Làm việc tại TP.HCM nhưng bởi niềm đam mê làm vườn mà chị Hà Thị Như Bình (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) quyết định vay mượn tiền về H.Xuân Lộc mua đất rẫy để trồng các loại cây ăn trái như: bưởi, quýt, bơ, sầu riêng, chôm chôm…
Làm việc tại TP.HCM nhưng bởi niềm đam mê làm vườn mà chị Hà Thị Như Bình (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) quyết định vay mượn tiền về H.Xuân Lộc mua đất rẫy để trồng các loại cây ăn trái như: bưởi, quýt, bơ, sầu riêng, chôm chôm…
Chị Hà Thị Như Bình hái các loại cỏ dại trong vườn để làm các sản phẩm chăm sóc da handmade. Ảnh: N.Sơn |
Từ các loại trái cây, một số loại cây dược liệu (sả, gừng, hương nhu, bạc hà…) đã tạo cảm hứng để chị viết nên giấc mơ của riêng mình với các sản phẩm chăm sóc da handmade được làm từ các nguyên liệu hoa, lá, cây, cỏ có sẵn trong vườn nhà.
* Từ niềm đam mê làm vườn…
Khu vườn rộng khoảng 2ha của vợ chồng chị Bình nằm sâu trong ấp 7, xã Xuân Bắc (H.Xuân Lộc) với đủ các loại cây trái đang đơm hoa, kết trái. Dẫn chúng tôi dạo quanh khu vườn, chị Bình chia sẻ, vợ chồng chị từng là bạn học chung lớp, chung ngành Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên Trường đại học Nông lâm TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, chị Bình không có cơ hội làm đúng ngành nghề đã học mà làm việc tại doanh nghiệp chuyên về xây dựng. Không được làm công việc mà mình đam mê, bản thân chị luôn cảm thấy tiếc nuối và ôm trong lòng khát khao cháy bỏng là sở hữu một mảnh vườn để trồng những loại cây mà mình yêu thích.
Cách đây 5 năm, nhờ người quen giới thiệu có người bạn muốn bán khoảng 7 sào đất rẫy đang trồng cây ăn trái ở ấp 7, xã Xuân Bắc (H.Xuân Lộc), khát khao làm chủ mảnh vườn lại trỗi dậy trong chị. Chị Bình kể, lúc ấy trong tay hai vợ chồng chị chỉ có vài trăm triệu đồng nhưng vì quyết tâm mua được mảnh vườn mà anh chị phải vay mượn thêm người thân, bạn bè. Vừa trả xong nợ thì chủ vườn ấy lại muốn bán thêm 13 sào đất rẫy ngay cạnh 7 sào đất của vợ chồng chị. Biết vợ chồng chị muốn mua nhưng không có đủ tiền trả nên chủ đất đã cho anh chị trả góp trong thời gian 4 năm.
Với dự án sản phẩm chăm sóc da thiên nhiên từ cỏ cây, tại cuộc thi dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2020 do Trung ương Đoàn TNCSHCM và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp tổ chức, dự án của chị Bình là một trong 112 dự án đại diện cho 48 tỉnh, thành phố lọt vào vòng thi bán kết diễn ra tại TP.HCM vào đầu tháng 10 tới. |
Khát khao được làm chủ một mảnh vườn của chị đã trở thành hiện thực. Từ ngày có được mảnh vườn, vợ chồng chị thuê một người giữ vườn. Hằng tuần, vào những ngày nghỉ cuối tuần, vợ chồng chị lại đưa con về vườn. Chị Bình bộc bạch, sau một tuần bon chen nơi phố thị, được trở về vườn, được hít hà mùi hoa trái, cây cỏ, được ăn trái cây, rau sạch... do chính tay mình vun trồng trong không gian chỉ có tiếng chim chóc, côn trùng, lòng chị trở nên bình yên, mọi mệt mỏi đều tan biến hết.
Từ khi tiếp quản khu vườn, cây trái trong vườn đều được chị chăm sóc theo hướng an toàn - không sử dụng thuốc, bón phân hóa học mà thay vào đó là ủ phân hữu cơ để bón cho cây. Vì vậy, trong quá trình thăm vườn nếu thấy trái chín thì có thể hái ăn ngay mà không cần rửa.
Không chỉ mê mẩn với các loại cây ăn trái, đến khu vườn của chị còn được hít hà mùi thơm của một số loại cây dược liệu cũng như một số loài cỏ dại có mùi thơm. Chị Bình bộc bạch, chị không chỉ đam mê với cây trái mà còn có hứng thú cả với những loại cây dược liệu, các loại cỏ dại có mùi thơm. Bởi hứng thú với mùi hương cây cỏ mà chị vẫn thường dùng nó để phục vụ nhu cầu sử dụng của cả gia đình như: nấu nước tắm, gội đầu… thay thế cho các sản phẩm hóa mỹ phẩm hiện hành.
* Viết nên giấc mơ của riêng mình
Chị Bình kể, vợ chồng chị không sống cùng cha mẹ mà thuê một căn nhà nhỏ tại TP.Biên Hòa cạnh sông Đồng Nai để ở. Căn nhà chị thuê lọt thỏm trong một khu vườn lớn có con kênh dẫn nước trực tiếp từ sông Đồng Nai bao quanh nhà. Hai bên bờ kênh có trồng xoài, dừa, khế, mận soi bóng dưới dòng kênh rất thơ mộng. Điểm hạn chế của ngôi nhà chính là không có hệ thống xử lý nước thải mà thải trực tiếp ra kênh chảy ra sông.
Chị Hà Thị Như Bình đang thử nghiệm để tạo ra các sản phẩm chăm sóc da handmade |
Bản thân chị đam mê làm vườn, thích cuộc sống xanh, không muốn sử dụng các loại chất tẩy rửa làm ô nhiễm dòng kênh nên đã tìm hiểu cách làm các loại chất tẩy rửa sinh học, an toàn. Chẳng hạn như chị làm nước rửa chén từ nước bồ hòn vừa sạch lại không hại da tay; giặt đồ bằng nước bồ hòn pha baking soda (thuốc muối); gội đầu bằng nước bồ kết nấu với lá hương nhu, bạc hà, vỏ bưởi; rửa mặt và tắm bằng xà phòng tự nấu có nguồn gốc từ các loại nước trái cây, hoa cỏ. Bên cạnh đó, chị còn nghiên cứu và tự làm các loại sáp bôi trị côn trùng…
Theo thời gian, niềm vui từ những sản phẩm an toàn do chính mình làm ra vừa an toàn cho sức khỏe, vừa thân thiện với môi trường đã giúp chị có ý tưởng sử dụng nguyên liệu sạch từ vườn để mày mò thử nghiệm và tạo ra sản phẩm chăm sóc da hằng ngày bao gồm các sản phẩm tẩy tế bào chết, sản phẩm làm sạch, sản phẩm dưỡng ẩm.
Chị Bình bộc bạch, nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm mới thấy khó khăn. Cũng may nhờ thông thạo tiếng Anh nên chị đã đăng ký học một khóa học trực tuyến bằng tiếng Anh về điều chế các sản phẩm chăm sóc da từ thiên nhiên. Bên cạnh đó, chị còn đọc sách, nghiên cứu trên internet về các sản phẩm chăm sóc da từ thiên nhiên trên thế giới để có được những thành phần cơ bản… để từ đó mày mò, nghiên cứu và tự tạo ra công thức của riêng mình.
“Mỗi lần nghiên cứu, mỗi lần đọc tài liệu, mỗi lần thử nghiệm là quá trình tôi phải tập trung cao độ. Chồng tôi hiểu và ủng hộ ý tưởng của tôi nên mọi việc trong nhà đến chăm sóc con anh đều đảm nhận để tôi có thể chuyên tâm thực hiện ý tưởng của mình” - chị Bình bộc bạch. Các sản phẩm sau khi thành hình đều được chị gửi cho người bạn đang làm chuyên môn về hóa phân tích tại TP.HCM kiểm tra về độ an toàn của sản phẩm trước khi sử dụng.
Hiện tại, chị đã tạo ra sản phẩm nước rửa mặt, dầu gội đầu, kem dưỡng ẩm, sáp bôi trị côn trùng cắn dành cho em bé và bắt đầu cung cấp cho Công ty TNHH dược Tâm An phân phối. Điểm đặc biệt, các sản phẩm này được làm từ các loại nước ép trái cây, chiết xuất các loại cây dược liệu, cây cỏ bản địa được trồng tại vườn và các nguyên liệu cho phép sử dụng nên đảm bảo độ an toàn cho da. Bên cạnh đó, các sản phẩm hạn chế sử dụng chai nhựa mà thay vào đó là các loại chai thủy tinh (đối với các loại nước rửa mặt, kem dưỡng dạng lỏng), gói trong giấy (đối với các loại sản phẩm dạng đặc) hoặc bỏ trong hộp thiếc (đối với sáp bôi trị côn trùng cắn dành cho trẻ em).
Chị Bình cho hay, trong tương lai, ngoài mong muốn phát triển thêm các loại sản phẩm vệ sinh, chăm sóc da dành cho các đối tượng, chị ấp ủ dự định sẽ thực hiện các workshop (trao đổi kiến thức) và du lịch trải nghiệm. Theo đó, du khách đến với vườn của chị ngoài tham quan vườn và xưởng sản xuất sẽ được hướng dẫn tự làm các sản phẩm chăm sóc da từ các nguyên liệu tự nhiên trong căn bếp dành riêng cho khách. Chị còn có ước mơ, ngoài cung cấp các sản phẩm cho người tiêu dùng sử dụng tại nhà, chị sẽ mở chuỗi gội đầu, massage mặt nhanh dành cho phụ nữ bận rộn đặt tại khu vực tập trung đông lao động khối văn phòng.
Nga Sơn