Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời dịch, nhiều người có thêm "nghề tay trái"

04:05, 08/05/2020

Do tác động của dịch Covid-19, thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động, sản xuất kinh doanh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu và chiến lược phát triển của đơn vị, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của nhiều người lao động.

Do tác động của dịch Covid-19, thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động, sản xuất kinh doanh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu và chiến lược phát triển của đơn vị, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của nhiều người lao động.

Chị Bùi Thị Lan đi giao những sản phẩm do mình tự làm (sữa chua và khoai kén, bánh bột lọc) cho khách
Chị Bùi Thị Lan đi giao những sản phẩm do mình tự làm (sữa chua và khoai kén, bánh bột lọc) cho khách

Tìm cơ hội trong khó khăn, nhiều người lao động đã nhanh nhạy tìm kiếm những việc có thể làm được trong thời gian nghỉ phòng dịch, một mặt để tạo thu nhập trang trải sinh hoạt gia đình, mặt khác cũng là cách làm cho cuộc sống thường ngày không bị quá rảnh rang, nhàm chán khi liên tiếp nhiều ngày “ở không”. Điều vui là, khi dịch cơ bản được đẩy lùi, nhiều người lao động trở lại công việc thường ngày nhưng vẫn duy trì việc làm thêm trong khả năng để tăng thu nhập.

* Không để mình ngơi tay

Chị Bùi Thị Lan (ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa) là giáo viên thuộc một cơ sở giáo dục tư thục, có thâm niên làm việc gần 10 năm với mức thu nhập trung bình gần 6 triệu đồng/tháng. Như nhiều giáo viên khác, trong đợt nghỉ phòng dịch Covid-19 vừa qua, cuộc sống của chị ít nhiều bị ảnh hưởng khi thu nhập giảm đáng kể. Cơ sở nơi chị làm việc đã nỗ lực “gồng gánh” chi trả theo mức lương cơ bản và đóng các loại bảo hiểm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong bối cảnh không có nguồn thu học phí từ phụ huynh học sinh; đương nhiên chỉ bằng khoảng 1/3 mức lương trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống của nhiều người lao động. Do vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với gói hỗ trợ lên đến 62 ngàn tỷ đồng dành cho các nhóm đối tượng. Các cấp, các ngành cũng đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Riêng đối với nhiều người lao động, trong khó khăn do tác động của dịch bệnh, họ đã năng động tạo cho mình việc làm phù hợp vừa để không nhàm chán vì quá rảnh rang trong thời gian nghỉ phòng dịch, vừa có thêm thu nhập vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Nhiều người vẫn tiếp tục nhận làm thêm trong khả năng để cải thiện cuộc sống khi đã trở lại với công việc thường ngày sau giãn cách xã hội.

Trong điều kiện thu nhập ấy, vốn là người “hay lam hay làm”, ngay khi nghỉ phòng dịch chị Lan đã suy nghĩ phải tìm việc phù hợp để làm trong giai đoạn này, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình và bản thân chị. Nghĩ là làm, chị lên mạng, mua sách tìm hiểu công thức làm sữa chua, kem, khoai kén, bánh bột lọc, chà bông… để thử tay nghề. Ban đầu chị làm cho gia đình, anh chị em, bà con cô bác ăn thử. Thấy khả quan khi mọi người thưởng thức và đánh giá ngon miệng, hợp khẩu vị, chị quyết định đầu tư mua thiết bị chuyên dụng để làm sữa chua, kem, khoai kén, bánh bột lọc, chà bông bán. Như có duyên với “nghề tay trái”, không chỉ bạn bè, người thân mà lượng khách hàng gần xa đặt mua hàng qua Zalo, Facebook khá đông, có những ngày chị phải nhờ “ông xã” phụ đi “ship” hàng cho khách.

Phương châm “kinh doanh” của chị là lấy chữ tín và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm làm đầu. Nguyên liệu để chế biến chị tìm mua ở những nơi có nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu rõ ràng, tươi ngon. Chị Lan cho biết: “Các mặt hàng mình làm để bán chủ yếu phục vụ trẻ em nên vấn đề mình quan tâm hàng đầu là vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng. Mình làm cho con mình ăn như thế nào thì làm bán cho khách cũng y như vậy; chủ yếu lấy công làm lãi nên giá cả cũng phải chăng…”.

Hiện tại, chị Lan đã đi làm trở lại, tuy nhiên “tạp hóa” các thực phẩm ăn nhanh của chị vẫn tiếp tục phục vụ khách quen đặt hàng. Chị Lan dự tính sẽ tranh thủ ngày nghỉ để làm hàng bán, dù lời lãi không nhiều nhưng đó cũng là cách để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; hơn nữa “bén duyên” với việc làm thêm chị cảm thấy vui, nhất là những lúc khách gọi điện hay trực tiếp khen ngon là động lực để chị sáng tạo, chế biến món ăn nhanh chất lượng.

* Có thêm thu nhập

Trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, người dân chủ yếu ở nhà, chỉ ra ngoài khi có việc thực sự cần thiết. Cũng do vậy nhu cầu sử dụng điện và các thiết bị kèm theo như tivi, máy lạnh, tủ lạnh, quạt máy… của các gia đình phục vụ sinh hoạt tăng cao. Đó cũng là cơ hội tạo việc làm thêm cho các kỹ thuật viên như anh Hoàng Minh Hiếu (ngụ KP.3, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa).

Anh Hiếu là kỹ thuật viên bảo trì máy tại một doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Trong đợt dịch Covid-19, doanh nghiệp nơi anh làm việc không bị ảnh hưởng nhiều như một số công ty khác nhưng thu nhập của người lao động cũng bị giảm lại do phải chia ca để giãn khoảng cách và số lượng người lao động/ca nhằm thực hiện cách ly xã hội theo quy định, giảm tăng ca. Tranh thủ thời gian ra ca, anh cùng một số đồng nghiệp nhận đi bảo trì, sửa chữa thiết bị điện cho các gia đình có nhu cầu. Vốn có chuyên môn bài bản về điện lạnh được đào tạo từ trường lớp, dù là làm thêm ngoài giờ nhưng anh làm việc khá uy tín, trách nhiệm, coi trọng sự an toàn nên khách hàng đa số đều rất hài lòng và lưu số điện thoại của anh để gọi khi cần.

Anh Hiếu cho biết, có những ngày nghỉ, nhiều gia đình gọi bảo trì, làm vệ sinh máy lạnh, sửa tủ lạnh, nhóm của anh làm không hết việc. Đi làm thêm hơi vất vả nhưng bù lại, anh có thêm thu nhập đáng kể ngoài tiền lương ở doanh nghiệp. Trong điều kiện đời sống của các gia đình công nhân trẻ như anh còn những khó khăn, phải lo trang trải nhiều thứ trong sinh hoạt hằng ngày, nuôi con nhỏ; thì việc làm thêm ngoài nâng cao kỹ năng tay nghề còn có ý nghĩa về mặt cải thiện kinh tế gia đình.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động một thời gian do các đối tác ở nước ngoài tạm dừng nhập hàng hoặc chưa ký kết các đơn hàng mới. Doanh nghiệp nơi chị Trịnh Nga Vân (ngụ KP.11, P.Tân Phong) làm việc cũng nằm trong số đó. Từ đầu tháng 3, chị Vân đã phải liên hệ các nơi để tìm kiếm việc làm thêm trong thời gian tạm nghỉ. May mắn là có một doanh nghiệp nhỏ mới thành lập ở xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu có nhu cầu tuyển công nhân thời vụ may gia công, chị đăng ký và được nhận ngay. Dù tiền công nơi này không cao như chỗ chị làm nhưng trước mắt giúp chị không bị “thất nghiệp” trong một khoảng thời gian nhất định và có khoản thu nhập đáng kể.

Chị Vân còn phấn khởi cho biết, cơ sở chị đang làm hứa sẽ tiếp tục giao hàng để chị mang về nhà làm trong những ngày nghỉ sau khi trở lại công việc tại doanh nghiệp mà chị đang làm ổn định (chỉ tạm nghỉ do tác động của dịch bệnh). Đó cũng là cách giúp chị có thêm thu nhập để có thể thoải mái hơn trong các khoản chi tiêu phải trang trải thường ngày.

Đình Văn

Tin xem nhiều