Báo Đồng Nai điện tử
En

Sinh ly tử biệt nơi viện dưỡng lão thời Covid-19

05:07, 10/07/2020

Ở châu Âu, đại dịch Covid-19 thật sự là "hung thần" khủng khiếp đối với nhiều người cao tuổi trú ngụ trong các viện dưỡng lão. Rất nhiều cụ đang dưỡng già đã qua đời vì sức tàn phá của con virus quái ác kia.

Ở châu Âu, đại dịch Covid-19 thật sự là “hung thần” khủng khiếp đối với nhiều người cao tuổi trú ngụ trong các viện dưỡng lão. Rất nhiều cụ đang dưỡng già đã qua đời vì sức tàn phá của con virus quái ác kia.

Đều làm việc trong lĩnh vực y tế, vợ chồng anh chị Patrick Thuận Võ - Phương Hạnh quốc tịch Hà Lan gốc Việt hiện sống ở TP.Den Haag (Hà Lan) chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần về cuộc sống và công việc của họ trong thời Covid-19 “tấn công” các viện dưỡng lão. Xứ sở của hoa tulip từng trải qua sự kiện chấn động tại một viện dưỡng lão ở Rotterdam khi một nửa số người cao tuổi ở khu chăm sóc dành cho người mất, giảm trí nhớ lần lượt qua đời với nguyên nhân nghi nhiễm Covid-19 (vì họ thậm chí còn chưa được xét nghiệm khi còn sống).

Điều dưỡng viên Phương Hạnh thăm hỏi các cụ bà tại viện dưỡng lão ở Hà Lan. Ảnh: NVCC
Điều dưỡng viên Phương Hạnh thăm hỏi các cụ bà tại viện dưỡng lão ở Hà Lan. Ảnh: NVCC

Anh chị Patrick Thuận Võ - Phương Hạnh cho biết, cả hai vợ chồng đều làm việc thuộc ngành nghề thiết yếu (vitaal beroep) nên vẫn đi làm bình thường trong mùa dịch Covid-19. Anh Patrick Thuận Võ là dược sĩ làm việc trong nhà thuốc còn chị Hạnh là điều dưỡng viên tại viện dưỡng lão ở Den Haag. “Đặc thù công việc ngành Y là làm việc theo ca, giờ giấc không ổn định. Rất may, nhà nước Hà Lan tạo mọi điều kiện tối đa về việc trông con trẻ ở nhà để chúng tôi có thể yên tâm làm việc. Trường học và nơi giữ trẻ ngoài giờ học vẫn mở cửa dành riêng ưu tiên cho con em những người làm ngành nghề thiết yếu. Chi phí được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn trong thời gian này” - anh chị Patrick Thuận Võ - Phương Hạnh thông tin.

* Những câu hỏi nhói lòng

Chị Phương Hạnh cho biết: “Có quá nhiều cảm xúc trong những ngày Covid-19 này khi tôi chứng kiến những gì xảy ra ở viện dưỡng lão mà mình làm việc. Khi lệnh đóng cửa viện dưỡng lão được thực thi để phòng, chống Covid-19, con cái không được vào thăm viếng cha mẹ. Tất cả nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe các cụ tối đa. Đa số các cụ ở đây đều trên 90 tuổi, hầu hết lãng trí và mang sẵn nhiều bệnh nền trong người. Chẳng may nếu các cụ bị nhiễm virus SARS -CoV-2 thì rất khó lòng qua khỏi. Vì vậy, biện pháp cách ly hoàn toàn không cho các cụ tiếp xúc với người thân là điều tiên quyết.

“Chúng tôi còn may mắn hơn biết bao người ngoài kia đang lao đao, hay thiệt mạng vì virus. Chúng ta phải tiến lên, nương theo guồng quay cuộc sống và luôn hy vọng, chờ đợi cho ngày mai sáng hơn” - anh chị Patrick Thuận Võ và Phương Hạnh tâm tình (từ TP.Den Haag, Hà Lan).

Biết làm vậy là tốt cho sức khỏe các cụ nhưng khi chứng kiến ánh mắt khắc khoải của mẹ chờ con, vợ chờ chồng… cả trong nước mắt lẫn tiếng nấc nghẹn mỗi buổi chiều tà thì những nhân viên làm việc bên trong viện dưỡng lão cũng không khỏi chua xót. Chúng tôi có giải thích thế nào thì các cụ vẫn không hiểu vì sao lâu rồi không thấy con mình đến thăm. Hoặc tại sao họ chỉ được nhìn con cháu qua cửa sổ. Và rằng “ngoài kia có gì mà nguy hiểm vậy?”, rằng “vì sao không thể ra ngoài đi dạo tự do, hít thở khí trời như trước kia?”.

Có cụ cứ khoảng 16 giờ chiều hằng ngày lại nhất quyết đòi… “mở cửa viện cho tôi về nhà, vì con tôi tan học rồi, nó đói lắm, tôi phải về nhà nấu ăn cho các con tôi. Chúng đang chờ tôi cô biết không?”. Những lúc như vậy, các nhân viên săn sóc như chúng tôi chỉ biết vỗ về, an ủi cụ, rồi gọi điện thoại cho người con để cụ được trò chuyện cho nguôi ngoai nỗi nhớ”.

* Lằn ranh sinh tử

“Có một cụ ông trên 70 tuổi, có người vợ bị Alzheimer (hội chứng suy giảm trí nhớ) là bệnh nhân nằm tại viện dưỡng lão. Trước thời Covid-19, ông vẫn hằng ngày đến thăm cụ bà rồi dẫn bà cùng đi dạo, chăm sóc giúp bà ăn uống. Bây giờ buộc phải tạm xa nhau, cụ ông chầm chậm tâm sự với chúng tôi rằng: “Tôi không biết tình hình này sẽ kéo dài bao lâu. Tôi chỉ sợ đến ngày hết dịch bệnh, khi tôi quay lại và được nắm tay bà ấy thì bà ấy chẳng còn nhận ra tôi nữa…”. Nghe vậy, tim tôi như se thắt lại vì cảm động trước tình nghĩa vợ chồng của hai ông bà cụ” - chị Phương Hạnh kể.

Thế nhưng, điều đau lòng nhất trong mùa dịch ở viện dưỡng lão chính là khi một ai đó qua đời, con cái không thể tiễn đưa cha mẹ mình theo cách bình thường nhất. Đó là trường hợp của “Opa Piet”, cụ ông 94 tuổi, sống ở viện dưỡng lão đã gần 5 năm qua. Hiền lành, ít nói, suốt ngày chỉ ngồi cười, ai cũng thương quý cụ. Trong giờ phút lâm chung của “Opa Piet”, con cái cụ chỉ biết bất lực ngoài cửa sổ đứng nhìn đấng sinh thành của mình ra đi trong vòng tay của các nhân viên y tế. Chị Phương Hạnh tâm sự: “Tôi làm nghề đã hơn 3 năm, đối diện với cái chết của những người cao niên không biết bao lần, nhưng ánh mắt chứa chan nhìn con cháu từ xa của cụ “Opa Piet” cứ mãi ám ảnh. Tất cả chỉ vì... Covid 19!”.

* Cuộc đời vẫn đẹp sao

Bên cạnh việc chứng kiến những chuyện buồn trĩu nặng lòng liên quan đến Covid-19 nơi xứ người thì vợ chồng anh chị Patrick Thuận Võ - Phương Hạnh cũng có những niềm vui an ủi. “Đó là chứng kiến tình người đẹp biết bao trong mùa dịch. Những người làm ngành y được người dân Hà Lan ca ngợi là những người anh hùng (“helden van de zorg”). Thời dịch bệnh bùng phát, cả nước Hà Lan từng hẹn giờ đồng loạt dành một phút vỗ tay để tri ân, cổ vũ và động viên các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, người chăm sóc bệnh nhân, thầy thuốc… - những người nơi tuyến đầu đang hằng ngày chiến đấu với dịch bệnh nguy hiểm cũng như xả thân cứu chữa cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19” - anh chị Patrick Thuận Võ - Phương Hạnh cho hay.

Hai vợ chồng gốc Việt này còn nhận “không biết bao nhiêu hoa, thiệp, thư cảm ơn... từ các cá nhân và tổ chức gửi đến để động viên tinh thần làm việc. Người thân, con cái các cụ già sống trong viện dưỡng lão cứ dăm ba hôm lại gửi trái cây, bánh ngọt… bồi dưỡng cho tập thể y tá điều dưỡng để cảm ơn sự chăm sóc tận tình dành cho cha mẹ họ”.

“Vợ chồng chúng tôi vẫn khuyên nhủ động viên nhau rằng dù không biết tình hình dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu (khi mà thuốc đặc trị vẫn chưa phổ biến rộng rãi), nhưng thôi thì mình phải học lối suy nghĩ tích cực, phải vui mừng vì gia đình mình vẫn khỏe, công việc vẫn làm đều đặn và có ích cho xã hội. Chúng tôi còn may mắn hơn biết bao người ngoài kia đang lao đao, hay thiệt mạng vì virus. Chúng ta phải tiến lên, nương theo guồng quay cuộc sống và luôn hy vọng, chờ đợi cho ngày mai sáng hơn” - anh chị Patrick Thuận Võ và Phương Hạnh tâm tình.

Cộng đồng người Việt an toàn

Những người Việt đang sống tại Hà Lan trong một buổi họp mặt năm 2020. Ảnh: P.Hạnh
Những người Việt đang sống tại Hà Lan trong một buổi họp mặt năm 2020. Ảnh: P.Hạnh

Người Việt ở Hà Lan (khoảng 24 ngàn người, chủ yếu sống tại Helmond và các vùng như Delft, Naaldwijk, Wateringen...) đa số mưu sinh bằng nghề kinh doanh nhà hàng ăn uống, buôn bán tự do nên mùa Covid-19 rơi vào cảnh ế ẩm, khó khăn, doanh thu giảm sút nghiêm trọng. “Covid 19 đã tác động không nhỏ đến đời sống hằng ngày của cộng đồng người Việt. Nhiều người cực kỳ chăm chỉ, chịu khó và thích nghi tốt với hoàn cảnh. Ví dụ khi lệnh đóng cửa nhà hàng được ban hành để ngăn chặn Covid-19 lây lan thì bà con mình chuyển sang kinh doanh thức ăn giao nhận (delivery). Các anh chị em đồng hương vẫn giữ liên lạc, hỏi thăm, động viên tinh thần nhau qua tin nhắn, điện thoại, mạng xã hội và cầu chúc sức khỏe, bình an trong thời buổi đại dịch này. Điều mừng nhất là đến nay vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh nào trong cộng đồng người Việt tại Hà Lan” - chị Phương Hạnh cho hay.

L.Khánh

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích