Báo Đồng Nai điện tử
En

Những nghệ nhân dân gian Đồng Nai

06:05, 22/05/2020

Từ xưa đến nay, xã hội luôn tôn trọng những người có nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Danh hiệu"nghệ nhân" hàm chứa sự tôn trọng đối với những cá nhân đã đạt đến trình độ tinh thông, thuần thục, giỏi giang, tâm huyết gắn bó với  lĩnh vực nghề nghiệp. Từ sự thành công của những con người, nghề nghiệp, lĩnh vực cụ thể sẽ góp phần phát triển và đem lại lợi ích xã hội.

Từ xưa đến nay, xã hội luôn tôn trọng những người có nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Danh hiệu“nghệ nhân” hàm chứa sự tôn trọng đối với những cá nhân đã đạt đến trình độ tinh thông, thuần thục, giỏi giang, tâm huyết gắn bó với  lĩnh vực nghề nghiệp. Từ sự thành công của những con người, nghề nghiệp, lĩnh vực cụ thể sẽ góp phần phát triển và đem lại lợi ích xã hội.

Từ trái sang: các nghệ nhân Phạm Văn Lơ, Lê Văn Lợi, Đặng Văn Vĩnh
Từ trái sang: các nghệ nhân Phạm Văn Lơ, Lê Văn Lợi, Đặng Văn Vĩnh

Vùng đất Đồng Nai có nhiều cộng đồng dân cư sinh sống từ lâu đời. Sự phát triển của vùng đất này ghi nhận nhiều sự đóng góp của cộng đồng, đặc biệt là các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản trên nhiều lĩnh vực. Từ năm 2015-2019, thực hiện việc xét chọn trao tặng danh hiệu nghệ nhân, tỉnh Đồng Nai chưa có hồ sơ, danh sách nào trình để được phong tặng Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân. Do nhiều yếu tố, nhiều nghệ nhân chưa được vinh danh vẫn âm thầm sống và cống hiến cho đời bởi cái nghiệp và lòng tâm huyết.

Hiện nay, về danh hiệu Nghệ nhân dân gian, tỉnh Đồng Nai có 5 cá nhân được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng. Cố nghệ nhân Nguyễn Văn Nổi và nghệ nhân Ka Bào là hai nghệ nhân đầu tiên được trao tặng danh hiệu vào năm 2008 với những đóng góp trên lĩnh vực bảo tồn và truyền dạy văn hóa dân tộc Chơro, Mạ. 3 nghệ nhân: Phạm Văn Lơ, Lê Văn Lợi, Đặng Văn Vĩnh được trao tặng danh hiệu vào năm 2017 trên lĩnh vực thực hành và truyền dạy nghệ thuật Đờn ca tài tử. Đây là những người có đóng góp tiêu biểu trên lĩnh vực về di sản văn hóa của cộng đồng.

* Nghệ nhân của buôn làng

Cuộc đời của Nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Nổi (Già làng Năm Nổi, đã từ trần sáng 2-5 tại ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu, hưởng thọ 91 tuổi) gắn liền với cộng đồng Chơro vùng Lý Lịch, H.Vĩnh Cửu. Tuổi trẻ, ông tham gia phong trào cách mạng vùng Chiến khu Đ qua hai thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Khi đất nước hòa bình, cùng chung tay xây dựng quê hương, ông trở thành người già làng có uy tín ở địa phương. Ông đã dành ngôi nhà của mình làm điểm trưng bày những vốn văn hóa của người Chơro khá độc đáo. Lúc sinh thời, với trí nhớ tốt, ông được xem là “từ điển sống” về tri thức dân gian của cộng đồng từ tập tục, sinh hoạt tÍn ngưỡng, lễ hội, y học dân gian… Đặc biệt, ông biết sử dụng các loại nhạc cụ của người Chơro: đàn Goongkla/ đàn tre, Goong, chinh/cồng chiêng và nhiệt tình, tâm huyết truyền dạy cho thế hệ trẻ. Những dự án truyền dạy cồng chiêng tại làng, nghệ nhân Nguyễn Văn Nổi tham gia tích cực, là động lực cho thế hệ trẻ tham gia, học tập. Trước đây đã có những đoàn nghiên cứu tìm đến nghệ nhân và  được cung cấp nguồn tài liệu phong phú về người Chơro, về rừng núi Chiến khu Đ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nổi lúc sinh thời
Nghệ nhân Nguyễn Văn Nổi lúc sinh thời

Nghệ nhân Ka Bào là người dân tộc Mạ của làng tà lài, H.Tân Phú. Nhiều người cao tuổi của làng Mạ cho rằng, bà Ka Bào thừa hưởng gen nghệ thuật từ mẹ: múa giỏi, hát hay và dệt thổ cẩm tuyệt đẹp. Bà tiếp tục duy trÌ và truyền dạy cho con gái của mình là chị Ka Rỉn - được ví là chim sơn ca của núi rừng bởi giọng hát, điệu múa thu hÚt và đoạt những giải cao trong các liên hoan, hội thi. Theo thời gian và kinh nghiệm sống được tích lũy, bà Ka Bào trở thành nguồn tư liệu quý của cộng đồng người Mạ. Bà Ka Bào đã cung cấp khá nhiều tư liệu về phong tục tập quán, đặc biệt những bài ca cổ, truyện kể của người Mạ mà ngày nay đã thất truyền. dù lớn tuổi, bà Ka Bào vẫn nhiệt tình, là hạt nhân trong việc truyền dạy nghề dệt cho con cháu trong buôn làng. Gia đình bà là một trong số những hộ góp phần trong bảo tồn văn hóa của cộng đồng qua ba thế hệ với ngề dệt thổ cẩm, truyền dạy hát múa truyền thống và tham gia các dự án về di sản văn hóa, du lịch cộng đồng.

* Nghệ nhân đờn ca tài tử

Đờn ca tài tử là loại hình âm nhạc mang đặc trưng của vùng đất Nam bộ. Bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XIX, loại hình này đã nhanh chóng lan rộng trong đời sống tinh thần của cư dân. Bằng điệu đờn, tiếng hát, loại hình sinh hoạt văn hóa này gắn kết cộng đồng thông qua thực hành và sáng tạo nghệ thuật, trên cơ sở nhạc lễ, nhạc cung đình triều Nguyễn và âm nhạc dân gian miền Trung, miền Nam, nên vừa có tính bình dân, vừa mang tính bác học. Ở Đồng Nai, loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử đã trở thành một nét sinh hoạt khá phổ biến trong đời sống của cộng đồng cư dân. Ba nghệ nhân được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian là những hạt nhân gắn kết đưa phong trào đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai phát triển, đạt nhiều thành tích.

Nghệ nhân Phạm Văn Lơ sinh năm 1947, cư ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa. Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống về nghệ thuật, ông được cha truyền dạy và học các loại nhạc tài tử Nam bộ. Khi tham gia kháng chiến, do có năng khiếu về nghệ thuật, ông được phân công về Đoàn Văn công miền Đông Nam bộ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông công tác trong ngành Văn hóa tỉnh Đồng Nai. Một điểm mốc mang tính đột phá vào năm 1994, trước tình hình hoạt động văn nghệ, âm nhạc tài tử mang tính chất tự phát, ông tập hợp những người chơi nhạc tài tử và gây dựng phong trào đờn ca tài tử. Hiện nay, ông là hạt nhân nòng cốt  duy trì CLB Đờn ca tài tử ở Biên Hòa hoạt động hiệu quả, truyền dạy cho nhiều người. Quá trình hoạt động nghệ thuật, nghệ nhân Phạm Văn Lơ đã thực hiện những công trình ấn tượng trong bảo tồn, truyền dạy với việc giảng dạy kết hợp từ truyền thống đến ứng dụng công nghệ (băng ghi âm, đĩa DVD những bài bản đờn ca tài tử phổ biến đến cơ sở, trên mạng xã hội), tặng cho các CLB, các đội nhóm yêu mến loại hình nghệ thuật này.

Nghệ nhân Lê Văn Lợi, sinh năm 1950, sống tại P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống lễ nhạc, ông say mê học và sử dụng nhiều loại nhạc cụ trong dàn nhạc lễ. Khi gia đình sinh sống tại Cù lao Phố, với lòng yêu nghề và tận tâm, ông tham gia vào các dàn nhạc, phục vụ các lễ hội ở các đình, miếu và gia đình trong hôn lễ, tang, tế. Từ năm 1997, ông tham gia vào CLB Đờn ca tài tử thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh Đồng Nai, một sân chơi nghệ thuật lành mạnh tạo cho ông có điều kiện thuận lợi để biểu diễn và tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Đặng Văn Vĩnh, sinh năm 1947, sinh sống tại TP.HCM nhưng gắn bó với phong trào đờn ca tài tử của tỉnh Đồng Nai từ sau ngày đất nước thống nhất. Ông  yêu thích âm nhạc dân tộc và theo học với nhiều thầy, nghệ nhân về vọng cổ, ca khÚc, nắm bắt những kiến thức và sử dụng nhạc cụ thành thạo. Đặc biệt, khi học với nhạc sĩ Võ Văn Phú (nghệ danh Mười Phú), ông tham gia tích cực các lớp đào tạo, giao lưu, liên hoan đờn ca tài tử ở phía Nam. Năm 1974, ông cùng với các nhạc sĩ Võ Bá Đức (Bảy Đức) thực hiện (quay ronéo) phổ biến quyển Thập lục Toàn cung - nguyên bản đờn tranh - tư liệu của nhạc sư Nguyễn Văn Thinh. Từ năm 1974-1975, ông sưu tầm biên soạn quyển Lòng bản đờn kìm gồm: 20 bản tổ, 6 bản ngoại Oán, 8 bản Ngự, 2 bản Cửu Nhỉ và 10 bản Thập Thủ liên hườn.

Dù trải qua bao thăng trầm, những nghệ nhân dân gian Đồng Nai vẫn gắn bó với nghề bằng lòng đam mê và tâm huyết bảo tồn các giá trị di sản. Nghệ nhân là “báu vật nhân văn”, tài sản quý giá của xã hội, cộng đồng và đất nước, không chỉ là người lưu giữ mà còn trao truyền vốn di sản quý cho các thế hệ. Với xu thế phát triển gắn với di sản văn hóa của cộng đồng, những nghệ nhân là một trong những nguồn lực quan trọng để quảng bá văn hóa và phát triển du lịch. Nhiều địa phương, điểm đến du lịch ở các quốc gia, các vùng miền Việt Nam thu hút khách tham quan từ nghệ nhân tham gia. Đây là một bài học kinh nghiệm quý giá khi hướng đến phát triển du lịch nhân văn, mang tính bền vững.

Đinh Huyền Dũng

 

Tin xem nhiều