Những tháng ngày chống chọi với đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới, từ những người có hoàn cảnh khó khăn đến người kinh tế khá giả đều gần như thay đổi nhịp sống. Và cũng từ thời Covid-19, người ta bắt đầu hình thành những thói quen mới.
Những tháng ngày chống chọi với đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới, từ những người có hoàn cảnh khó khăn đến người kinh tế khá giả đều gần như thay đổi nhịp sống. Và cũng từ thời Covid-19, người ta bắt đầu hình thành những thói quen mới.
Những ngày nghỉ dịch, chị Lê Thị Hải Yến (ngụ tại P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) dạy con học bài |
* “Phép thử” của lòng nhân ái
Gần đây, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đã tổ chức cây ATM gạo cho bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân và cả người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cây ATM gạo được đặt ngay cửa ra vào khu khám bệnh của bệnh viện. Nhiều người dân đã tập trung xếp hàng, lấy gạo từ cây ATM này. Bà Phạm Thị Hà (ngụ tại xã Xuân Thiện, TP.Long Khánh) đang nằm viện vì nhiều bệnh như: tim, tiểu đường, bệnh thận… đã đi xe lăn đến xếp hàng lấy gạo. “Có được sự hỗ trợ này tôi mừng lắm. Nó sẽ giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này” - bà Hà chia sẻ.
Đại diện bệnh viện cho hay, hoạt động này sẽ kéo dài tùy vào tình hình dịch bệnh, sự hỗ trợ của các mạnh thường quân và nhu cầu những người đang gặp khó khăn. Mỗi ngày, người dân được lấy 2kg gạo tại cây ATM này và không hạn chế số ngày lấy gạo. Đây là bệnh viện đầu tiên của Đồng Nai triển khai cây ATM gạo. Đến nay, đã có nhiều cây ATM gạo được lắp đặt tại một số địa phương trong tỉnh.
Mẹ con chị Hồng Phấn (ngụ tại P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) tranh thủ mua thực phẩm tại siêu thị |
Từ tháng 3-2020, cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đã phát động phong trào toàn dân ủng hộ phòng, chống Covid-19. Theo
TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, đến ngày 8-5, tài khoản của Sở Y tế đã nhận được 18,5 tỷ đồng từ đóng góp của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức cho công cuộc chống lại dịch bệnh nguy hiểm này. Từ số tiền trên, Sở Y tế cũng đã chuyển 1,5 tỷ đồng đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
“Ngoài tiền, nhiều doanh nghiệp còn hỗ trợ đồ bảo hộ chống dịch, nước uống… Trong đại dịch, khó khăn, mọi sự sẻ chia thật đáng quý. Nó thể hiện tình yêu đồng bào của mỗi người dân. Dịch bệnh cũng là một “phép thử” của lòng nhân ái, sự thay đổi về cách nhìn cuộc sống, cách hành xử của mỗi người” - bác sĩ Vũ chia sẻ.
* Người giàu học cách tiết kiệm
Những chuyến du lịch châu Âu, Singapore, Hàn Quốc… là sự lựa chọn của nhiều gia đình khá giả vào các kỳ nghỉ. Nhưng nhiều người đã thay đổi thói quen này sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được đẩy lùi.
Trước đây, không chỉ “nghiện” du lịch nước ngoài, chị Nguyễn Kim Dung (ngụ tại TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) còn “nghiện” cả mua sắm hàng hiệu. Tuy nhiên, dịch Covid-19 “đi qua” đã làm cho chị Dung thay đổi cách chi tiêu. Chị Dung đã chuyển đổi các chuyến du lịch nước ngoài sang các địa điểm gần nhà vào đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua. Hơn nữa, chị cũng chuyển “gu” mua hàng hiệu sang mua hàng “made in Việt Nam”. Chị Dung cho hay: “Các năm trước, mỗi dịp nghỉ lễ dài ngày thì cả gia đình tôi sẽ chọn đi du lịch nước ngoài, nhất là Tết. Nhưng giờ tôi phải thay đổi vì ở nhiều nước dịch Covid-19 vẫn phức tạp. Hơn nữa, trải qua đại dịch này, tôi thấy có nhiều người thực sự khó khăn. Họ cần được giúp đỡ. Chính vì vậy, tôi cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết, không mua đồ hiệu đắt tiền để làm những việc có ý nghĩa hơn. Nhưng lâu không đi du lịch, cả nhà ai cũng “cuồng chân”. Đợt này, gia đình tôi đã chọn chỉ đi Đà Lạt vừa vui, vừa gần lại tiết kiệm chi phí”.
Các con của chị Yến tự chơi với nhau thay vì xem tivi hay máy tính bảng, điện thoại |
Gia đình cũng có điều kiện kinh tế khá giả, nhưng chị Lê Thị Hải Yến (chủ cửa hàng bán đặc sản Việt, ngụ tại P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cũng thay đổi những thói quen sau dịch bệnh. Trước đây, vợ chồng chị Yến cũng thường xuyên đưa 3 con đi du lịch. Tắm biển, leo núi… là các hình thức trải nghiệm mà gia đình chị Yến luôn lựa chọn. “Dịch bệnh cũng khiến kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nên các khoản du lịch, ăn nhà hàng đều bị cắt bỏ hoàn toàn. Hiện, chi tiêu trong gia đình, tôi phải “cân đo đong đếm” hơn, chỉ ưu tiên cho các khoản mua thực phẩm, tiền học cho con” - chị Yến chia sẻ.
Hơn nữa, những ngày này, chị Yến có cách để “tiết kiệm” khoản tiền học thêm cho các con. Mỗi ngày, chị Yến đều tranh thủ dạy con học bài, giao thêm bài tập để các con tự học. Các bé cũng bắt đầu làm quen và dần có ý thức tự học hơn trước.
* Thay đổi nếp sống
3 tuần thực hiện cách ly xã hội vừa qua đã tập cho mọi người thói quen tự nấu ăn tại nhà hoặc đặt món ăn qua ứng dụng thay vì trực tiếp đi ăn hàng quán. Từ đó đã tạo cho gia đình chị Phạm Thị Trang (36 tuổi, ngụ tại P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) thay đổi thói quen sinh hoạt. Mỗi buổi sáng, thay vì đi ăn ở bên ngoài như trước, chị Trang luôn dậy sớm nấu đồ ăn sáng, chuẩn bị thức ăn trưa mang đi làm và cho 2 con ở nhà. “Thực phẩm đều do mình lựa chọn kỹ càng nên đảm bảo tươi ngon hơn, an toàn hơn. Hơn nữa, tôi cũng không phải lo nghĩ “trưa nay mình ăn gì” khi đi làm việc. Tuy nhiên, mỗi ngày mỗi món là bài toán khó!” - chị Trang cười nói.
Cũng nhờ dịp nghỉ dài này, chị Trang đã giúp 2 con của chị “cai nghiện” máy tính bảng, điện thoại. Hằng ngày, 2 con của chị cùng nhau chơi những trò chơi dân gian như: ô ăn quan, nhảy dây, bịt mắt bắt dê, năm mười… “Thỉnh thoảng, chúng còn cho gà ăn hay trêu cả gà, chó ngoài vườn. Nhiều khi 2 bé còn “sáng tạo” thêm trò chơi, rất mới mẻ và đỡ nhàm chán” - chị Trang tâm sự.
Các món ăn đường phố luôn hấp dẫn và thu hút được nhiều thực khách. Ở các nước châu Á như Việt Nam, thức ăn đường phố dường như đã mang một nét văn hóa riêng. Nhưng giờ đây, dịch bệnh khiến người dân cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn các quán ăn hay món ăn đường phố. Chị Hồng Phấn (ngụ tại P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho hay, trước đây, gia đình 4 người nhà chị thường xuyên đi ăn bên ngoài. Nhà hàng hay quán ăn đường phố đều là sự lựa chọn của gia đình chị, chỉ cần đồ ăn ngon. Nhưng giờ đây, chị Phấn chỉ dám đến những nơi không quá đông vì lo ngại dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn.
Mỗi người, mỗi gia đình đều đang có những thay đổi thói quen trong nếp sống, cách nghĩ và ứng xử khi đại dịch đã cơ bản được đẩy lùi. Dịch bệnh cũng giúp những người xa lạ đến gần nhau hơn trong sự cảm thông và sẻ chia.
Theo ông Lý Tuấn Kiệt, Kế toán trưởng Co.opmart Biên Hòa, thời điểm này, dịch Covid-19 đã cơ bản được đẩy lùi nhưng để chủ động phòng bệnh, người dân vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang đến nơi công cộng, họ cũng chỉ đi mua sắm khi thực sự cần thiết. Lượng khách hàng đến siêu thị chưa tăng trở lại như thời kỳ trước dịch. Đáng chú ý, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng thay đổi so với trước. Hiện tại, người dân vẫn tập trung vào những nhóm hàng thiết yếu. Những mặt hàng không thiết yếu có tăng nhẹ so với thời điểm trong dịch nhưng chưa đạt mức như trước khi xảy ra dịch bệnh. |
Bích Nhàn