Báo Đồng Nai điện tử
En

Gia đình và hệ lụy của việc lạm dụng mạng xã hội

07:11, 21/11/2020

Mạng xã hội (MXH), phổ biến là Facebook, Zalo giúp mọi người dễ dàng liên hệ và kết nối với nhau, chia sẻ và tìm kiếm thông tin trong công việc, học tập và giải trí… Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực thì việc lạm dụng MXH đang gây lãng phí thời gian của nhiều người, nhất là thời gian dành cho gia đình. Đây là thực trạng ngày càng phổ biến và đáng lo ngại.

Mạng xã hội (MXH), phổ biến là Facebook, Zalo giúp mọi người dễ dàng liên hệ và kết nối với nhau, chia sẻ và tìm kiếm thông tin trong công việc, học tập và giải trí… Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực thì việc lạm dụng MXH đang gây lãng phí thời gian của nhiều người, nhất là thời gian dành cho gia đình. Đây là thực trạng ngày càng phổ biến và đáng lo ngại.

Thời gian rảnh, mẹ và con mỗi người mỗi máy tính bảng để lướt mạng xã hội
Thời gian rảnh, mẹ và con mỗi người mỗi máy tính bảng để lướt mạng xã hội

Hiện nay, việc sử dụng MXH đã trở thành thói quen của nhiều người. Không ít người có thể “lướt” điện thoại thông minh mọi lúc, mọi nơi, chủ yếu dùng để chơi game, tán gẫu trên MXH nên không có nhiều thời gian quan tâm đến người thân xung quanh.

* Gia đình trước “sóng gió” MXH

Ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai tại khu vui chơi cho trẻ em, phía trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh vào chủ nhật ngày 15-11, có khá nhiều người đưa con tới vui chơi. Trong khi các bé chơi đùa thì cha, mẹ các bé ngồi chờ không nói chuyện với nhau mà ngồi bấm điện thoại. Một số người tập trung lướt điện thoại, thi thoảng mới ngẩng lên nhìn đến con để mặc cho con nhỏ tự chơi với xích đu, cầu tuột khá nguy hiểm, nhất là với trẻ dưới 3 tuổi.

Trên thực tế đã có trường hợp khi ra nơi công cộng, cha mẹ mải tập trung vào điện thoại, không để ý đến con  khiến con bị kẻ xấu bắt cóc. Đơn cử như vụ việc xảy ra  chiều 21-8, anh N.V.H. (ngụ P.Khúc Xuyên, TP.Bắc Ninh) để lạc con là cháu N.C.G.B. (2 tuổi) tại công viên Hồ Điều Hòa (TP.Bắc Ninh). Theo một số tờ báo thông tin, trong lúc con chơi ở công viên, anh H. vừa ngồi xem điện thoại để giải quyết công việc, khoảng 5 phút, ngẩng đầu lên đã không thấy con đâu.

Hiện nay rất dễ bắt gặp một nhóm người đi uống cà phê nhưng đa số chăm chú vào lướt điện thoại Trong ảnh: Một nhóm bạn tại một quán cà phê ở TP.Biên Hòa
Hiện nay rất dễ bắt gặp một nhóm người đi uống cà phê nhưng đa số chăm chú vào lướt điện thoại Trong ảnh: Một nhóm bạn tại một quán cà phê ở TP.Biên Hòa

Là một trong số ít những phụ huynh nhiệt tình cùng con tham gia các trò chơi trong khu vui chơi ở Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh, anh Nguyễn Minh Phát (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, nơi công cộng, trong đó có công viên, khu trò chơi thường có đông người, nhiều thành phần nên khi cho con ra những nơi này vui chơi anh thường phải theo sát con, để con không đi lạc hay bị té ngã gây thương tích khi chơi đùa.

“Nhiều người than bận rộn, không có thời gian chơi với con, nhưng lúc rảnh rỗi lại “đốt cháy” thời gian của mình với MXH. Tôi cũng thường sử dụng MXH, nhưng mỗi ngày tôi dành 30-60 phút “đặc biệt”: không internet, không điện thoại, không máy tính để chơi với con, nghe con nói chuyện và dạy con những kỹ năng sống để vừa gắn kết tình cảm cha con vừa giúp con trẻ biết xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm” - anh Phát tâm sự.

TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý và giáo dục cho biết, một thực tế hiện nay, người ta tiêu tốn quá nhiều thời gian cho MXH và như thế tất nhiên sẽ lấy đi thời gian quan tâm đến người thân, bạn bè. Trong khi các mối quan hệ thân tình này luôn cần được quan tâm, lắng nghe, chia sẻ.

Thời MXH bùng nổ và “tấn công” vào các gia đình đã dẫn đến tình trạng phổ biến: ăn cùng MXH, ngủ cùng MXH, giải trí cùng MXH...  Không ít người rơi vào trạng thái cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Lý giải cho tình trạng này, TS Lê Minh Công cho biết, do trong gia đình, vợ chồng mỗi người đều bận rộn công việc, trong đó có các mối quan tâm trên MXH; các con có nhu cầu cần được lắng nghe, chia sẻ, dìu dắt, chơi cùng cha mẹ thì lại được “quăng” cho cái iPad, điện thoại thông minh. Ngay cả bữa cơm được xem là “sợi dây” gắn kết nhất của gia đình thì không ít nhà lại chọn kiểu mỗi người một tô, bưng về phòng của mình vừa ăn vừa lướt web, chat với bạn bè nên không có nhiều thời gian để lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu lẫn nhau”.

* Vô tư chia sẻ chuyện gia đình trên MXH

Không chỉ cập nhật “tất tần tật” những trạng thái của bản thân lên MXH mà nhiều người còn đưa cả những chuyện riêng tư, những lục đục, mâu thuẫn, bất đồng quan điểm trong gia đình, phần lớn là tình cảm vợ chồng lên MXH nhằm mục đích chia sẻ, nhờ cộng đồng mạng, bạn bè “hiến kế”  giải quyết. Thậm chí có người tổ chức đi đánh ghen và chia sẻ clip đánh ghen này lên MXH nhằm mục đích bôi nhọ tình địch. Tuy nhiên hành động này đã nhận những luồng ý kiến không đồng tình của cộng đồng mạng.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, chị Trần Thanh Thảo (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho rằng, việc chia sẻ chuyện gia đình lên MXH là không nên, vì đây là chuyện riêng tư. Nhất là chuyện riêng của vợ chồng, người đăng phải cân nhắc  bởi nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống gia đình. Chưa kể các con khi biết cha mẹ bêu xấu nhau như thế sẽ dẫn đến tổn thương, mặc cảm với bạn bè...

Chia sẻ về cách sử dụng MXH của gia đình mình, anh Nguyễn Minh Luân (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) cho biết, anh luôn nhắc nhở các thành viên trong gia đình về việc sử dụng MXH sao cho hiệu quả. Không gian mạng chỉ là nơi chia sẻ thông tin trên những lĩnh vực mình quan tâm, giao lưu, gắn kết với bạn bè. “Nguyên tắc chung là khi phát sinh vấn đề trong gia đình, vợ chồng, các con cùng nhau trao đổi cùng tìm hướng giải quyết, không đem chuyện nhà, dù vui hay buồn đăng lên MXH, tránh những rắc rối không đáng có. Đôi khi câu chuyện của gia đình mình bị biến thành đề tài để người khác bàn luận, soi mói” - anh Luân nói.

Bữa ăn gia đình sẽ làm gắn kết tình yêu thương giữa các thành viên trong nhà. Trong ảnh: Một bữa ăn trưa của gia đình chị Nguyễn Thị Liên (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Liễu
Bữa ăn gia đình sẽ làm gắn kết tình yêu thương giữa các thành viên trong nhà. Trong ảnh: Một bữa ăn trưa của gia đình chị Nguyễn Thị Liên (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Liễu

Cũng theo TS Lê Minh Công: “Chúng ta không đổ thừa cho công nghệ, bởi chủ thể giao tiếp chính vẫn là con người. Chọn cách sống ảo, kiểu giao tiếp ảo hay quá tin vào sự “giúp sức” của cộng đồng mạng sẽ khiến con người mất kết nối với chính mình. Như thế sức mạnh nội tâm sụt giảm, khi gặp biến cố sẽ không chịu đựng được áp lực, thiếu khả năng giải quyết vấn đề. Một khi đã mất kết nối với chính mình, rất dễ dẫn tới đổ vỡ mối quan hệ với các thành viên trong gia đình và những người xung quanh”.

MXH làm thay đổi văn hóa sống cũng đang ít nhiều gây ảnh hưởng đến gia đình. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), cả nước trung bình có trên 60 ngàn vụ ly hôn/năm. Tỷ lệ này ở thành thị là 30%. Điều đáng nói, 70% số vụ ly hôn rơi vào giới trẻ. Nghiên cứu cho thấy, mâu thuẫn về lối sống do ảnh hưởng từ MXH khiến nhiều bạn trẻ đang dần rời xa gia đình.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), tính đến tháng 7-2020, Việt Nam có 64 triệu người dùng Facebook, đứng thứ 7 về lượng người dùng MXH này trên thế giới.

Tuy nhiên, một con số còn giật mình hơn, theo một khảo sát gần đây, điện thoại thông minh và Facebook đang lấy khoảng 1/3 thời gian dành cho gia đình của các cặp vợ chồng trẻ ở thành thị. Theo khảo sát mới nhất, 94% người sử dụng điện thoại có kết nối internet dành thời gian vào MXH. Mạng ảo, nhưng có khoảng 25 triệu hộ gia đình Việt đứng trước nguy cơ lỏng lẻo liên kết thật.

 

Song Liễu


BS Trần Thanh Liêm, Trưởng khoa Tâm thần cán bộ và quốc tế (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2):

MXH phá vỡ cấu trúc giao tiếp gia đình

Các phương tiện giao tiếp qua MXH hiện có quá nhiều tính năng cho phép một người truyền tải thông điệp đến mọi người, nhưng thực tế lại khiến con người càng nghèo biểu hiện cảm xúc. Ở góc độ tương tác trong gia đình, những icon hình ảnh trong giao tiếp online dù có rất nhiều và ở mọi trạng thái như: thả tim, nút like, sticker hay icon mặt cười cũng không thể thay thế được một nụ hôn, một cái ôm nhẹ, cử chỉ nắm tay, vỗ vai hay ánh mắt trìu mến, động viên... thể hiện cảm xúc thực trong giao tiếp trực diện. Sự lạm dụng MXH đang phá vỡ cấu trúc giao tiếp của gia đình.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các thành viên trong gia đình ngày càng thiếu thốn cảm xúc, tình cảm nghèo nàn, thậm chí là cô đơn, vô cảm, chai sạn. “Nghiện” MXH, không chỉ làm giảm sự kết nối, hạn chế giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình mà còn có khả năng dẫn đến những rối loạn tâm thần. Hiện nay, “nghiện” MXH đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt kê vào nhóm bệnh về rối loạn tâm thần.

Bà Giang Thị Thu Nga, Phó giám đốc Sở TT-TT:

Tuyệt đối không đưa chuyện riêng gia đình lên MXH

Hiện nhiều người có thói quen cập nhật mọi trạng thái của mình lên Facebook, có cả những buồn vui, trăn trở, những cuộc cãi vã, tranh luận, thất vọng... về các thành viên trong gia đình mà không lường trước được những rắc rối có thể xảy ra. Điều này không chỉ dễ dẫn đến mất an toàn cho chính cá nhân người đó mà còn nguy hiểm cho cả những người thân trong gia đình. Việc đưa chuyện riêng tư của mình lên MXH còn làm cho mâu thuẫn trong gia đình trở nên nặng nề hơn. Bởi lẽ, đây chỉ là chuyện cá nhân, chỉ những người trong gia đình biết, việc xử lý cũng dễ dàng, gọn nhẹ. Nhưng khi công khai lên MXH thì cả thế giới biết và ngay cả những người không quen biết cũng có thể “nhảy” vào đánh giá, bình luận, ném đá… khiến người thân càng bị tổn thương.

Theo tôi, trước khi cập nhật, chia sẻ thông tin lên MXH, người đưa nên cân nhắc thật kỹ, liệu thông tin này có vi phạm pháp luật hay không? Thông tin này có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cá nhân của mình và các thành viên khác trong gia đình không? Tốt nhất tuyệt đối không đưa chuyện riêng của gia đình lên MXH để tránh những phiền phức chắc chắn sẽ xảy ra.

Bà Lê Thị Thái, Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh:

Dành thời gian cho nhau thay vì “ôm” điện thoại

Hiện nay, ở nhiều gia đình thời gian dành cho việc sử dụng các thiết bị công nghệ hầu như đã chiếm hết thời gian dành cho các hoạt động vui chơi, trò chuyện cùng nhau, rèn luyện thể chất, giao tiếp xã hội, thăm hỏi họ hàng... Thay vì cùng trò chuyện với nhau thì các thành viên trong gia đình lại dành thời gian cho smart phone, máy tính bảng, laptop…

Khi giao tiếp giữa các thành viên trong ngày càng ít đi có thể dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có do thiếu sự thấu hiểu, chia sẻ và cảm thông. Trách nhiệm của mọi người với công việc chung của gia đình bị lơ là, sự không hiểu nhau dẫn đến nghi ngờ, bất hòa, cãi vã...  Ở mức độ nghiêm trọng hơn, nó khiến tình cảm nhạt dần, con người cô đơn trong chính tổ ấm của mình, hoàn toàn có thể làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Vì vậy, hãy dành thời gian cho nhau thay vì “ôm” điện thoại. Hãy giữ sự riêng tư cho gia đình, dành thời gian chăm sóc người thân. Cuộc sống thực tế mới là điều đáng quý, đừng để MXH phá hủy hạnh phúc vì sự chủ quan trong phút chốc.

Bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó giám đốc Sở VH-TTDL:

Đừng để MXH tác động tiêu cực đến lối sống gia đình

Theo tôi, để tình cảm gia đình thêm gắn kết, các thành viên nên dành thời gian cho nhau nhiều hơn. Cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện, chơi đùa với con nhiều hơn, hạn chế sử dụng các thiết bị công nghệ, thay vào đó, mỗi thành viên trong gia đình nên dành thời gian để tham gia các hoạt động cùng nhau như: nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, du lịch...

Trong mỗi gia đình, cha mẹ nên làm gương tốt trong việc hạn chế sử dụng điện thoại thông minh khi không cần thiết và nên khuyến khích con sử dụng thời gian vào các hoạt động vui chơi, rèn luyện thể chất, thăm bạn bè người thân, tham gia các lớp kỹ năng sống… Sau một ngày làm việc, học tập về nhà, các thành viên trong gia đình nên cùng nhau làm việc nhà, nấu ăn, dọn dẹp, quây quần vui vẻ bên bữa cơm gia đình để giữ gìn không khí ấm áp yêu thương, cùng trao đổi về chuyện học hành, công việc, về dự định tương lai… giúp gắn kết tình cảm gia đình, để mỗi thành viên cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn.

An Nhiên - Kim Liễu (ghi)


 

Tin xem nhiều