Hôn nhân không trọn vẹn, bằng ý chí, nghị lực, chị Trương Thị Ngọc Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) một mình vượt qua khó khăn nuôi dạy 2 con nên người.
Hôn nhân không trọn vẹn, bằng ý chí, nghị lực, chị Trương Thị Ngọc Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) một mình vượt qua khó khăn nuôi dạy 2 con nên người.
Chị Trương Thị Ngọc Hạnh (áo đen) trao tận tay những phần cơm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Điều đáng trân quý, mặc dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, song với tấm lòng nhân ái, hơn 20 năm qua, chị Hạnh đã kết nối các tổ chức, cá nhân mạnh thường quân giúp đỡ nhiều mảnh đời kém may mắn.
* Vượt khó nuôi dạy con nên người
Như bao cô gái ở vùng đất Xuân Phú, đến tuổi “cập kê”, chị Hạnh lập gia đình và sinh sống tại ngôi nhà mà cha mẹ cho chị làm của hồi môn. Trải qua những năm tháng hôn nhân, chị nhận ra giữa chị và người bạn đời không có chung suy nghĩ, quan điểm sống. Là người mẹ của 2 con trai, chị luôn mong con mình được lớn lên trong một gia đình hoàn hảo, nhận được tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ nên chị nhẫn nhịn. Thế nhưng, những điều chị mong muốn không thể kéo dài được lâu.
Năm 2005, chị quyết định ly thân với hy vọng chồng chị thay đổi. 8 năm chờ đợi không có kết quả, chị ly hôn. 3 mẹ con chị ra TX.Long Khánh (nay là TP.Long Khánh) ở trọ để thuận tiện cho việc học tập của con. Chị Hạnh chia sẻ, thời điểm ấy để có tiền trang trải cuộc sống, lo cho con ăn học, ngày chị làm ở xã, đêm về chị nhận may quần áo kiếm thêm thu nhập. Sau khi con học xong THPT và thi đậu vào đại học, chị chuyển về xã Xuân Phú sinh sống. Từ đó đến nay, ngoài may quần áo, chị còn mở thêm cửa hàng tạp hóa, bán quần áo online, trồng cây ăn trái, chăn nuôi heo rừng... để kiếm thêm thu nhập lo cho các con ăn học.
2 con trai thấy mẹ trải qua nhiều vất vả nên luôn nghe lời mẹ, chăm chỉ học hành. Con trai lớn của chị đã tốt nghiệp đại học và làm việc tại TP.HCM, phụ giúp mẹ nuôi em trai cũng học đại học tại TP.HCM. Chị Hạnh bộc bạch: “Qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai, sau bao vất vả, đến hôm nay tôi đã có thể mỉm cười mãn nguyện với những thành quả mà mình đã đạt được”.
* Tích cực đóng góp cho xã hội
Không chỉ vượt khó nuôi dạy con nên người, chị Hạnh còn được mọi người biết đến với vai trò “bà đỡ” của những mảnh đời bất hạnh.
Chị Ngọc Hạnh cho biết, bản thân chị từng trải qua khó khăn, vất vả nên từ trước những năm 2000 chị bắt đầu làm công tác từ thiện với mong muốn chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ở đâu có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, chị sẵn sàng kết nối với những người có tấm lòng nhân ái để hỗ trợ. Đặc biệt từ năm 2015, với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Phú, chị đã thành lập mô hình Mỗi tháng một địa chỉ với 10 thành viên do chị làm trưởng nhóm.
Với những đóng góp đối với cộng đồng, tháng 4 vừa qua, chị Hạnh vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2018-2019; UBND H.Xuân Lộc trao giấy chứng nhận gương điển hình tiên tiến H.Xuân Lộc giai đoạn 2015-2019... |
Từ khi mô hình được thành lập, phát hiện có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, chị Hạnh hoặc các thành viên trong nhóm sẽ bằng nhiều cách để xác minh; đồng thời, đăng lên Facebook để kêu gọi sự chung tay góp sức của mạnh thường quân. Sau khi nhận được kinh phí ủng hộ, chị và một số thành viên trong nhóm sẽ đến tận nơi trao trọn kinh phí ủng hộ, còn chi phí phát sinh do các thành viên trong nhóm tự chi trả.
Khi trao quà hỗ trợ, chị đều chụp hình lưu lại để mạnh thường quân thấy được nguồn kinh phí mình ủng hộ đã đến tay người cần một cách trọn vẹn. Nhờ cách làm này mà nhóm thiện nguyện của chị Hạnh không chỉ kết nối được những tấm lòng nhân ái trong nước mà còn kết nối được với những người có tấm lòng nhân ái đang định cư tại nước ngoài.
Được sự hỗ trợ của nhiều tập thể, cá nhân mạnh thường quân, sau 5 năm thành lập, mô hình Mỗi tháng một địa chỉ đã giúp đỡ trên 100 trường hợp ốm đau, tai nạn giao thông, chi phí mai táng...; xây dựng 5 mái ấm tình thương cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng 1 cây cầu dân sinh; tặng 50 chiếc xe lăn cho người khuyết tật; trao hàng chục chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; trao hàng trăm thẻ bảo hiểm y tế cho những gia đình có người thường xuyên đau ốm.
Chị Trương Thị Ngọc Hạnh (thứ 3 từ trái sang) và các thành viên Đội nữ dân phòng chụp hình lưu niệm khi chị đoạt giải nhất cuộc thi kể chuyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Hội LHPN tỉnh tổ chức |
Bên cạnh đó, vào các dịp lễ, Tết, nhóm của chị Hạnh đều vận động quà, bánh kẹo, sữa để tặng trẻ em vùng đồng bào dân tộc, trẻ em nghèo, trẻ em cơ nhỡ và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn... với tổng kinh phí vận động từ 2-3 tỷ đồng/năm.
Mới đây, chị Hạnh đã phối hợp vận động người dân chung tay gói và nấu 1,2 ngàn chiếc bánh chưng, bánh tét; vận động khoảng 1 ngàn phần quà gửi tặng đồng bào miền Trung ruột thịt bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Hay như dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đến nay khiến một bộ phận người dân gặp khó khăn, chị Hạnh đã vận động nhu yếu phẩm hỗ trợ với tổng giá trị ước tính trên 700 triệu đồng.
Không chỉ hỗ trợ về vật chất, thông qua hoạt động của Đội nữ dân phòng vùng đồng bào dân tộc, chị còn giúp nhiều gia đình có cơ hội hàn gắn.
Có thể kể đến là gia đình bà T.T. ở ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú. Chồng bà T. nghiện rượu. Mỗi lần say là mỗi lần bà T. phải gánh chịu những trận đòn roi từ chồng. Thấy hoàn cảnh của bà, Đội nữ dân phòng vùng đồng bào dân tộc trong đó có chị Hạnh đã đến nhà vận động, tuyên truyền giúp chồng bà T. nhận ra hành vi uống rượu, đánh đập vợ con, làm ảnh hưởng đến an ninh trong ấp là hành vi sai trái. Sau nhiều lần thuyết phục, chồng bà T. dần thay đổi. Giờ đây, trong căn nhà nhỏ ấy, người dân xung quanh không còn nghe thấy tiếng chửi bới, cãi vã, khóc than mà thay vào đó là tiếng cười nói vui vẻ. Từ ngày chồng bà T. ít uống rượu, chí thú làm ăn nên kinh tế gia đình bà T. cũng dần được cải thiện.
Bên cạnh can thiệp các vụ bạo lực gia đình, chị Hạnh cùng với các thành viên của Đội nữ dân phòng còn cảm hóa, giáo dục nhiều trường hợp thanh thiếu niên chậm tiến; phát hiện, tố giác tội phạm; đưa đi cấp cứu hoặc bảo vệ tài sản của người bị tai nạn trên quốc lộ 1, đoạn qua xã Xuân Phú... góp phần đem lại bình yên cho nhân dân.
Nga Sơn