Trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, nhiều "chiến sĩ" áo trắng phải tạm xa gia đình, người thân để lao vào cuộc chiến "chống dịch như chống giặc". Làm việc không ngừng nghỉ, nguy cơ nhiễm bệnh cao nhưng họ không nề hà mà chỉ mong muốn mọi người cùng đồng tâm chống dịch, đẩy lùi Covid-19 và cuộc sống sẽ trở lại bình thường.
Trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, nhiều “chiến sĩ” áo trắng phải tạm xa gia đình, người thân để lao vào cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”. Làm việc không ngừng nghỉ, nguy cơ nhiễm bệnh cao nhưng họ không nề hà mà chỉ mong muốn mọi người cùng đồng tâm chống dịch, đẩy lùi Covid-19 và cuộc sống sẽ trở lại bình thường.
Cán bộ y tế động viên người dân trong khu cách ly tập trung tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai |
* Đành tạm xa gia đình
Suốt tháng nay, BS D.T.C. (Khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) không về nhà ở H.Di Linh, tỉnh Lâm Đồng thăm con. Suốt 4 năm qua, dù mệt mỏi hay bận rộn với công việc, chị C. vẫn tranh thủ đón xe về nhà vào mỗi cuối tuần thăm con. Thế nhưng, đợt dịch Covid-19 này, suốt một tháng qua chị không dám về thăm con đề phòng việc lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Nhớ con, nhớ chồng, chị chỉ có thể thủ thỉ với người thân qua điện thoại.
Nhiều y, bác sĩ đã xác định tư tưởng rất rõ rằng, nếu có dịch, họ sẵn sàng vào trong tâm dịch để làm việc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Dù mỗi lần mặc đồ bảo hộ để làm công việc là vô cùng nóng nực và có những áp lực nhất định, nhưng ở mặt trận này, họ vẫn kiên trì để đẩy lùi đại dịch Covid-19. |
Từ những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý, nhân viên Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã bắt đầu thực hiện kế hoạch tiếp nhận cách ly những trường hợp trở về từ vùng dịch hay có những yếu tố nghi ngờ. Theo chị C., làm ở khu cách ly hay ở bệnh viện cũng đều là chăm sóc mọi người, khác một chút là ở bên trong khu cách ly mọi người cẩn thận hơn, tránh để bệnh lây sang mình hoặc lây nhiễm chéo cho những người khác nếu có bệnh. “Những khoảng thời gian thế này, tôi càng cảm ơn gia đình, người thân, vì yêu thương tôi, yêu thương cả nghề nghiệp mà tôi đã chọn” - chị C. chia sẻ.
Cũng như chị C., BS Đậu Ngọc Trung, phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa miệt mài với công việc đưa đón, kiểm tra sức khỏe cho những người trở về từ vùng dịch, những trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19. Từ ngày dịch Covid-19 xuất hiện vào cuối tháng 1-2020, anh Trung và đồng nghiệp bắt đầu với cuộc chiến chống lại dịch bệnh này.
Nhân viên y tế đưa người dân về cách ly tại cộng đồng |
Là bác sĩ, anh Trung còn là cha của 2 con nhỏ. Với công việc đặc thù, để phòng dịch tốt, anh và nhiều đồng nghiệp đành phải tạm xa gia đình, các con trong thời gian chiến đấu với dịch bệnh. “Tôi đã gửi con về quê ngoại rồi. Tôi nghĩ, “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19 sẽ còn gian nan, chưa biết khi nào sẽ kết thúc” - BS Trung cho hay.
Anh Trung cho biết thêm, đón người trở về từ vùng dịch hay làm việc trong các khu cách ly, điều tất yếu là các y, bác sĩ đều có sự tiếp xúc với những trường hợp F1 hoặc có các yếu tố nghi nhiễm. Do đó, nhiều nhân viên y tế đã “tự cách ly” với gia đình, người thân. Họ không về nhà mà ở lại bệnh viện, trung tâm y tế và làm việc liên tục chỉ với mong muốn đẩy lùi đại dịch này.
* Không ngại vất vả, hiểm nguy
Theo trình tự, khi nhận điện thoại đón người trở về từ vùng dịch, BS Trung cũng như đồng nghiệp phải lên đường ngay. Họ luôn ý thức về sự nguy hiểm của dịch bệnh này không chỉ đối với bản thân mà còn với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, với cộng đồng. Do đó, họ luôn mang theo đầy đủ đồ bảo hộ như: quần áo, khẩu trang, kính, nước sát trùng, găng tay, máy đo nhiệt, nước súc họng và máy phun hóa chất.
“Hơn 3 tháng nay, tôi cùng nhiều đồng nghiệp của mình gần như không nghỉ ngơi. Ngày nào cũng vậy, kể cả cuối tuần, chỉ cần nhận điện thoại là chúng tôi mặc đồ bảo hộ lên đường đón người dân từ vùng dịch trở về, không kể ngày hay đêm” - BS Trung cho hay.
Có những ngày đội phản ứng nhanh của BS Trung phải đưa gần 30 người trở về từ vùng dịch. Có người phải đưa vào khu cách ly tập trung, có người đưa về tận nhà. Công việc nhiều, các y, bác sĩ phải làm miệt mài suốt 21 tiếng (từ 7 giờ hôm nay đến 4 giờ ngày hôm sau). Đến bữa, họ chỉ ăn vội ổ bánh mì hoặc chiếc bánh bao. Đa số các trường hợp đều hợp tác thực hiện cách ly, tuy nhiên thời gian qua, BS Trung đã gặp 5 trường hợp không chịu đi cách ly tập trung dù họ là F1. “Họ khóc lóc vì sợ sống thiếu thốn trong khu cách ly. Họ đâu biết rằng, chỉ 1 ca bệnh nghi ngờ hay có tiếp xúc với người nhiễm bệnh thì hàng trăm người cùng “chạy đua” với thời gian để khống chế dịch” - BS Trung buồn nói.
Những chuyến xe chở người trở về từ vùng dịch |
Thực tế, điều kiện của các khu cách ly tại Đồng Nai khá thoáng mát, thuận tiện. Anh Đoàn Tiến Đạt, trường hợp F1 do có tiếp xúc với bệnh nhân số 124 (người đàn ông quốc tịch Brasil) đã trải qua 8 ngày tại khu cách ly tập trung ở Trường đại học Đồng Nai.
Khi nhận tin mình phải đi cách ly tập trung, anh Đạt không hề lo lắng vì anh đã chủ động cách ly tại nhà trước đó. Hơn nữa, anh Đạt hiểu rằng việc cách ly này là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho người thân và những người xung quanh. “Tôi được phục vụ chu đáo 3 bữa cơm/ngày, đo thân nhiệt 3 lần/ngày. Tôi cảm thấy thực sự thoải mái và coi đây như dịp nghỉ dưỡng đặc biệt để được “sống chậm” hơn” - anh Đạt bày tỏ.
* Và những đêm dài mất ngủ
“Nhiều đêm tôi mất ngủ vì đại dịch này dù Đồng Nai vẫn đang khá “an toàn” - TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế kiêm Phó trưởng ban Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chia sẻ.
Dù Đồng Nai chưa có ca nhiễm bệnh, nhưng những người tiếp xúc với các ca nhiễm bệnh lại khá nhiều. Khi TP.HCM huy động 150 nhân viên y tế, gần 200 công an, bộ đội, nhân viên Q.2 làm việc suốt ngày đêm nhằm dập tắt ổ dịch tại Buddha Bar & Grill thì Đồng Nai cũng phải họp khẩn trong đêm. Nguyên nhân, bệnh nhân số 124 từ ổ dịch tại Buddha Bar & Grill đã tiếp xúc với nhiều người tại Công ty TNHH Giày dép Gia Định (ở xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu). Hàng trăm người, cả nhân viên y tế lẫn công an đã phải vào cuộc xác minh, phân loại các trường hợp F1, F2, F3 và lên phương án cách ly.
“Lúc ấy, người dân hoang mang, kết quả xét nghiệm lại chưa có. Chúng tôi cũng như “ngồi trên đống lửa”. Hơn hết, chúng tôi đã bình tĩnh để đưa ra phương án là đưa những người thuộc diện F1, F2 đi cách ly tập trung, khử khuẩn toàn bộ công ty, nhà của người F1… để phòng dịch. May mắn các ca F1 đều âm tính với Covid-19” - bác sĩ Vũ kể.
Đến thời điểm này, Đồng Nai chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19. Nhưng tỉnh cũng không chủ quan mà luôn chủ động phòng dịch. Cụ thể, từ ngày 27-3, UBND tỉnh đã quyết định tạm dừng nhiều hoạt động vui chơi giải trí, nhà hàng, quán ăn… phục vụ từ 20 người trở lên. Đến ngày 1-4, toàn tỉnh cũng thực hiện “cách ly toàn xã hội” theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Khánh Ngọc