Công ty TNHH thương mại nông nghiệp Greenlife được thành lập bởi nhóm thanh niên trẻ gồm 6 thành viên đều cùng sinh năm 1989. Họ đang làm việc với mức lương cao tại TP. HCM nhưng quyết định cùng nhau về vùng quê tại xã Phú Hữu (H.Nhơn Trạch) khởi nghiệp với nghề trồng đặc sản nấm mối đen.
Công ty TNHH thương mại nông nghiệp Greenlife được thành lập bởi nhóm thanh niên trẻ gồm 6 thành viên đều cùng sinh năm 1989. Họ đang làm việc với mức lương cao tại TP. HCM nhưng quyết định cùng nhau về vùng quê tại xã Phú Hữu (H.Nhơn Trạch) khởi nghiệp với nghề trồng đặc sản nấm mối đen.
Anh Nguyễn Trường Duy Linh (trái) trao đổi với đồng nghiệp về sản phẩm nấm mối đen do trang trại sản xuất |
Họ đầu tư trang trại công nghệ cao trồng nấm vì muốn phát triển dòng thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng, đồng thời hỗ trợ trong chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe con người.
* Nông dân trẻ thời 4.0
Trong nhóm bạn trẻ này có người là kỹ sư nông nghiệp, có thành viên chuyên về kênh phân phối, có người chuyên về marketing, người giỏi về quản trị nhân lực... Họ thuộc lớp nông dân trẻ thời 4.0, không chỉ được đào tạo bài bản, nhanh nhạy trong tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới mà quan trọng nhất là họ có lối tư duy mở, luôn tìm tòi, sẵn sàng học hỏi, thử nghiệm những mô hình mới cả trong sản xuất và kinh doanh.
Những nông dân thời 4.0 như anh Linh không chỉ vận dụng công nghệ mới trong khâu sản xuất mà còn có nền kiến thức tốt về kinh tế, khảo sát thị trường và vận dụng nó vào sản xuất nên có lợi thế hơn hẳn mô hình sản xuất truyền thống của cha anh lớp trước. Sản phẩm của họ là cả câu chuyện trọn vẹn từ sản xuất đến tổ chức phân phối, kinh doanh. “Chúng tôi không dừng lại ở việc bán cây nấm ra thị trường mà còn có cả câu chuyện dài sau đó là chăm sóc khách hàng như thế nào, hỗ trợ người tiêu dùng trải nghiệm tốt nhất có thể về sản phẩm của mình” - Duy Linh cho biết. |
Thủ lĩnh của nhóm bạn trẻ này là chàng trai Nguyễn Trường Duy Linh vốn là thạc sĩ ngành tài chính. Chia sẻ về hướng rẽ bất ngờ khi chọn bỏ thành phố lớn về quê làm nông dân, Linh kể, hơn 3 năm trước, bà nội bị bệnh, anh đã tìm hiểu về nấm rồi mê luôn loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và có giá trị dược tính cao hỗ trợ cho sức khỏe con người. Từ đó, anh bỏ công đọc tài liệu, “tầm sư học đạo” từ những chuyên gia trong lĩnh vực trồng nấm rồi tự trồng thử nghiệm để đúc kết kinh nghiệm.
Ban đầu, gia đình Linh không ủng hộ vì anh bỏ nghề được đào tạo bài bản với bao công sức, tiền bạc và đang có công việc với mức thu nhập cao để chuyển sang dự án mới nhiều rủi ro. Nhưng chính ước mơ làm ra thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe người dùng và mang lại nhiều giá trị hơn cho xã hội là nguyên nhân khiến anh mạnh dạn chọn hướng đi mới.
Trước khi thành lập công ty, anh Linh đã có nửa năm trồng thử nghiệm nấm mối đen tại Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao (TP.HCM). Khi đạt hiệu quả, anh mới đầu tư trại, trồng nấm vào thực tế. Khởi nghiệp với đồng vốn hạn hẹp, anh quyết định thuê đất ở xã Phú Hữu (H.Nhơn Trạch) để lập nghiệp chứ không về tỉnh Đồng Tháp nơi có sẵn đất đai của gia đình vì khu vực này vừa gần vùng nguyên liệu sản xuất và rất gần thị trường tiêu thụ lớn là TP.HCM.
Khởi điểm, anh Linh chỉ có khoảng 1/6 tổng tiền vốn đầu tư, cái khó nhất của chàng trai trẻ này là phải tìm được những người cùng chung chí hướng, truyền tải được những dự định xa hơn về “giấc mơ nấm” của mình để họ sẵn sàng từ bỏ công việc ổn định đang có để cùng nhau đặt những viên gạch đầu tiên phát triển doanh nghiệp hiện nay. Quan điểm của anh là không thuê người làm để điều khiển họ mà cần những người giỏi để cùng nhau phát triển tốt nhất cho doanh nghiệp. “Tuy doanh nghiệp đang còn trẻ với quy mô nhỏ nhưng tôi tổ chức bộ máy hoàn thiện ngay từ những ngày đầu thành lập để khi đi vào hoạt động và phát triển sẽ được vận hành một cách tốt nhất” - anh Linh khẳng định.
Anh Nguyễn Trường Duy Linh giới thiệu sản phẩm nấm mối đen ứng dụng công nghệ cao tại trang trại Ảnh: L.Quyên |
Khi bắt tay triển khai dự án vào thực tế, nhóm bạn trẻ cũng gặp không ít khó khăn, thử thách. Cụ thể như do Phú Hữu là vùng đất trũng nên phải đổ sức cải tạo rất nhiều, chi phí tăng lên gần gấp 2 lần so với dự tính ban đầu của họ. Theo anh Linh, trồng nấm mối khó và kỳ công hơn nhiều so với các loại nấm ăn thông thường khác nên cần nguồn vốn và kỹ thuật cao vì đòi hỏi rất khắt khe từ khâu cấy phôi nấm đến điều kiện sinh trưởng trong nhà kính phải đảm bảo đúng độ ẩm, nhiệt độ phù hợp, không thể có những tạp chất, sinh vật hại nào lọt vào môi trường này.
Thời gian đầu, nhiều lứa thu hoạch, trang trại phải hái bỏ vì cây nấm chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng và hình thức để cung cấp cho khách hàng. Sau đó là quá trình đi tham khảo thực tế, tìm hiểu nguyên nhân và điều chỉnh lại quy trình trồng. Trại nấm của nhóm nông dân trẻ này ứng dụng công nghệ cao với nhiều thiết bị hoàn toàn tự động. Thế mạnh về kỹ thuật của trại nấm do các nông dân trẻ thời 4.0 như Duy Linh là họ tự thiết kế trên cơ sở học, cải tạo và hoàn thiện dần những công nghệ đã có.
* Làm nông hướng về sức khỏe
Nhóm bạn của anh Linh muốn xây dựng được câu chuyện khởi nghiệp phát triển sản phẩm nấm dược liệu và nấm ăn là nguồn thực phẩm, nguồn dược liệu tốt cho sức khỏe con người.
“Văn hóa doanh nghiệp của chúng tôi là không ngại khó, thất bại và xem những khó khăn là sự trải nghiệm cần thiết khi bắt tay vào một lĩnh vực mới. Chúng tôi xem dự án phát triển cây nấm là sự nghiệp cả đời, dù cả ngày làm việc mệt mỏi nhưng tối về nhắm mắt lại vẫn cảm nhận được trọn vẹn niềm vui vì làm được sản phẩm tốt cho sức khỏe con người” - anh Duy Linh nói. |
Chàng trai trẻ Trương Minh Trung, kỹ sư nông nghiệp phụ trách phần kỹ thuật trồng nấm của Công ty TNHH Thương mại nông nghiệp Greenlife cho biết thêm, nấm mối đã có trong tiềm thức của người dân Việt Nam là đặc sản thượng hạng vì rất thơm ngon. Thời gian đầu, trang trại sẽ tập trung phát triển sản phẩm nấm mối đen vì độ ngọt, giòn dai của nó không thua gì sản phẩm thiên nhiên. Ngoài ra, loại đặc sản này còn có giá trị dược tính rất cao, đạt cả hai yếu tố vừa ngon vừa bổ, là nguồn thực dưỡng có lợi cho sức khỏe.
Người tiêu dùng vẫn chuộng sản phẩm nấm mối tự nhiên, sẽ có nhiều người nghĩ nấm thiên nhiên giờ đem trồng có còn là nấm mối hay không. Linh giải quyết vấn đề này và giải thích cho khách đây là một chi khác của nấm mối, đem đến sự đa dạng sản phẩm trong thế giới nấm đến người tiêu dùng chứ không phải mô phỏng, mạo danh nấm mối tự nhiên. “Thông điệp chúng tôi muốn truyền tải đến khách hàng là sản phẩm chúng tôi cung cấp cho các bạn là sản phẩm tốt, chất lượng cao với giá hợp lý nhất” - anh Linh nói.
Theo anh Linh, thị trường tiêu thụ nấm mối đen hiện nay còn rất lớn. Hiện sản phẩm này vẫn là dòng hàng cao cấp chủ yếu chỉ bán trong nhà hàng, khách sạn hạng sang chứ chưa trở thành món ăn phổ biến. Duy Linh muốn thương mại hóa loại đặc sản này để đa số người tiêu dùng đều có thể mua về dùng vì có mức giá phù hợp hơn. Và để nhân rộng mô hình sản xuất cho lợi nhuận kinh tế cao này, nhóm bạn trẻ của Duy Linh sẵn sàng hỗ trợ, chuyển giao công nghệ trồng nấm mối đen cho các hộ dân tại địa phương và tổ chức bao tiêu sản phẩm.
Lê Quyên