Một vấn đề khiến nhiều phụ huynh, nhất là những phụ huynh có con trong độ tuổi THCS, THPT băn khoăn hiện nay là có nên cho con sở hữu và sử dụng một smart phone (điện thoại thông minh), máy tính bảng hay không.
Một vấn đề khiến nhiều phụ huynh, nhất là những phụ huynh có con trong độ tuổi THCS, THPT băn khoăn hiện nay là có nên cho con sở hữu và sử dụng một smart phone (điện thoại thông minh), máy tính bảng hay không. Nếu cho con sử dụng các thiết bị này thì lo con bị ảnh hưởng bởi những thông tin độc, hại tràn lan trên môi trường internet hoặc con mất quá nhiều thời gian sử dụng điện thoại mà lơ là việc học hành. Còn nếu cấm hoàn toàn không cho con sử dụng smart phone thì lo con không kết nối được với thầy cô, bạn bè để học tập; chậm cập nhật các kiến thức phục vụ việc học hành...
Mối lo ngại của các bậc phụ huynh cũng là điều đương nhiên khi bên cạnh những điều tích cực mà internet mang lại thì trên môi trường internet, nhất là mạng xã hội (Facebook, Zalo...) có muôn vàn những thông tin độc, hại và ở đó cũng có nhiều thành phần trong xã hội, trong đó có các đối tượng lừa đảo, xâm hại tình dục, ấu dâm... Trong khi trẻ vị thành niên, trẻ em không phải lúc nào cũng phân biệt được người tốt, người xấu và không lường hết được những nguy cơ, tác hại khi tham gia vào môi trường mạng.
Tuy nhiên, không vì thế mà phụ huynh ngăn chặn hoặc cấm hoàn toàn việc con trẻ sử dụng internet. Tôi từng rất ấn tượng với chia sẻ của bà Phan Hồ Điệp, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam trên một số tờ báo khi cho rằng, không nên cấm tuyệt đối con trẻ dùng internet, mà nên tìm cách để đồng hành với con, dạy con cách đối diện với những hiểm họa trên internet. Vì internet cũng giống như cuộc đời, có góc tối góc sáng, có điều tốt và không tốt. Phụ huynh cũng không thể vì những điều tiêu cực, lo sợ mà “tước” đi của con cơ hội để tiếp cận với thế giới thông tin rộng lớn. Do đó, cần dạy cho con biết cách ứng xử phù hợp với những thách thức trên internet.
Giải pháp được bà Phan Hồ Điệp đưa ra là: quy định thời gian sử dụng internet theo từng độ tuổi; học cùng con trên internet; thường xuyên thảo luận với con về những nguy cơ, trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân trên môi trường mạng; có thỏa thuận về quyền của cha mẹ trong việc quản lý thời gian, lịch sử truy cập internet của con... Ngoài ra, phụ huynh cũng nên dành thời gian đọc sách cho con nghe hoặc tạo cho con thói quen, đam mê đọc sách thay vì dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử.
Để con trẻ không “nghiện” hoặc không phụ thuộc vào internet, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, ngoài việc quan tâm định hướng cho con kỹ năng nhận biết, phòng ngừa những tác hại từ internet thì phụ huynh cần cân nhắc khi cho con sở hữu và sử dụng smartphone. Hiện nay đang là thời buổi công nghệ 4.0, mọi thứ đều được tích hợp trên smartphone. Tiện ích của smartphone luôn cầm theo bên mình và có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Nếu sớm cho trẻ sở hữu một chiếc smartphone mà thiếu kiểm soát về thời gian, về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng smartphone, nghiện internet.
Một số ý kiến cho rằng, thay vì mua cho con một chiếc smartphone thì có thể mua cho con một máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay có kết nối internet để phục vụ việc học tập, giải trí. Với những thiết bị này, con trẻ vẫn có thể học tập, giải trí trên internet theo thời gian nhất định và phụ huynh có thể kiểm soát về thời gian truy cập mạng của con một cách dễ dàng hơn.
Ngoài ra, muốn con trẻ không lệ thuộc vào smartphone thì chính người lớn phải là người làm gương. Theo đó, sau giờ làm về nhà hoặc trong khi đi chơi cùng gia đình, cha mẹ nên dành nhiều thời gian cho con, thay vì mải mê “lướt” smartphone; thường xuyên trao đổi, quan sát, có sự điều chỉnh phù hợp khi thấy con có dấu hiệu sa đà vào việc sử dụng internet; đăng ký cho con tham gia các khóa học về kỹ năng sống, các hoạt động ngoại khóa để giúp con luôn vui vẻ...
Rõ ràng, trong thời đại 4.0, việc ngăn chặn không cho trẻ em truy cập và sử dụng internet là không nên. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải bảo vệ trẻ em trên môi trường internet, không để trẻ em đơn độc trong không gian mạng rộng lớn. Muốn vậy, bên cạnh vai trò của gia đình, thì nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, định hướng cho học sinh ngăn ngừa những rủi ro, cám dỗ trên môi trường mạng. Học sinh cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng, làm sao để trở thành công dân thông minh trong thế giới số.
Ngọc Thư