"Tuần đầu tháng 4 này lạnh lắm và bắt đầu có mưa rơi…" - Hồ Thị Thanh Hường cho chúng tôi hay từ ngôi nhà chị đang trú ngụ tại TP.Tivoli (cách thủ đô Rome, Italy khoảng 60km) - nơi cũng như mọi vùng miền khác trên toàn nước Italy đã trải qua cảnh sinh hoạt cách ly, phong tỏa từ đầu tháng 3-2020.
“Tuần đầu tháng 4 này lạnh lắm và bắt đầu có mưa rơi…” - Hồ Thị Thanh Hường cho chúng tôi hay từ ngôi nhà chị đang trú ngụ tại TP.Tivoli (cách thủ đô Rome, Italy khoảng 60km) - nơi cũng như mọi vùng miền khác trên toàn nước Italy đã trải qua cảnh sinh hoạt cách ly, phong tỏa từ đầu tháng 3-2020.
Tranh của bé Francesca do người mẹ Lê Anh Thư (Piacenza, Italy) đăng tải |
* Làm việc tại nhà
Thanh Hường là người Việt sống và làm việc tại Italy từ 2 năm trước trong ngành hạt nhân do trước đây chị tốt nghiệp thạc sĩ kỹ thuật hạt nhân và lượng tử tại Hàn Quốc, rồi từng làm ở Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học - công nghệ) 8 năm. “Tôi ở bên đây làm việc thì có hợp đồng đầy đủ với công ty, công ty đóng thuế và bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đầy đủ. Thời đầu phong tỏa, các nhân viên hạn chế đến sở làm, không lâu sau đó thì nghỉ hẳn và những gì có thể làm được đều phải làm tại nhà. Công ty cũng chưa thông báo gì chế độ lương hay phụ cấp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng tôi nghĩ sẽ có vì các gói hỗ trợ của nhà nước đã được loan báo khiến người dân an tâm nhiều. Về hoạt động chung của công ty do có tính chất liên kết quốc tế về đào tạo nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện các dự án cho Ủy ban Châu Âu nên dịch bệnh này ảnh hưởng và đình trệ rất nhiều” - Thanh Hường cho hay.
Thanh Hường tâm sự: “Một tháng qua, nước Italy khiến cả thế giới lo ngại vì sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Nhà thờ lớn Milan (Duomo di Milano) nơi tôi từng tham quan trước đại dịch luôn đông nghẹt người tham quan, cả tháng nay im lìm vắng lặng, buồn quá!”. Từ bên ngoài nghe thông tin về “ổ dịch” nước Italy hẳn ai cũng cảm thấy lo ngại và có phần hoảng sợ. Vừa qua không chỉ gia đình, người thân, bạn bè ở Việt Nam nhắn tin bảo tôi về nước đi cho an toàn hơn, mà thậm chí những bạn quốc tế bên ngoài nước Italy cũng nhắn tin nói tôi về đi, đừng tiếc công việc.
Cụ bà Italica Grondona (103 tuổi) chiến thắng được Covid-19 |
Tuy rất cảm động trước chân tình của mọi người, nhưng tôi vẫn ở lại Italy vì nhiều lý do. Thành phố tôi đang sống nơi miền trung nước Italy (với hơn 60 ngàn dân), theo thông báo chính thức không có nhiều ca dương tính với virus. Đại đa số chúng tôi chấp hành tốt khuyến cáo phải ở trong nhà theo lệnh cách ly của chính phủ. Bản thân tôi thuộc nhóm “người trẻ”, trong khi nhóm tuổi cần được bảo vệ nhiều hơn là người già và trẻ em, hoặc những người có các bệnh nền. Tôi đang khỏe mạnh và tôi không hề muốn mạo hiểm sức khỏe của mình để rời khỏi nhà, vật vã ở các sân bay 2 ngày trời, ngồi trên máy bay với nhiều hành khách trong mười mấy tiếng đồng hồ. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đó chính là những nơi có nguy cơ khiến tôi trở thành người bệnh. Còn một lý do cuối nữa là thật lòng, tôi không muốn trở thành người thêm gánh nặng cho ngân sách quê hương tôi với 14 ngày cách ly được cung cấp miễn phí cơm nước, người phục vụ... Tôi chỉ mong nước Italy và thế giới sớm đẩy lùi được dịch bệnh, đời sống trở lại bình thường”.
Sau khi trò chuyện với chúng tôi qua mạng, Thanh Hường xin tạm biệt và thông báo đã tới giờ chị dạy online tiếng Italy trình độ cơ bản (A1) cho các học viên quen biết qua mạng xã hội. “Tôi không phải giáo viên nhưng với lợi thế đang sống ở nước sở tại nên mở lớp dạy tiếng Italy online nhằm mục đích quyên tiền ủng hộ cho Chính phủ Italy và Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19” - Thanh Hường nhẹ nhàng cho biết.
* Tin ở cầu vồng
Chị Jenny Hạnh Nguyễn, một người Việt đang cư ngụ ở Ý kể về phong trào của các em nhỏ vẽ hình cầu vồng - biểu tượng của niềm hy vọng, hình trái tim biểu tượng của tình yêu thương - với màu sắc rực rỡ cùng với thông điệp “Tất cả rồi sẽ ổn thôi” (Andrà tutto bene!) lan truyền trên khắp đất nước Italy nhằm tiếp thêm sức mạnh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Các em bé của các gia đình Việt Nam tại Italy cũng tham gia vẽ. “Điều này có giá trị rất lớn trong việc động viên tinh thần của những người đang phải ở nhà một mình (người già, sinh viên xa nhà) trong thời điểm toàn quốc phải cách ly” - chị Jenny chia sẻ trên mạng xã hội.
Ở Italy, đợt “đại nạn” Covid-19 đã có rất nhiều câu chuyện, hình ảnh nhân văn xúc động lòng người trong gian khó được lan truyền rộng rãi trên mạng. Như việc một nhân viên cảnh sát ở Milan tặng cho một cụ ông chiếc khẩu trang và giúp ông đeo nó khi thấy ông rơm rớm nước mắt nói mình không có khẩu trang nên không thể đi siêu thị mua thức ăn được. Một nhóm bác sĩ từ khắp nước Italy dù bận rộn cứu chữa bệnh nhân song vẫn cố gắng dành thời gian nghỉ giữa các ca trực để cầm đàn lên và hát để động viên mọi người: “Ngày mai sẽ là một ngày mới”. Nhiều bác sĩ, y tá xếp hàng dài để hiến máu trong mùa dịch. Phía ngược lại, có công ty “Một triệu bông hồng đỏ” ở Milan đã gửi tặng hoa hồng cho các bác sĩ và y tá ở bệnh viện đang ngày đêm vất vả vì cộng đồng cùng lời tri ân: “Với lòng biết ơn to lớn, chúng tôi hy vọng sẽ cổ vũ tâm hồn bạn dù chỉ một khoảnh khắc”. Phong trào quyên góp nhu yếu phẩm chất trên xe đẩy để bên ngoài các siêu thị với dòng chữ “Ai có hãy mang tặng bằng cả trái tim. Ai cần hãy nhận bằng cả tấm lòng” cũng là một ý tưởng nhân văn và hình thành phong trào ở khắp nơi trên nước Italy.
Gia đình chị Jenny Hạnh tại TP.Olbia (Italy) vẫn đầy lạc quan. Ảnh: Hoai Vu-Bender |
“Những người Italy nổi tiếng với tinh thần lạc quan có sẵn trong DNA, trong thời kỳ đỉnh cao của dịch bệnh bên cạnh việc thực hiện tốt “khẩu hiệu “Io resto a casa” (Tôi ngồi yên ở nhà) thì còn làm những điều mà có lẽ, chỉ có những người Italy thực sự mới làm như vậy. Tinh thần của người Italy thật đáng khâm phục” - chị Jenny Hạnh Nguyễn tâm đắc.
Tranh cổ động của bé Mina - một trẻ em mang hai dòng máu Italy - Việt |
Có câu “Gian nan thử lòng người” và khi mọi người đồng lòng chung sức vượt qua, những điều kỳ diệu sẽ đến. Như cụ ông P.Guerre 101 tuổi ở TP.Rimini (sinh năm 1919 giữa đại dịch cúm Tây Ban Nha kinh hoàng ) và nay bị dương tính với Covid-19 song được chữa khỏi và trở về nhà với gia đình. Như cụ bà Italica Grondona 103 tuổi ở Genova (sinh năm 1917), đã thoát khỏi virus corona sau 20 ngày điều trị.
Câu chuyện lành bệnh và phục hồi ngoạn mục của các cụ ông, cụ bà “bách niên giai lão” này truyền cảm hứng cho bất cứ ai đang là bệnh nhân do virus, bất cứ y, bác sĩ nào đang ngày đêm chữa trị cho người bệnh ở phòng cách ly, bất cứ chính quyền nào đang quyết liệt chống dịch bệnh, rằng con người có thể giữ được vận mệnh của chính mình. Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi!
Mô hình chống Covid-19 ở Italy 1. Chính phủ luôn thảo luận với các chuyên gia, nhà khoa học ngay từ đầu. 2. Đặt sức khỏe của người dân lên ưu tiên hàng đầu. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa tối đa (cách ly, phong tỏa) và thực hiện nghiêm ngặt. 3. Luôn luôn minh bạch thông tin tối đa với người dân. Theo Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, những đặc điểm trên đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là đặc biệt hiệu quả. “Nước Italy vẫn đang trong giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng của tình trạng khẩn cấp… Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ sớm thoát khỏi “đường hầm” này, chúng tôi sẽ chiến thắng những thách thức về y tế cũng như thách thức kinh tế. Chỉ có điều chúng tôi sẽ phải thật cẩn trọng, ngay cả khi bây giờ số người nhiễm bệnh có vẻ đang giảm dần, chúng tôi cũng phải chờ đợi để không biến tất cả những nỗ lực đã thực hiện thành vô ích” - Thủ tướng Conte nói. |
Yến Thanh