Nhiều bảo tàng trên thế giới đang bắt đầu thu thập các vật dụng lưu giữ ký ức về một giai đoạn đáng ghi dấu của lịch sử thế giới - giai đoạn phong tỏa do đại dịch Covid-19.
Nhiều bảo tàng trên thế giới đang bắt đầu thu thập các vật dụng lưu giữ ký ức về một giai đoạn đáng ghi dấu của lịch sử thế giới - giai đoạn phong tỏa do đại dịch Covid-19.
Bảo tàng phát động chiến dịch quyên góp các vật dụng phản ánh cuộc sống của người dân trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát. (Nguồn: EPA/TASS/Getty) |
*Lưu giữ ký ức về một giai đoạn đáng ghi dấu của lịch sử
Có bao giờ bạn nghĩ đến một ngày đôi dép đi trong nhà và khẩu trang của mình được trưng bày trong viện bảo tàng? Ngày đó có thể sắp đến bởi nhiều bảo tàng trên thế giới đang bắt đầu thu thập các vật dụng lưu giữ ký ức về một giai đoạn đáng ghi dấu của lịch sử thế giới - giai đoạn phong tỏa do đại dịch Covid-19.
Bảo tàng London, nơi tái hiện chiều dài lịch sử của thủ đô nước Anh, là một trong những bảo tàng như vậy. Hiện bảo tàng này đang phát động chiến dịch quyên góp các vật dụng phản ánh cuộc sống của người dân London trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát.
“Đó là một trải nghiệm không thể nào quên. Khi chúng tôi biết nước Anh sẽ áp dụng biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus, ngay lập tức chúng tôi đã bàn về những thứ chúng tôi cần để thu thập lại cho tương lai” - bà Beatrice Behlen, phụ trách tuyển chọn các vật dụng trưng bày trong Bảo tàng London cho biết. Người dân có thể đóng góp bất kỳ món đồ nào giúp kể câu chuyện về quãng thời gian ở nhà vì đại dịch Covid-19. Đó có thể là một đôi dép đi trong nhà yêu thích, hoặc chứng tích về một kỹ năng mới học được trong thời gian ở nhà như đan lát, nấu ăn hoặc may khẩu trang tặng các nhân viên y tế.
Trong số những vật dụng mà Bảo tàng London thu thập được đến nay có một hũ mứt được một người dân London tự làm tại nhà và một cái xúc xắc được dùng trong các buổi cổ vũ nhân viên y tế trên ban công vào mỗi tuần. Theo bà Behlen, dịch Covid-19 là một “trải nghiệm khác thường” và điều gây hứng thú đối với Bảo tàng London là câu chuyện đằng sau những món đồ, chứ không phải bản thân những món đồ.
Những thứ khó thu thập hơn là những cung bậc cảm xúc của người dân trong thời gian ở nhà thực hiện giãn cách xã hội. Hưởng ứng kêu gọi của Bảo tàng Gia đình cũng ở London, một gia đình đã ghi hình cảnh họ bố trí một màn hình ở trước bàn ăn để chia sẻ với họ hàng hình ảnh bữa ăn gia đình thông qua kết nối video. Một gia đình khác đã biến phòng khách thành một phân xưởng may áo choàng tặng các nhân viên y tế.
* Cởi mở chia sẻ những cảm xúc chân thật
Bảo tàng Gia đình cũng kêu gọi người dân ghi lại những cảm xúc của họ về ngôi nhà của mình thời dịch bệnh Covid-19 khi nhà bỗng chốc đảm đương nhiều công năng như: văn phòng làm việc, lớp học và phòng tập gym. “Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, chúng ta có nguy cơ mất tất cả những ký ức này” - Giám đốc bảo tàng Gia đình Sonia Solicari chia sẻ và cho biết trang web của bà đã liệt kê ra nhiều sáng kiến hỗ trợ lẫn nhau trên Facebook và những bữa tiệc ảo để mọi người cũng chia sẻ những cảm xúc của họ.
“Dường như sự kiên cường, cách mọi người thay đổi và thích nghi với dịch bệnh đều xuất hiện trong mọi hoàn cảnh qua lời kể của các nhân chứng” - bà Solicari cho biết. Trong hồi ức của Amarjit, ngôi nhà nằm ở phía Đông London của anh giống như “một cung điện” trong thời gian phong tỏa. Ngược lại, Alex, người sống một mình trong một căn hộ nhỏ chật chội nói rằng anh ta cảm thấy như đang ở trong “phòng biệt giam của tù”. “Tuy nhiên, tôi rất biết ơn vì tôi được bảo đảm an toàn khi những người hàng xóm ở tầng dưới liên tục nhiễm virus SARS-CoV-2” - anh nói.
Bà Solicari cho biết, bà đã rất ngạc nhiên khi mọi người đã cởi mở chia sẻ những cảm xúc chân thật của mình. “Nó thực sự trở thành một bộ sưu tập cảm xúc và rất cảm động, giống như một bộ sưu tập hình ảnh và những lời kể của các nhân chứng. Có thể rất khó để các bảo tàng thu thập lại những cảm xúc này” - bà Solicari nói.
Quãng thời gian hàng tỷ người trên thế giới bị phong tỏa do đại dịch Covid-19 đã truyền cảm hứng để 3 giám đốc quảng cáo trẻ ở TP.Barcelona của Tây Ban Nha thành lập một bảo tàng trực tuyến trên Instagram. Hơn 900 tác phẩm đã được gửi đến Bảo tàng Nghệ thuật Covid-19 từ khắp nơi trên thế giới, kể lại những trải nghiệm đáng nhớ khi đại dịch hoành hành trên toàn cầu.
Tuy nhiên, đối với các bảo tàng truyền thống phải đóng cửa trong thời gian phong tỏa, có một điều đáng lo ngại là họ không thể trưng bày các bộ sưu tập của mình cho khách đến thăm trực tiếp trong nhiều tháng.
Một số người lo sợ những bảo tàng này sẽ rất khó có thể tồn tại, kể cả Bảo tàng Florence Nightingale London, nơi đang kêu gọi khẩn cấp quyên góp. Một bảo tàng nằm tại Bệnh viện St Thomas, nơi Thủ tướng Boris Johnson từng được điều trị khi mắc Covid-19, đã dành riêng một khu vực để tôn vinh các nhân viên y tế trong tuyến đầu chống dịch.
Ngoài các bảo tàng ở xứ sở Sương mù, các nhà quản lý bảo tàng trên khắp thế giới cũng đang nỗ lực tìm kiếm, thu thập các kỷ vật lưu giữ thời khắc lịch sử. Ở Thụy Điển, Bảo tàng Bắc Âu ở thủ đô Stockholm đang sưu tập những món đồ thể hiện cảm nghĩ của trẻ em về những thay đổi trong cuộc sống hằng ngày thời Covid-19, cũng như cách trẻ em nhìn về tương lai. Ở thủ đô Vienna của Áo, một bức ảnh chụp bữa tiệc sinh nhật trong thời gian cách ly vì dịch Covid-19 và một nụ hôn qua ô cửa sổ là một phần của 1.800 món đồ được quyên góp cho một bảo tàng của thành phố. |
Theo TTXVN