Báo Đồng Nai điện tử
En

Đoạn trường vinh hoa - Vượt nỗi đau để tận hiến cho nghệ thuật

10:10, 30/10/2020

Bộ phim tài liệu phi lợi nhuận Đoạn trường vinh hoa (đạo diễn Lê Mỹ Cường) thuộc dự án VTV Đặc biệt (một trong những dự án trọng điểm của Đài Truyền hình Việt Nam) và dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh, được Quỹ FAMLAB (phim, nhạc và lưu trữ) tài trợ, công chiếu tại Hà Nội (ngày 18-10), Cần Thơ (ngày 28-10), TP.HCM (ngày 1 và 2-11) và phát trên VTV1 (dự kiến ngày 11-11), đã và tiếp tục "lấy đi nước mắt của nhiều khán giả xem phim".

Bộ phim tài liệu phi lợi nhuận Đoạn trường vinh hoa (đạo diễn Lê Mỹ Cường) thuộc dự án VTV Đặc biệt (một trong những dự án trọng điểm của Đài Truyền hình Việt Nam) và dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh, được Quỹ FAMLAB (phim, nhạc và lưu trữ) tài trợ, công chiếu tại Hà Nội (ngày 18-10), Cần Thơ (ngày 28-10), TP.HCM (ngày 1 và 2-11) và phát trên VTV1 (dự kiến ngày 11-11), đã và tiếp tục “lấy đi nước mắt của nhiều khán giả xem phim”.

* Đi tìm giấc mơ vinh hoa

“Khi bức màn buông, danh vọng hết

Người về lòng rũ sạch sầu thương,

Người vào cởi áo lau son phấn,

Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”

Những dòng ngâm cảm động xuất hiện. Những lời nói từ nhân vật vang lên đầy cảm xúc: “Các bà ngày xưa kể lại, ông Tổ thiêng liêng lắm, cũng vì mê hát mà đi theo và chết ở trong gánh hát đó con” (Cô Ba).

Suốt bộ phim tài liệu thuộc phong cách điện ảnh trực tiếp Đoạn trường vinh hoa, khán giả theo chân một đoàn hát tuồng cổ của nữ nghệ sĩ Phương Ánh rong ruổi rày đây mai đó biểu diễn ở khắp các miếu cổ, đình làng, khu đất trống… tại các tỉnh miền Tây Nam bộ. Gánh hát của chị Phương Ánh là một trong những gánh hát hiếm hoi còn sót lại ở thời nay.

“Đoạn trường vinh hoa không chỉ là một câu chuyện phim về văn hóa, nó còn là câu chuyện về đam mê, về tình yêu, về cách mà con người ta sống, đối mặt với những biến cố và đi trọn vẹn với hành trình đam mê ấy (dù trong mắt người khác nó có thể là “mù quáng”). Với giai tầng ý nghĩa này thì tôi hy vọng các khán giả của mình sẽ còn rộng rãi hơn, bộ phim về đề tài văn hóa truyền thống này chạm được đến cảm xúc của nhiều người hơn. Và tôi cũng tin khán giả có thể đâu đó thấy mình trong hành trình đam mê ấy” - đạo diễn Lê Mỹ Cường cho biết.

Đoạn trường vinh hoa khai thác tối đa sự tương phản, trái ngược từ cuộc sống đời thường và hoạt động nghệ thuật của những nghệ sĩ chân chất. Trên sân khấu rực rỡ ánh đèn màu, họ hóa thân thành những ông hoàng, bà chúa, “nhập hồn” vai diễn oai phong lẫm liệt. Bước ra sau cánh gà, họ quay lại với cuộc đời mưu sinh, ăn nhanh ngủ vội nhiều gian khó, chấp nhận đánh đổi sự lam lũ, chật vật, đau ốm thường ngày để theo đuổi đam mê với nghề, tận hiến cho nghệ thuật. Tài sản quý giá nhất của họ - vừa mang tính hình tượng vừa là thực tế - chính là những tấm màn nhung che rèm sân khấu. Có thể đối với người khác những tấm màn này là một vật dụng trang trí “mua lúc nào chẳng được”, nhưng với những nghệ sĩ xuất thân từ nông dân trong đoàn hát tuồng cổ thì đây là cả gia tài được nâng niu, gìn giữ “có thể đến hàng chục năm”.

Bộ phim mang nhiều màu sắc, tiếng cười, sự phóng khoáng, hào sảng đậm chất Nam bộ, nhưng lại khiến nước mắt của người xem có thể tuôn rơi vì sự cảm động tự nhiên dành cho những khoảnh khắc buồn vui, “trần trụi” song rất đáng kính trọng của các nghệ sĩ chân chính trong gánh hát tuồng cổ lênh đênh nơi miền Tây sông nước.

* 18 tháng quay, 100 giờ ghi hình, 50 phút phim

Trả lời phỏng vấn của Đồng Nai cuối tuần, đạo diễn Lê Mỹ Cường (sinh năm 1989, tốt nghiệp Trường đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội và Trường đại học Ngoại thương Hà Nội, hiện là nhà làm phim tài liệu tự do kiêm biên tập viên truyền hình) cho biết ý tưởng thực hiện dự án phim tài liệu Đoạn trường vinh hoa có từ khi anh biết tới câu chuyện của những người nghệ sĩ cải lương tuồng cổ qua những bức ảnh và “bắt đầu tò mò với một nét văn hóa mới lạ”. Đạo diễn Lê Mỹ Cường nói: “Sự tò mò đó là chất xúc tác đầu tiên khiến tôi quyết định tiếp xúc, tìm hiểu kỹ hơn hình thức diễn xướng này. Tôi muốn tìm hiểu họ thực sự là ai? Nét văn hóa bản địa này có gì đặc biệt?”.

“Tính từ lần đầu tiên tôi đi khảo sát là vào tháng 3-2019 và cho đến lần quay cuối cùng là tháng 6-2020. Giai đoạn nước rút của bộ phim, nhóm dự án vẫn quay bổ sung song song với quá trình xử lý hậu kỳ bộ phim cho đến khi kết thúc quá trình này là vào đầu tháng 10 vừa rồi. Như vậy là chúng tôi có khoảng 18 tháng từ khi ấp ủ đến lúc bộ phim dài 50 phút ra mắt công chúng. Đó có thể không phải là một khoảng thời gian dài với một dự án phim tài liệu nói chung và đặc biệt là với thể loại điện ảnh trực tiếp mà nhóm dự án hướng tới. Tuy nhiên nó không phải một dự án độc lập để có thể ấp ủ trong bao lâu mình muốn mà nó nằm trong khuôn khổ của những dự án nhất định. Thế nên thời gian cũng là một áp lực rất lớn với tôi trong quá trình thực hiện dự án này” - đạo diễn Lê Mỹ Cường nhớ lại.

* Việc quay phim diễn ra hoàn toàn tự nhiên hay ngoài việc quay hình tự nhiên thì cũng có sắp đặt với các nhân vật chính (trong đoàn hát)?

- Như chia sẻ bên trên, có những nhân vật như chị Hai (nghệ sĩ Phương Anh) chúng tôi đã phải mất tới gần 4 tháng để thuyết phục mọi người hiểu mục đích của chúng tôi khi đến đoàn. Chúng tôi muốn trở thành một phần cuộc sống của họ, chúng tôi đang cố gắng kể câu chuyện của người chúng tôi gặp chứ không muốn đến và đánh cắp câu chuyện của họ trong dăm ba câu hỏi, cảnh quay chóng vánh.

Một cách lặng lẽ, chúng tôi ngầm thông báo với nhân vật của mình về cách thức mà chúng tôi tác nghiệp, cách mà chúng tôi sống trải nghiệm đời sống cùng họ. Như vậy thì hà cớ gì chúng tôi “sắp đặt” một cảnh nào đó để vô hình trung sẽ phá vỡ hoàn toàn những điều mà chúng tôi xây đắp trước đó, phá bỏ “thỏa thuận ngầm” về cách mà chúng tôi (đoàn làm phim) và các nhân vật của mình (đoàn hát) sẽ “phối hợp” cùng nhau để kể câu chuyện này.

* Điều đọng lại ấn tượng nhất đối với đạo diễn sau khi phim hoàn thành và công chiếu là gì? Phải chăng là sự ray rứt với câu hỏi: “Tương lai nào cho gánh hát nhỏ của những con người miền Tây chất phác?”

- Có lẽ một trong những điều ấn tượng nhất với chúng tôi là sự yêu mến của mọi người dành cho bộ phim thể hiện ít nhiều thông qua sự trăn trở, day dứt của họ về số phận của nhân vật, hành trình của gánh hát như chính những day dứt mà đoàn làm phim khắc khoải từ trong hành trình thực hiện bộ phim. Có vẻ như chúng tôi đã có cùng điểm chạm.

“Tương lai nào cho gánh hát nhỏ của những con người miền Tây chất phác?” - câu hỏi này lóe lên khi một lúc nào đó tôi nhìn thấy sự mai một của một màu sắc văn hóa bản địa đẹp đẽ. Bởi tôi thấy đâu đó sự “tuyệt vọng” thông qua những biến cố xảy đến với những người đang ôm một ngọn lửa nóng của đam mê dành cho môn nghệ thuật này và cách mà họ chật vật đối phó với những biến cố đó. Họ tựa như “những con thiêu thân” đáng trọng nguyện lao vào ánh sáng một lần rồi tan biến mà chẳng băn khoăn, mảy may sẽ ra sao ngày mai.

Trung Nghĩa

Tin xem nhiều