Báo Đồng Nai điện tử
En

Những ngọn núi ven sông

06:05, 22/05/2020

Thác Trị An là một bậc thềm làm cho dòng chảy Đồng Nai hiền hòa phía hạ lưu, ôm lấy những cù lao, xuyên qua những làng quê, phố phường. Khúc sông chảy qua TP.Biên Hòa một thời có tên là Sông Phố có hai ngọn núi khá nổi tiếng: Bửu Long và Châu Thới (vốn trước thuộc địa phận Biên Hòa).

Thác Trị An là một bậc thềm làm cho dòng chảy Đồng Nai hiền hòa phía hạ lưu, ôm lấy những cù lao, xuyên qua những làng quê, phố phường. Khúc sông chảy qua TP.Biên Hòa một thời có tên là Sông Phố có hai ngọn núi khá nổi tiếng: Bửu Long và Châu Thới (vốn trước thuộc địa phận Biên Hòa).

Núi Châu Thới nhìn từ sông Đồng Nai  Ảnh: Vĩnh Huy
Núi Châu Thới nhìn từ sông Đồng Nai. Ảnh: Vĩnh Huy

Hai ngọn núi gắn với sự kiện trong tư liệu xưa

Cảnh quan của hai ngọn núi này được nhắc khá đặc biệt, gắn với những sự kiện trong tư liệu xưa về Biên Hòa. Quần thể núi Bửu Long cao khoảng 100m, gồm các cụm: Bình Điện, Long Ẩn tạo nên cảnh quan từ nhiều thành tố hợp thành của núi, hồ, hang động, chùa được miêu tả như một bức tranh hữu tình diễm lệ giữa trời xanh mây trắng, cây cối tốt tươi, xung quanh có núi và sông, hồ uốn quanh thu hút nhiều người đến vãn cảnh, hành hương - được mệnh danh “đệ nhất thắng cảnh” trấn Biên Hòa. Núi Châu Thới nhô lên cao nhất giữa một dãy dài khuất khúc có độ cao khoảng 82m bên hữu sông Đồng Nai, nhiều cây cổ thụ và nhiều tảng đá lộ thiên tạo hình kỳ thú. Khu vực dãy núi Châu Thới và phụ cận vào cuối thế kỷ XVIII từng là địa bàn tranh chấp giữa các thế lực giữa chúa Nguyễn và Tây Sơn và  tập đoàn quân của Lý Tài chiếm làm căn cứ trong một thời gian ngắn. Trên các núi, đặt danh xưng Biên Hùng trấn. Điều đặc biệt, hai ngọn núi Bửu Long, Châu Thới được xem có vị thế quan trọng về phong thủy của trấn Biên Hòa xưa: tấm bình phong phía trước và sau của trung tâm thành Biên Hòa và là hình ảnh của linh vật rồng sừng sững phía hạ lưu sông Đồng Nai.

Trên núi Bửu Long và Châu Thới có những ngôi chùa khai sơn khá sớm, được xem là những ngôi chùa cổ của vùng đất Nam bộ và được xếp trong danh mục di tích cấp lịch sử - văn hóa quốc gia. Hai ngôi cổ tự này là những trang sử của quá trình truyền bá Phật giáo xứ Biên Hòa xưa và cả dấu tích được nhắc đến của tín ngưỡng cổ xưa, dân gian với những tượng thờ bằng đất nung, đá, gỗ, gốm, đồng… qua nhiều thời kỳ. Những câu chuyện về một thời lưu dân Việt vùng đất ban đầu khai khẩn, lập ấp nơi “lam sơn chướng khí” của thế hệ đi trước, chuyện chống thú dữ, cảm hóa cọp và những bài học về đạo lý tình nghĩa của đời truyền tụng, lưu danh hàm Hổ, hàm Rồng, ông Tà, giếng Tiên… nơi cửa thiền.

Chùa Bửu Phong được xây dựng cách đây hơn 4 thế kỷ và trải qua nhiều lần trùng tu. Trang trí mặt tiền chùa là những bức phù điêu thể hiện hình ảnh cuốn thư, lân ngậm trái châu, nhật nguyệt, rồng chầu mặt trời, mây dây lá cách điệu... theo lối chạm trổ, ghép sành công phu mang tính nghệ thuật. Trên núi Châu Thới có quần thể kiến trúc Châu Thới sơn tự khá quy mô và nhiều cụm tượng lớn nhưng tiền thân là một am tự, chùa Hội Sơn của thiền sư Khánh Long được xây dựng vào thế kỷ XVII. Một nét tương đồng trang trí mỹ thuật mặt tiền chùa núi Châu Thới và Bửu Phong là nghệ thuật ghép sành sứ kiểu Huế khá độc đáo so với các chùa khác trong vùng.

* Núi trong phố và du lịch

Những ngọn núi của Biên Hòa xưa giờ đây không còn trong khung cảnh của làng quê xưa nữa mà trong phố xá của quá trình phát triển đô thị ngày càng mạnh mẽ. Cảnh vật với những đổi thay từ xưa như là một quy luật chung của vạn vật trong sự phát triển. Chung quanh hai ngọn núi Bửu Long, Châu Thới này, những hầm đá được khai thác từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX tạo nên những hồ nước sâu và trong, ăn sát vào sườn núi. Dấu tích đó vẫn còn và ngày nay vô tình đã tạo nên một cảnh quan khá độc đáo. Hồ Long Ẩn, Long Vân trở thành một “vịnh Hạ Long thu nhỏ” trong danh thắng du lịch Bửu Long của Biên Hòa. Cùng với kiến trúc chùa xưa, quy mô các công trình kiến trúc mới là thiết chế tín ngưỡng mang màu sắc dân gian, những cụm tượng tôn giáo được dung hợp trên phạm vi của chùa trên núi tạo nên sự đa dạng cho những ai muốn hành hương.

Một góc khung cảnh núi Bửu Long (TP. Biên Hòa)
Một góc khung cảnh núi Bửu Long (TP. Biên Hòa). Ảnh: Hải Hà

Những ngọn núi vẫn còn đó nhưng không còn cao và phạm vi đã thu hẹp. Những gò nổng trong dãy núi đã không còn bởi sự khai thác của con người và sự phân lập trong các đơn vị hành chính hay giao thông. Nhưng khu dân cư chung quanh núi đã bắt đầu phát triển, mở rộng áp vào địa phận của những ngọn núi này từ các phía. Mai này, núi Bửu Long cũng như Châu Thới sẽ ở giữa lòng phố.

Với danh thắng Bửu Long, Biên Hòa có những thuận lợi trong khai thác du lịch hiện nay. Bên cạnh Khu du lịch Bửu Long được đầu tư, duy trì khai thác thường xuyên với các loại hình, một quần thể di tích trên khu vực này đã được xếp hạng và mang những dấu ấn độc đáo: chùa Bửu Phong trên núi Bình Điện cùng với chùa Thạch Động trên núi Long Ẩn và di tích miếu Tổ sư nghề đá Tân Bửu gắn liền với lịch lễ đa dạng hằng năm. Công trình Văn miếu Trấn Biên được tôn tạo, xếp hạng di tích quốc gia với hoạt động phong phú về văn hóa là điểm đến thu hút du khách. Đặt quần thể núi Bửu Long trong quy hoạch tổng thể với mảng xanh hệ sinh thái giữa phố cần được duy trì tốt và gắn kết trong tuyến du lịch sông Đồng Nai: Cù lao Phố - núi Bửu Long và làng bưởi Tân Triều, trong điểm đến du lịch lễ hội gắn kết với các thiết chế tín ngưỡng sẽ gợi mở trong khai thác những loại hình du lịch
hiệu quả.

Núi Châu Thới và những dấu tích xưa  của một thời vẫn còn đó như minh chứng của lịch sử và cũng là tiềm năng về văn hóa trong phát triển du lịch của TP.Biên Hòa và tỉnh Bình Dương. Đường lên núi, lễ chùa ngày nay không chỉ còn độc đạo của đi bộ. Muốn chiêm ngưỡng và ngoạn cảnh, mỗi cá nhân có thể chọn cho mình lối đi thích hợp: nếu khỏe, đi theo lối tam cấp hàng trăm bậc men theo sườn đồi để trải nghiệm; nếu muốn nhanh chóng, theo đường xe chạy lên tới đỉnh dễ dàng.

Phan Đình Dũng

 

Tin xem nhiều