Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện kết hôn, sinh con

10:05, 15/05/2020

Nói về tình yêu và hôn nhân là đề cập đến lĩnh vực tình cảm, quan điểm cá nhân, điều kiện sống… nên không có công thức nào đúng nhất, hoàn hảo nhất đối với mỗi cá nhân. Dẫu vậy, câu chuyện về độ tuổi kết hôn, về kế hoạch sinh con vẫn luôn là một đề tài thu hút được sự quan tâm của nhiều người.

Nói về tình yêu và hôn nhân là đề cập đến lĩnh vực tình cảm, quan điểm cá nhân, điều kiện sống… nên không có công thức nào đúng nhất, hoàn hảo nhất đối với mỗi cá nhân. Dẫu vậy, câu chuyện về độ tuổi kết hôn, về kế hoạch sinh con vẫn luôn là một đề tài thu hút được sự quan tâm của nhiều người.

Chị Vũ Thị Thanh Thiên bên chồng và các con trong một chuyến du lịch
Chị Vũ Thị Thanh Thiên bên chồng và các con trong một chuyến du lịch

Đề tài ấy không chỉ là mối quan tâm của mỗi người, trong từng gia đình, mà còn ở cấp vĩ mô, nó còn ảnh hưởng đến chiến lược dân số của mỗi quốc gia.

* Mong muốn ổn định sự nghiệp, tài chính trước khi kết hôn, sinh con

Hiện nay, nhiều thanh niên tại các quốc gia phát triển đang gặp “xu thế ngại kết hôn”, khiến tỷ lệ sinh đẻ tại nhiều quốc gia giảm xuống mức báo động. Chẳng hạn, đầu tháng 5 vừa qua, Báo Nhân dân có thông tin Nhật Bản ghi nhận số trẻ em giảm kỷ lục trong lịch sử, bất chấp các nỗ lực giải quyết tình trạng giảm tỷ lệ sinh kéo dài. Hoặc mới đây, Báo Tuổi Trẻ cũng thông tin Muốn kết hôn ở Hàn Quốc? Chuẩn bị sẵn 200 ngàn USD và cho biết rất nhiều người trẻ ở xứ kim chi không dám nghĩ đến chuyện kết hôn vì gánh nặng tài chính liên quan đến việc cưới là rất lớn…

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Quyết định 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Trong đó, Đồng Nai được xếp vào nhóm địa phương có mức sinh thấp cùng với 20 tỉnh, thành khác trong cả nước. Vì thế, Chính phủ chỉ đạo chính quyền địa phương cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con; nghiên cứu, ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ 2 con; mở rộng các chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con, không khuyến khích việc kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con.

Theo quyết định này, một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích cần thí điểm như: hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình (phát triển các CLB kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi…).

Chính phủ cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con: mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; xây dựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đình; từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.

Tình trạng ngại kết hôn, ngại sinh con cũng vì thế gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội như: nhiều người cô đơn, trầm cảm khi về già, tình trạng già hóa dân số…

Ở Việt Nam, kết quả điều tra dân số năm 2019 cho thấy, vùng phát triển kinh tế thì có mức sinh thấp, nơi nhiều khó khăn thì tỷ lệ sinh con cao. Theo đó, 21 tỉnh, thành, chủ yếu là các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, trong đó có Đồng Nai, có mức sinh thấp, nghĩa là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh dưới 2 con.

Rõ ràng, áp lực kinh tế là một trong nhiều nguyên nhân khiến giới trẻ ngại kết hôn và sinh con. Bởi kết hôn và sinh con cũng đồng nghĩa với việc phải tăng chi phí thường xuyên, bớt thời gian dành cho công việc, nhu cầu bản thân… Anh N.H.K (trọ ở KP.Đồng Nai, P.Hóa An, TP.Biên Hòa) dù đã có người yêu và rất muốn kết hôn ở tuổi 29 nhưng với công việc kinh doanh tự do chưa ổn định, vẫn còn ở trọ nên anh chưa tự tin trước ngưỡng cửa hôn nhân. “Khi kết hôn là phải có trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình. Và muốn chăm lo cho gia đình được tốt thì phải có khả năng về kinh tế, nên trước mắt tôi phải lo làm ăn, tích lũy trước đã” - Anh K. bộc bạch.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, không chỉ nam giới, mà cả nữ giới cũng phải tự chủ cuộc sống và sự nghiệp của mình trước ngưỡng cửa hôn nhân. Nếu điểm lại các mốc quan trọng của một người bình thường lập nghiệp xa quê và không có sự hỗ trợ của gia đình, thì khi tốt nghiệp đại học ở tuổi 22 và tìm kiếm một công việc phù hợp với chuyên môn được đào tạo, có thể tự lập bằng chính nguồn thu nhập cố định của mình đã là một thành công bước đầu. Tiếp đó, việc sở hữu một căn nhà để an cư lạc nghiệp là cả một quá trình miệt mài phấn đấu, nỗ lực làm việc, tích lũy của mỗi người, mỗi gia đình trẻ.

* Kết hôn và ổn định sớm

Ngoài áp lực về kinh tế, thì khi kết hôn và có con nhỏ, cuộc sống của mỗi người sẽ bớt đi sự tự do như lúc còn độc thân. Sức khỏe cũng giảm sút, nhất là với phụ nữ vì phải sinh nở và chăm sóc con, nhất là giai đoạn con đầu đời, từ 0-3 tuổi. Sự nghiệp của người có gia đình từ đó cũng bị ảnh hưởng phần nào vì quỹ thời gian phải chia nhỏ cho các hoạt động trong gia đình…

Tuy vậy, theo nhiều cặp vợ chồng đã kết hôn lâu năm, những khó khăn trên chỉ là một trong nhiều giai đoạn của hôn nhân, nếu cùng nhau chia sẻ, cùng chung chí hướng, thì mọi khó khăn sẽ qua đi. Và bù lại, hạnh phúc càng được nhân lên bội phần.

Ở tuổi 44, nhưng chị Vũ Thị Thanh Thiên (TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) trông vẫn năng động, trẻ trung. Điều này có thể hiểu khi chị đứng cùng 2 cậu con trai cao lớn, một là sinh viên năm nhất đại học, một là học sinh THPT. Các con chị tự lập nên chị thong thả hơn so với những người kết hôn, sinh con muộn.

Chị Thanh Thiên cho biết chị kết hôn năm 24 tuổi. Sau đó không lâu, vợ chồng chị có 2 con, cách nhau 2 tuổi. “Giai đoạn mới lập gia đình và sinh con liên tiếp dĩ nhiên có những vất vả, nhưng vợ chồng tôi xác định tâm lý trước với nhau, dành khoảng thời gian nhất định, khoảng 5 năm, để tập trung nuôi dạy các con khi còn nhỏ. Khi các con cứng cáp hơn, tôi lại thong thả, có nhiều thời gian dành cho công việc chuyên môn là giáo viên, ngoài ra còn có thể làm những việc mình yêu thích” - chị Thiên bày tỏ.

Đa phần mọi người đều nghĩ lấy chồng sớm phải hy sinh tuổi xuân chăm sóc con mọn, là “theo chồng bỏ cuộc chơi” nhưng với chị Thanh Thiên, khi tốt nghiệp đại học xong, có công việc ổn định, tìm gặp được “một nửa” của mình thì chị luôn mơ ước có một gia đình nhỏ.

“Sinh con và chăm con dĩ nhiên rất vất vả, phải lo toan với áp lực kinh tế của cuộc sống, nhưng bù lại tôi được thực hiện thiên chức làm mẹ, một tình cảm thiêng liêng mà nếu không có con, không thể nào cảm nhận hết. Các con cũng là động lực cho vợ chồng tôi vượt qua khó khăn của cuộc sống, cố gắng hơn mỗi ngày, cũng là sợi dây vô hình gắn kết thêm tình cảm giữa vợ chồng. Và vì vậy, theo tôi, trong kế hoạch kết hôn hay sinh con, hai vợ chồng cần phải nỗ lực, chia sẻ khó khăn, vất vả cùng nhau. Mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua” - chị Thanh Thiên chia sẻ.

Như vậy, việc chọn kết hôn sớm để ổn định cuộc sống hay đợi khi tạo lập cho mình kinh tế, sự nghiệp rồi mới tiến đến hôn nhân là sự chọn lựa tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: mức độ tình cảm, hoàn cảnh, quan niệm sống của mỗi người. Song thiết nghĩ, việc tạo dựng sự nghiệp và tình cảm gia đình cần phải được cân bằng để cuộc sống mỗi người sẽ hạnh phúc và ý nghĩa hơn.        

Vì sao nên kết hôn trước 30 tuổi và phụ nữ nên có con thứ hai trước 35 tuổi?

Theo BSCK II LÊ PHƯƠNG LAN, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh (Sở Y tế), việc khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi xuất phát từ những nguyên nhân như sau:

Xét về mặt xã hội, thì những người kết hôn muộn thường có xu hướng sinh ít con.

Xét về mặt y tế, nếu phụ nữ và nam giới kết hôn trước 30 tuổi thì thường sinh 1 con trước 30 tuổi. Cần thời gian khoảng 5 năm để phục hồi sức khỏe sau sinh cho người mẹ. Do vậy, vẫn đảm bảo phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi.

BS Lê Phương Lan cho biết, các nghiên cứu y khoa cho thấy phụ nữ 35 tuổi trở lên mang thai được xếp vào nhóm người cao tuổi mang thai, do đó tỷ lệ nguy cơ thai nhi bị mắc các dị tật bẩm sinh nhiều hơn các phụ nữ mang thai ở nhóm tuổi dưới 30.

  Lâm Viên

 

Tin xem nhiều