"Cuộc sống đau khổ và hạnh phúc, lên xuống thăng trầm cũng là một kiếp người mà ai cũng phải trải qua. Lúc chưa bén duyên (…) tôi thường buồn và oán giận sao cuộc sống không công bằng, giờ nhìn lại chỉ mỉm cười cho qua khi đã hiểu được tất cả con số trong cuộc đời của mình, buông bỏ để nhận được một hạnh phúc an lành bình an trong nội tâm, và hướng về những điều tốt đẹp hơn ở phía trước…".
“Cuộc sống đau khổ và hạnh phúc, lên xuống thăng trầm cũng là một kiếp người mà ai cũng phải trải qua. Lúc chưa bén duyên (…) tôi thường buồn và oán giận sao cuộc sống không công bằng, giờ nhìn lại chỉ mỉm cười cho qua khi đã hiểu được tất cả con số trong cuộc đời của mình, buông bỏ để nhận được một hạnh phúc an lành bình an trong nội tâm, và hướng về những điều tốt đẹp hơn ở phía trước…”.
Diễn giả Quỳnh Hương giảng dạy lớp Quản trị cuộc sống |
Đó là chia sẻ của chị N.T.Bình - học viên từng tham gia lớp học Quản trị cuộc sống do diễn giả Lê Đỗ Quỳnh Hương đứng lớp. Chị là người dẫn chương trình nổi tiếng, nhà văn và giờ khá chuyên tâm đến các dự án cộng đồng, công việc giảng dạy Quản trị cuộc sống với môn khoa học về khám phá bản thân (self-discovery) giúp con người/ bạn trẻ tập điều chỉnh lối sống, suy nghĩ tích cực, hướng thiện “làm việc thiện - gặt điều tốt”, biết tha thứ và biết ơn những gì xảy ra với mình, cư xử với tình yêu thương…
Đọc nhiều sách của Lê Đỗ Quỳnh Hương và những gì chị dạy học, chia sẻ “một cách chân tình và tràn đầy tình yêu thương” trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ cảm nhận những thông điệp giản dị nhưng chứa ý nghĩa nhân văn, tràn ngập tinh thần lạc quan, hẳn được đúc kết từ những trải nghiệm trong cuộc sống, công việc của chính tác giả.
Những thông điệp đó phù hợp cho những người đang đi tìm ý nghĩa cuộc sống và sự bình an trong tâm hồn, có thể giúp bản thân mỗi người hiểu rõ mình hơn. Từ đó, bạn trẻ có những thay đổi, điều chỉnh trong cách sống, cách suy nghĩ, hành động... nhằm hướng tới cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, an lạc hơn.
Quỳnh Hương, tên đầy đủ là Lê Đỗ Quỳnh Hương, là Thạc sĩ âm nhạc học Nhạc viện TP.HCM. Chị từng công tác tại Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) hơn 20 năm trong vai trò là biên tập viên chương trình ca nhạc kiêm người dẫn chương trình nổi tiếng (đặc biệt với chương trình Thay lời muốn nói). Quỳnh Hương còn là nhà văn và diễn giả truyền cảm hứng. Chị là tác giả nhiều quyển sách tản văn hướng về chủ đề sống tích cực, cho những người đang đi tìm ý nghĩa cuộc sống và sự bình an trong tâm hồn (Thương còn không hết ghét nhau chi, Luật hấp dẫn của nụ cười, Yên, An nhiên mà sống, Thay lời muốn nói - Thanh xuân tôi…). Tác phẩm mới nhất của chị là Thay đổi cuộc sống với Nhân số học do Quỳnh Hương biên soạn dựa trên nội dung tài liệu nghiên cứu gốc The Complete Book of Numerology của TS David A.Phillips. Đây bộ môn khoa học Nhân số học dựa vào nghiên cứu của nhà toán học Hy Lạp cổ đại Pythagoras (580 TCN - 500 TCN). Quỳnh Hương đã chuyển toàn bộ nhuận bút đợt 1 60 triệu đồng đóng góp hỗ trợ cho đồng bào miền Trung bị thiệt hại trong đợt lũ lụt vừa qua. |
* Là người đứng lớp Quản trị cuộc sống, có dịp tiếp cận và chia sẻ với nhiều đối tượng học viên, chị nhận thấy hiện nay đâu là mối bận tâm của mọi người và những điều gì làm cho họ âu lo, phiền muộn trong cuộc sống nhất - đặc biệt là trong bối cảnh năm nay, dịch bệnh Covid-19 gây xáo trộn đời sống, kinh tế…?
- Cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ, và những mối bận tâm hay làm mọi người lo âu, phiền muộn cũng đa màu đa sắc như vậy. Các vấn đề cũng thuộc loại thời nào cũng có: những băn khoăn trăn trở về cuộc sống hiện tại, lối đi cho tương lai, các mối quan hệ cha mẹ và con, vợ chồng... Đặc biệt trong thời điểm năm nay, dịch bệnh Covid-19 đang làm xáo trộn lớn đời sống bình thường của mọi người. Nhiều người mất đi công việc ổn định, mất nguồn thu nhập, thậm chí lâm vào nợ nần. Nhiều mối quan hệ bị rạn nứt, đổ vỡ.
Tuy vậy, dường như tất cả mọi bận tâm hay lo âu, phiền muộn đều quy về một nguyên do gốc: điều gì làm họ chưa thể sống an vui. Và mục đích của chúng tôi thông qua tất cả những hoạt động bấy lâu như: viết bài, làm clip trên mạng xã hội, ra sách, mở các lớp quản trị cuộc sống... đều nhằm góp phần giúp con người ta nhận ra giá trị của sự an vui, và động lực để chạm được đến điều đó.
* Nếu như nhận ra một “mẫu số chung” nào đó thì có lẽ là chị thường khuyến khích các “học trò” đi tìm ý nghĩa cuộc sống và sự bình an trong tâm hồn. Vậy thì lời dẫn dụ (hoặc chia sẻ) từ chị về “cách đi tìm ý nghĩa cuộc sống” liệu có một “mẫu số chung” nào không? Đơn cử như “sức mạnh của lòng biết ơn”, hay “thương cái năng lượng tích cực đầu ngày”, hoặc “sống tích cực và giàu yêu thương”?
- Thật ra, con người ta đều có thể áp dụng những “mẫu số chung” như bạn nêu trên để chạm đến an vui. Sức mạnh của lòng biết ơn, đẩy năng lượng tích cực đầu ngày, năng kết nối, nói lời yêu thương và xin lỗi... đều là những giá trị mang tính toàn cầu, tốt đẹp trong mọi thời đại và mọi hoàn cảnh.
Có điều, nếu chỉ nói khơi khơi là “Bạn nên làm như vậy”, có thể có người sẽ không chịu nghe hoặc không chịu làm theo. Việc cung cấp cho họ một số cơ sở dữ liệu phân tích cụ thể trên chính con người họ sẽ làm họ dễ chấp nhận và làm theo hơn.
* Trong công việc thường ngày nơi công sở, rất nhiều người đi làm không may phải đối diện với những “áp lực thời đại”, những mâu thuẫn, sân si, đố kị, tị hiềm… có thể gây buồn bã, mệt mỏi, bức bối. Theo chị, làm thế nào để hóa giải những “chướng duyên” này thành “thuận duyên”, tạo ra một môi trường sở làm tích cực xung quanh?
- Nói một cách nào đó, con người ta đến cuộc đời này chỉ phải thi những “bài thi lên lớp” một mình mình. Và tất cả những “áp lực thời đại”, những mâu thuẫn, sân si, đố kị, tị hiềm... đó đều là những “đề bài” mà... vũ trụ đã gửi xuống cho mình giải, để xem mình có đủ xứng đáng để được “cho lên lớp” hay không mà thôi. Hãy bình tĩnh tiếp nhận tất cả những điều này bằng đôi mắt nhẹ nhàng, không nổi giận hay sinh lòng tiêu cực, sân si (đó chính là thuốc độc).
Nếu hiểu được như vậy, mỗi người chúng ta sẽ đỡ buồn bực đi. Thay vì tốn năng lượng cho sự mệt mỏi, bức bối, vốn sẽ phá hủy nhanh chóng tất cả những năng lượng tích cực mình tích cóp, để dành nào giờ, chúng ta nên kiên trì đẩy năng lượng tự thân của mình lên bằng nhiều cách.
Có lẽ một trong những bài học lớn mà tôi ngẫm nghiệm ra sâu sắc nhất chính là bài học về sự chuyển hóa “chướng duyên”. Ví dụ chúng ta có thể tập hiểu và thương những người đang làm mình đau khổ. Có thể họ cũng đang ôm trong lòng đau khổ mới để cho nỗi đau khổ trào ra ngoài như vậy. Chúng ta tập dùng lòng kiên trì và niềm tin để ráng lội qua những “áp lực thời đại” kia... Chắc chắn, chỉ cần ta đừng buông xuôi, rồi sẽ có ngày đủ nắng đủ gió, đủ duyên để tình hình xung quanh ta thay đổi.
Hãy dùng tất cả sự kiên định của mình để bước tiếp điều bạn đã chọn lựa. Những phần thưởng xứng đáng luôn đợi bạn vào những thời khắc xứng đáng nhất. Khi “trường năng lượng” trong con người ta luôn cao và ổn định, sẽ thu hút được thêm những điều tốt lành tới.
Quỳnh Hương nhận ra rằng, cuộc sống này thật sự luôn cần tình yêu thương và quan tâm lẫn nhau. Từ đó, tôi ấp ủ những dự án cộng đồng góp phần muốn khuyến khích mọi người hãy sống ý nghĩa ngay chính đời sống hiện tại này, để mỗi người có được “quả lành” cho những đời sau.
* Xin cảm ơn chị và xin chúc chị luôn nhiều sức khỏe để góp phần thực hiện các dự án cộng đồng ý nghĩa.
Triệu Vân (thực hiện)