút người dân và du khách” - Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường nói.

Tư liệu, hình ảnh và hiện vật trong Bảo tàng tỉnh là tài nguyên vô giá bởi chúng có đời sống riêng, mang sự gắn kết giữa quá khứ, hiện tại, tương lai và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Hiện bảo tàng  đã và đang đa dạng hóa nội dung trưng bày, kể các câu chuyện lịch sử, văn hóa của Biên Hòa - Đồng Nai thông qua các triển lãm, các hội thi giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ trải nghiệm và tương tác. Qua đó, nâng cao hiệu quả, tăng “sức sống” cho hoạt động của bảo tàng trong thời gian tới.

Ly Na

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích