Báo Đồng Nai điện tử
En

Lặng thầm nữ giáo viên tổng phụ trách Ðội

11:11, 20/11/2020

Nghề giáo viên luôn được xã hội coi trọng và tôn vinh. Tuy nhiên, với giáo viên tổng phụ trách Đội - những người được ví như những nốt nhạc luôn mang lại niềm vui, góp phần hình thành nhân cách và những giá trị tốt đẹp cho thế hệ măng non… lại ít người biết đến.

Nghề giáo viên luôn được xã hội coi trọng và tôn vinh. Tuy nhiên, với giáo viên tổng phụ trách Đội - những người được ví như những nốt nhạc luôn mang lại niềm vui, góp phần hình thành nhân cách và những giá trị tốt đẹp cho thế hệ măng non… lại ít người biết đến.

Chị Đặng Trần Minh Châu, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Phù Đổng (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh sử dụng màu để trang trí cầu thang của trường
Chị Đặng Trần Minh Châu, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Phù Đổng (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh sử dụng màu để trang trí cầu thang của trường. Ảnh: Nga Sơn

* Duyên với nghề làm “cô tổng”

Hẹn gặp chị Đặng Trần Minh Châu, giáo viên Tổng phụ trách Đội tại Trường tiểu học Phù Đổng (TP.Biên Hòa) vào một ngày giữa tháng 11, đúng vào dịp nhà trường tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam nên chị Châu khá tất bật. Chị Châu tay cầm micro, miệng không ngừng hướng dẫn học sinh tham gia trò chơi… Quệt vội những giọt mồ hôi trên trán, chị Châu chia sẻ, so với đồng nghiệp cùng làm giáo viên tổng phụ trách, chị là người khá may mắn.

May mắn ở chỗ chị Châu vừa tốt nghiệp ngành Sư phạm công nghệ Trường đại học Đồng Nai là có quyết định về làm Tổng phụ trách Đội tại Trường tiểu học Phù Đổng - ngôi trường chỉ cách nhà khoảng 3km. May mắn hơn khi về công tác tại trường, Hiệu trưởng nhà trường và một số thầy cô giáo trước đây cũng từng có thời gian làm giáo viên tổng phụ trách nên chị có được đội ngũ “cố vấn” rất “hùng hậu”. Hơn thế, phụ huynh học sinh rất tin tưởng vào nhà trường nên mỗi lần đề xuất cho các em tham gia hoạt động Đội đều ủng hộ nhiệt tình. Vì vậy, mặc dù chưa từng được đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội nhưng chỉ một thời gian ngắn, chị Châu đã có thể bắt nhịp được với công việc và từng bước đưa công tác Đội và phong trào thiếu nhi của liên đội phát triển.

Theo tin từ Hội đồng Đội tỉnh, toàn tỉnh hiện có 445 giáo viên tổng phụ trách Đội. Đây là những người thiết kế, tổ chức mọi hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; tổ chức các chương trình, hoạt động tạo môi trường cho thiếu nhi thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ…

Bên cạnh những trường hợp vừa ra trường đã được phân công làm giáo viên tổng phụ trách, nhiều trường hợp đang là giáo viên đứng lớp nhưng vì chữ “duyên” mà đến với công việc tổng phụ trách Đội.

Năm 1997, Trường tiểu học Cao Bá Quát (H.Trảng Bom) thành lập, khi ấy chị Tạ Thị Vân Anh là giáo viên mới ra trường nên được phân công về trường làm giáo viên Tổng phụ trách Đội. Với chị Vân Anh, một giáo viên được đào tạo chuyên ngành Sư phạm tiểu học, làm Tổng phụ trách Đội là nhiệm vụ mới mẻ. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động theo kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Đội cấp trên, chị còn tự mày mò và tổ chức các hoạt động mới, như: sinh hoạt sao nhi đồng, thi nét vẽ tuổi hoa, múa hát sân trường…

Chị Vân Anh kể, sau 1 năm làm Tổng phụ trách Đội, Hội đồng Đội H.Trảng Bom tổ chức nghi thức Đội giỏi cấp huyện. Nhờ việc chăm chỉ luyện tập cùng với học sinh mỗi ngày mà lần đầu tiên Liên đội Trường tiểu học Cao Bá Quát đi thi đoạt giải nhất. Sau mỗi lần vất vả tập luyện và giành được giải cao, chị Vân Anh như được tiếp thêm động lực để tiếp tục gắn bó với công tác Đội. “Cách đây khoảng 5 năm, Ban giám hiệu nhà trường có đề nghị để tôi trở về với công việc đứng lớp nhưng tôi đã từ chối để tiếp tục làm giáo viên Tổng phụ trách Đội” - chị Vân Anh bộc bạch.

* Vui buồn với nghề

Chia sẻ về lý do tiếp tục gắn bó với “nghề” tổng phụ trách, chị Vân Anh chia sẻ, một phần vì đã quen với công việc, phần nữa là vì chỉ có làm giáo viên tổng phụ trách chị mới có cơ hội hằng ngày, hằng giờ được gặp, trò chuyện và hoạt động cùng với học sinh. Tiếp xúc và hoạt động cùng với các em thiếu nhi mỗi ngày nên chị cười nhiều hơn, cảm thấy cuộc sống thường ngày cũng như công việc trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Những niềm vui nho nhỏ mà các em mang lại đã trở thành động lực để chị gắn bó với nghề.

Năm 1996, Trường phổ thông cơ sở (gồm tiểu học và THCS) Tân Thành (H.Long Thành) tách thành Trường tiểu học Thái Hiệp Thành và Trường THCS Tân Thành, cô Trần Thị Là từ giáo viên đứng lớp trở thành giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Thái Hiệp Thành ở tuổi 29. Thông thường ở cái tuổi này, ít ai muốn thay đổi công việc đang làm. Thế nhưng, khi được Ban giám hiệu phân công, cô Là không suy nghĩ mà nhận lời ngay. Cô Là cho hay, bản thân cô thích các hoạt động phong trào nên vừa nhận nhiệm vụ là cô bắt đầu liên hệ với cán bộ Hội đồng Đội cấp trên, giáo viên tổng phụ trách các trường để học hỏi cách làm.

Chị Tạ Thị Vân Anh, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Cao Bá Quát (H.Trảng Bom) chụp hình lưu niệm cùng học sinh
Chị Tạ Thị Vân Anh, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Cao Bá Quát (H.Trảng Bom) chụp hình lưu niệm cùng học sinh

Sau 1 năm, cô Là cơ bản đã nắm được kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội và đến năm thứ 2 đã tự tin tham gia thi Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh. Theo chia sẻ của cô Là, so với làm giáo viên đứng lớp, làm giáo viên Tổng phụ trách Đội cô được cười nhiều hơn, cảm thấy tâm hồn mình lúc nào cũng trẻ trung. “Niềm vui lớn nhất của tôi là được thấy các em thiếu nhi vui. Mỗi lần đi thi các hội thi cấp huyện như: hội thi Hoa phượng đỏ, hội thi kể chuyện, vẽ tranh… nhìn thấy học sinh vui mừng khi đoạt giải, niềm vui trong tôi như được nhân lên gấp đôi, gấp ba”.

Niềm vui của những người làm nghề tổng phụ trách nhiều không đếm xuể. Thế nhưng, cũng có lúc họ lại không tránh khỏi những giây phút chạnh lòng, nhất là vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Chị Tạ Thị Vân Anh, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Cao Bá Quát bộc bạch, nếu như giáo viên chủ nhiệm hay bộ môn chỉ lên lớp một buổi hoặc hết tiết dạy rồi về thì những giáo viên tổng phụ trách phải có mặt ở trường 2 buổi/ngày. Giáo viên tổng phụ trách phải đến sớm để quán xuyến vệ sinh, nề nếp khi học sinh vào học lại bù đầu với văn bản, kế hoạch, sổ sách; giờ ra chơi của học sinh là lúc giáo viên tổng phụ trách phải đi giám sát để giữ gìn môi trường học đường luôn an toàn thân thiện…

Không chỉ đảm bảo vệ sinh, nề nếp của trường, giáo viên tổng phụ trách còn gần gũi, lắng nghe và gieo vào tâm hồn các em giá trị sống tốt đẹp để giúp các em phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Thế nhưng, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam hầu hết phụ huynh, học sinh chỉ nhớ đến thầy cô giáo chủ nhiệm, thầy cô giáo bộ môn mà ít ai quan tâm đến thầy cô giáo tổng phụ trách. Ngày kỷ niệm của nghề, trong khi đồng nghiệp dự lễ thì giáo viên tổng phụ trách ở đằng sau cánh gà sân khấu đổ mồ hôi để chạy chương trình nhằm đem lại một lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam hoàn hảo nhất.

“Cũng may trong lúc tủi thân, chạnh lòng ấy, vẫn có những học sinh nhớ đến và tới chúc mừng, tặng tấm thiệp, bó hoa giúp tôi thấy vui và yêu mến công việc của mình hơn” - chị Vân Anh bộc bạch.

Nga Sơn

Tin xem nhiều