Vài năm trở lại đây, nghề nuôi chim yến phát triển khá sôi động trên địa bàn tỉnh. Bất cập không nhỏ hiện nay là nghề nuôi yến phát triển quá nhanh nhưng chính sách quản lý chưa theo kịp.
Vài năm trở lại đây, nghề nuôi chim yến phát triển khá sôi động trên địa bàn tỉnh. Bất cập không nhỏ hiện nay là nghề nuôi yến phát triển quá nhanh nhưng chính sách quản lý chưa theo kịp.
Nhà nuôi yến được người dân đầu tư tại xã Phú Ngọc (H.Định Quán). Ảnh: L.Quyên |
[links()]Việc đầu tư tràn lan không theo quy hoạch của nghề nuôi chim trời này cũng bắt đầu bộc lộ những mặt trái. Để quản lý và phát triển nghề nuôi chim yến một cách bền vững, Đồng Nai đã xây dựng nghị quyết quy định khu vực không được phép nuôi chim yến và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.
Quản lý chưa theo kịp
Nghề nuôi chim yến không phải ai làm cũng trúng. Và khi nhà nhà đua nhau đầu tư, càng nhiều nhà yến được xây lên thì lượng chim yến càng ít đi cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà yến xây lên nhiều năm vẫn chưa có nguồn thu vì không có yến về làm tổ. Mặt khác, cái khó nhất với những người mới bước vào nghề nuôi chim yến là phải tự mày mò tìm hiểu kinh nghiệm vì chưa có nơi nào đào tạo nghề này một cách bài bản. Hoạt động nuôi yến phát triển một cách tự phát, đầu tư vẫn theo hướng may rủi chứ chưa hình thành về tiêu chuẩn, kỹ thuật chăn nuôi.
Hiện nay, chưa có quy định nào về việc cấp phép xây dựng nhà nuôi chim yến và cũng chưa có hộ dân nào xin giấy phép xây nhà yến. Người dân đầu tư nhà yến cũng chỉ xin giấy phép xây dựng nhà ở rồi chuyển sang nuôi yến. Nuôi yến trong nhà ở, nhà yến làm gần khu dân cư, trường học... với việc sử dụng âm thanh dẫn dụ chim yến suốt ngày đêm gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng. Các cơ sở nuôi yến phát ra tiếng ồn, là nguyên nhân gây tranh chấp giữa cơ sở nuôi yến với người dân khu vực xung quanh cũng là điểm vướng mắc lớn nhất trong việc đầu tư nuôi chim yến trong khu dân cư hiện nay.
Bà Lương Thị Lan, Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom cho biết, phong trào nuôi yến phát triển nhanh trong khi quản lý nhà nước chưa theo kịp nên nhiều cơ sở nuôi yến có nhu cầu xin cấp giấy phép hoạt động nhưng chưa có cơ quan chức năng nào có thẩm quyền cấp. Địa phương cũng gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong công tác quản lý và phát triển nghề này.
Giải pháp phát triển
Trước đây, nghề nuôi chim yến phát triển theo quy định tạm thời của Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22-7-2013 của Bộ NN-PTNT quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Trong thông tư này có quy định rõ các nội dung như: vị trí xây dựng cơ sở nuôi chim yến; thời gian và âm lượng khi sử dụng âm thanh dẫn dụ chim yến; vệ sinh thú y và phòng, chống dịch bệnh…
Hiện Luật Chăn nuôi năm 2018 đã có hiệu lực, trong đó, có điều luật, quy định riêng về nuôi chim yến với các quy định như: không được nuôi chim yến trong vùng dân cư; UBND tỉnh phải quy định vùng chăn nuôi yến…
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao cho Sở NN-PTNT xây dựng nghị quyết quy định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép nuôi yến và vùng nuôi yến trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu nhằm giúp người dân yên tâm đầu tư cơ sở nuôi yến và đảm bảo công tác quản lý nhà nước về an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường…
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cho biết, hiện nội dung của nghị quyết quy định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép nuôi yến và vùng nuôi yến trên địa bàn tỉnh đang chờ cấp tỉnh ban hành. Riêng về lĩnh vực chăn nuôi và dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai vẫn thường xuyên kiểm tra về vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh của các cơ sở nuôi yến.
Theo những người nuôi yến có kinh nghiệm lâu năm, chỉ tính riêng ở Đồng Nai có cả trăm cơ sở nuôi yến mới xây hoặc lâu năm nhưng vẫn chưa khai thác được vì yến không về hoặc về quá ít. Hiện nhiều vùng nhà yến mọc lên san sát càng tăng thêm rủi ro đầu tư không hiệu quả. Chính vì vậy, khi quyết định đầu tư nuôi yến, người nuôi phải khảo sát kỹ để chọn được nơi làm nhà yến phù hợp chứ không phải ở đâu cũng có thể đầu tư. |
Lê Quyên