Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần ''đi'' theo hướng lâu dài, bền vững

03:07, 04/07/2020

Hình thức kinh doanh theo chuỗi là mô hình có thể mang lại hiệu quả quản trị cao, nhiều tiềm năng phát triển nhưng hệ thống thường chỉ tập trung chuyên môn hóa một nhóm hoặc một chủng loại sản phẩm. Do đó, nếu hệ thống có quá nhiều chi nhánh, cửa hàng, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp sẽ có thể bị áp lực lớn nếu như thiếu những tính toán, hoạch định trong việc quản lý dòng vốn đầu tư, quản trị nhân sự…

Hình thức kinh doanh theo chuỗi là mô hình có thể mang lại hiệu quả quản trị cao, nhiều tiềm năng phát triển nhưng hệ thống thường chỉ tập trung chuyên môn hóa một nhóm hoặc một chủng loại sản phẩm. Do đó, nếu hệ thống có quá nhiều chi nhánh, cửa hàng, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp sẽ có thể bị áp lực lớn nếu như thiếu những tính toán, hoạch định trong việc quản lý dòng vốn đầu tư, quản trị nhân sự…

Mô hình kinh doanh theo chuỗi phát triển mạnh ở các lĩnh vực liên quan đến thực phẩm, đồ uống, giáo dục, y tế, thời trang… Ảnh: L.Phương
Mô hình kinh doanh theo chuỗi phát triển mạnh ở các lĩnh vực liên quan đến thực phẩm, đồ uống, giáo dục, y tế, thời trang… Ảnh: L.Phương

[links()]Hơn nữa, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp trong thời gian qua, hình thức kinh doanh này là một trong các mô hình chịu ảnh hưởng trực tiếp, cần nhiều thời gian để phục hồi.

* Xây dựng phương án kinh doanh hậu Covid-19

Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn thực hiện cách ly xã hội, nhiều chuỗi cửa hàng đã phải hoạt động cầm chừng, hoặc thu hẹp lại hoạt động kinh doanh bằng nhiều phương án để đảm bảo giãn cách xã hội theo quy định như: bố trí lại bàn ghế với số lượng vừa phải, đảm bảo khoảng cách an toàn, tăng cường các hình thức giao dịch trực tuyến, bán hàng mang đi, giới hạn giờ cho khách hàng ngồi tại quán…

Do đó, khi công tác phòng chống dịch bệnh có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại bình thường, các chuỗi cửa hàng cũng bắt đầu tính toán các phương án để hồi phục kinh doanh, kích cầu nhằm thu hút khách hàng.

Anh Hà Vũ Bảo Giang, Giám đốc Công ty TNHH Nhượng quyền cà phê G.T (TP.Biên Hòa) cho hay, công ty sẽ chú trọng vào việc tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, nâng cao giá trị thương hiệu để cân đối các chi phí liên quan và lợi nhuận, nắm bắt các xu hướng tiêu dùng, mua sắm sau dịch bệnh, cũng như nâng cao chất lượng, phong cách phục vụ khách hàng để tạo đà phục hồi doanh thu cho các cửa hàng trong hệ thống Z! Café.

Tương tự, anh Nguyễn Đoàn Công An, quản lý chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Burger Việt (TP.Biên Hòa) cho biết, chuỗi cửa hàng sẽ tăng cường các chương trình kích cầu sau dịch, có thêm các hoạt động quảng bá, khuyến mãi, mở rộng các kênh kết nối để thu hút người tiêu dùng.

* Chú trọng yếu tố pháp lý, tài chính

Theo nhiều chuyên gia, khi kinh doanh theo chuỗi, nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư trẻ, mới bắt đầu chập chững khởi nghiệp cần xây dựng kế hoạch phát triển dài hơi về tài chính, nhân sự từ khâu tuyển dụng, đào tạo, xác định rõ phân khúc thị trường tiềm năng đến lúc đi vào vận hành, quản lý rủi ro đối với từng chi nhánh, cửa hàng trực thuộc là những yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của mô hình này. Bởi mở một cửa hàng có thể có lợi nhuận đã khó, nhưng mở ra và quản lý nhiều cửa hàng cùng một lúc thì càng khó hơn nhiều do các vấn đề phát sinh về chi phí vận hành, khấu hao sản phẩm, những rủi ro tiềm ẩn…

Ông Huỳnh Thanh Vạn, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, một tổ chức của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, muốn tạo dựng thương hiệu của hệ thống cửa hàng cần đảm bảo chất lượng, tạo được nét riêng, độc đáo cho sản phẩm, dịch vụ. Các bạn trẻ muốn khởi nghiệp cần chú trọng tìm hiểu những kiến thức pháp lý, xây dựng kế hoạch về tài chính, quản trị nhân sự, cũng như cần nghiên cứu thị trường, chủ động, linh hoạt để đáp ứng các xu hướng tiêu dùng của khách hàng.

Hiện nay, kinh doanh theo chuỗi nói chung và xu hướng nhượng quyền thương mại nói riêng là các mô hình kinh doanh nổi bật, lấn át những xu hướng khác, trải rộng trên nhiều lĩnh vực như: thực phẩm, đồ uống, giáo dục, y tế, thời trang…

Theo Sở Công thương, khi kinh doanh bằng hình thức nhượng quyền, doanh nghiệp cần có hiểu biết pháp luật nhất định, cần tìm hiểu, xem xét kỹ để lường trước những vấn đề có thể xảy ra trong quá trình ký kết hợp đồng, hạn chế những rủi ro, tranh chấp giữa các bên liên quan. Các bên cần gắn kết với nhau thông qua các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng như: cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, tỷ lệ phân chia lợi nhuận…

Lam Phương

 

 

Tin xem nhiều