Báo Đồng Nai điện tử
En

Độc đáo sản phẩm thảo mộc từ Nhà của Lá

11:09, 18/09/2020

Tuy ở TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) nhưng Vườn thảo mộc Nhà của Lá (Lá Farm) khuất sâu sau những lô cao su bạt ngàn nên rất yên tĩnh. Khu vườn này được chị Bùi Thị Thủy (32 tuổi) tự trồng các loại dược liệu, hoa cỏ sạch để có nguyên liệu chế biến các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.

Tuy ở TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) nhưng Vườn thảo mộc Nhà của Lá (Lá Farm) khuất sâu sau những lô cao su bạt ngàn nên rất yên tĩnh. Khu vườn này được chị Bùi Thị Thủy (32 tuổi) tự trồng các loại dược liệu, hoa cỏ sạch để có nguyên liệu chế biến các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.

Chị Bùi Thị Thủy thu hoạch hoa đậu biếc tại Nhà của Lá. Ảnh: B.Nguyên
Chị Bùi Thị Thủy thu hoạch hoa đậu biếc tại Nhà của Lá. Ảnh: B.Nguyên

Cô gái trẻ Bùi Thị Thủy chọn tên Nhà của Lá cho khu vườn thảo mộc của mình vì: “Trong một khu vườn, chiếc lá là hình ảnh đầu tiên của sự sống, trái đất cũng cần có lá, có cây để tồn tại. Đây cũng là sự khởi đầu và là điều cốt lõi của công việc tôi đang làm”.

* Gìn giữ bản sắc quê hương

Hiện Lá Farm có hàng chục sản phẩm handmade cho khách lựa chọn từ trà hoa đậu biếc, trà bạc hà mật ong đến các sản phẩm handmade túi lọc gội đầu, xà phòng làm bằng than tre, xà phòng lá tía tô, muối thảo mộc ngâm chân, nến thơm… Danh sách các sản phẩm thuần tự nhiên trên vẫn tiếp tục được nối dài từ bàn tay sáng tạo của chị Thủy.

Trên trang Facebook bán hàng Lá Farm, không ít người ấn tượng khi nghe nhiều câu chuyện kể thú vị từ chị Thủy. Cách giới thiệu các sản phẩm của cô chủ Nhà của Lá rất gần gũi, dễ thương. Chị chia sẻ kỷ niệm một thời bà ngoại của chị ra vườn nhà hái cỏ mần trầu, hương nhu, lá bưởi, sả...để nấu nước bồ kết gội đầu cho mẹ chị. Mùi thơm của hương nhu, bồ kết vương trên tóc và còn da diết mãi trong chị khi nhớ về người bà chăm chút mái tóc dài cho con gái.

“Bây giờ, cuộc sống hiện đại, chẳng còn ai nghĩ tới việc nấu bồ kết gội đầu. Lá Farm mong muốn được gìn giữ bản sắc quê hương; mong sao mẹ có thể sử dụng bồ kết như ngày nào, mong sao cái tinh túy xưa kia vẫn còn lưu truyền mãi...” - chị Thủy bộc bạch.

Những chia sẻ về cuộc sống hằng ngày ở Nhà của Lá luôn được thủ thỉ một cách dễ thương như: “Hôm nay, Lá Farm thu hoạch hoa hồng để làm nguyên liệu cho những mẻ xà bông xịn sò tiếp theo. Đồng hành cùng Lá Farm là những bạn “nông dân tí hon” đáng yêu. Nay các bạn ấy đã lớn, đã biết yêu hoa, yêu cây cỏ cũng như hiểu được công việc của mẹ các bạn ấy đang làm. Hạnh phúc khi trên con đường làm nông nghiệp sạch của mẹ luôn có bóng dáng của các con đi cùng”.

Với cô chủ Nhà của Lá, mỗi một sản phẩm thủ công đều được chăm chút tỉ mỉ từ khâu thu hoạch đến phơi nguyên liệu và chế biến. Như câu chuyện về sản phẩm handmade túi lọc gội đầu, chị Thủy mất hơn một năm vừa làm, vừa nghiên cứu để cho ra sản phẩm tốt hơn, tiện lợi hơn cho khách mua sử dụng.

* Thay đổi khi làm mẹ

Do gia đình làm nông nên chị Thủy rất thích làm vườn. Cái duyên để cô gái trẻ ấy quyết định trồng và làm các sản phẩm handmade từ dược liệu bắt đầu từ khi cô làm mẹ. Chị Thủy kể lại: “Người con thứ hai của chị rất hay bị bệnh, chủ yếu các bệnh về hô hấp. Sau nhiều tháng ngày đưa con đi bệnh viện, chứng kiến nhiều đứa trẻ bị mắc bệnh hiểm nghèo, tôi tự hỏi vì sao trẻ em lại bị nhiều bệnh nan y như vậy”.

Chị Bùi Thị Thủy, chủ khu vườn thảo mộc Nhà của Lá (TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) giới thiệu gian trưng bày các sản phẩm thủ công từ thảo mộc của vườn nhà
Chị Bùi Thị Thủy, chủ khu vườn thảo mộc Nhà của Lá (TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) giới thiệu gian trưng bày các sản phẩm thủ công từ thảo mộc của vườn nhà

Đây cũng là căn nguyên thôi thúc bà mẹ trẻ bỏ cách làm nông cũ lạm dụng quá nhiều thuốc kháng sinh, chất hóa học trong chăn nuôi, trồng trọt để bắt đầu hành trình học làm nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Từ đó, chị Thủy bắt tay vào cải tạo chính khu vườn của gia đình với việc trồng cây ăn trái để cho con và người trong gia đình có trái sạch để ăn. Dưới tán cây ăn trái, chị Thủy trồng các loại thảo dược như: sả, hương nhu, bạc hà, hoa đậu biếc, hoa hồng… để làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm thủ công.

Những bước khởi đầu không hề dễ dàng với bà mẹ trẻ đang phải chăm con nhỏ ấy. Đất vườn của gia đình chị Thủy trước đây chủ yếu trồng tràm nên rất cằn cỗi, cây trồng xuống có khi không lên nổi, cây mọc được thì vàng vọt, thiếu sức sống. Gần 2 năm trời, chị Thủy tự mày mò, bỏ công cải tạo đất, thử nghiệm trồng cây, làm sản phẩm thủ công. Có giai đoạn chị như rơi vào bế tắc vì mọi thứ đều phải tự mày mò, thử nghiệm mà không tìm được người thầy nào hướng dẫn trong công việc.

Sau đó, chị Thủy tích cực tham gia các lớp tập huấn làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tại địa phương. Chị trở thành thành viên của cộng đồng làm nông nghiệp sạch, làm nông nghiệp tử tế và được học những bài học bổ ích về sự tôn trọng, yêu thương, bảo vệ đất đai, bảo vệ tự nhiên. 

“Vườn của Lá nay đã có nhiều cây trái hơn, hoa cũng nở nhiều hơn trước, cây lớn, cây bé, rau, cỏ cùng phát triển. Dưới mặt đất không biết bao loài côn trùng đang sinh sống. Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ về cách chăm vườn với mọi người để cùng nhau vẽ thêm màu xanh cho cộng đồng” - cô chủ Nhà của Lá chia sẻ.

Hành trình làm các sản phẩm thủ công từ thảo dược của bà mẹ trẻ ấy cũng không hề đơn giản. Thời gian đầu, Thủy đi học những khóa ngắn hạn về làm sản phẩm thủ công ở TP.HCM. Học rồi về thử nghiệm trong thực tế vẫn chưa đạt, Thủy lại lặn lội sang Thái Lan học lớp chuyên sâu hơn về cách làm sản phẩm thủ công. “Để làm được 1 bánh xà phòng đủ chuẩn khách mua về dùng thử và tiếp tục ủng hộ với mình là câu chuyện rất dài” - chị Thủy nói.

Thị trường cho sản phẩm thủ công rất kén khách hàng. Ngoài bán hàng trên mạng, sản phẩm ở Nhà của Lá còn được đưa về các phiên chợ cuối tuần ở TP.HCM. Chị Thủy còn mở các lớp dạy làm sản phẩm thủ công theo mô hình workshop ở TP.HCM và thu hút được nhiều thành viên đăng ký tham gia. Hiện mô hình workshop này được chị tổ chức ngay tại Nhà của Lá. Chị cũng đã xây dựng được nhà xưởng chế biến, nhà trưng bày vừa là nơi tổ chức các lớp học làm sản phẩm thủ công. Mong muốn của cô chủ Nhà của Lá là tạo ra nhiều sản phẩm tốt cho cộng đồng, góp phần đưa thảo mộc Việt được nhiều người sử dụng hơn.

Theo chị Bùi Thị Thủy, chủ khu vườn thảo mộc Nhà của Lá cho biết, chị làm các sản phẩm handmade xuất phát từ nhu cầu của chính bản thân và gia đình, sau đó đến mong muốn tạo ra sản phẩm tốt nhất cho cộng đồng. Nhà của Lá coi trọng việc xây dựng cho mình “nhân hiệu” bằng sự tử tế, sự minh bạch về chất lượng sản phẩm với mong muốn tạo ra được những sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất cho khách hàng.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều