Những ngày qua, đặc biệt là từ khi thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội người ta nhắc nhiều đến hai từ "sống chậm".
Những ngày qua, đặc biệt là từ khi thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội người ta nhắc nhiều đến hai từ “sống chậm”.
Chị Phạm Thị Phương Nhung (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) thường đọc sách trong những ngày ở nhà phòng dịch |
[links()] * Ý nghĩa từ việc “sống chậm”
Sống chậm ở đây được hiểu theo nghĩa tích cực, nghĩa là không lãng phí thời gian mà là trân trọng thời gian, tranh thủ khoảng thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội phòng dịch Covid-19 để làm những công việc mà trước đây do quá bận rộn, tất bật với guồng quay của cuộc sống công nghiệp thường nhật, nhiều người chưa có điều kiện để thực hiện nó. Đó có thể đơn giản chỉ là dành thời gian chăm sóc những chậu hoa cảnh trước hiên nhà; trồng thêm luống rau sau vườn hay trên sân thượng; cải tạo lại không gian phòng đọc sách hay thiết kế thêm không gian thư giãn ở phòng khách; dọn dẹp, bố trí lại căn gác nhỏ gọn gàng, ngăn nắp hay đọc tiếp những cuốn sách chưa hoàn thành như dự định của những ngày bận rộn…
“Sống chậm” cũng là việc các thành viên trong gia đình dành thời gian cùng học, cùng chơi, cùng nhau chia sẻ những công việc nhà như: nấu cơm, lau dọn phòng ốc, cùng trò chuyện, tâm sự để chia sẻ và thông hiểu nhằm giải quyết tốt mọi vấn đề phát sinh trong cuộc sống thường nhật. Đó cũng là khoảng thời gian để người ta có dịp tìm lại những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, ôn lại những kỷ niệm dấu yêu của những năm tháng đã xa bị lãng quên giữa những ngày tất bật. Để từ đó người ta gìn giữ nâng niu hơn những điều tốt đẹp và coi đó như hành trang quý giá để trân trọng mang theo và sống tốt hơn trên chặng đường đi tới.
Sống chậm có khi còn là việc ai đó có thời gian để hoạch định lại, sắp xếp lại những công việc, những dự định đang và sẽ làm một cách khoa học, thuận tiện, khả thi và hiệu quả hơn.
“Sống chậm” lại là để cảm nhận cuộc sống một cách đầy đủ và sâu sắc hơn. Trong khoảng thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội để phòng dịch Covid-19, sống chậm chính là cách làm cho cuộc sống không nhàm chán để có thể điềm tĩnh, suy nghĩ tích cực về những gì đã làm được và nỗ lực nhiều hơn, cùng nhau thực hiện các giải pháp hiệu quả vượt qua đại dịch.
* Nhân lên tình yêu
Dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng không tốt đến mọi mặt của đời sống xã hội. Việc thực hiện cách ly toàn xã hội là giải pháp cấp bách nhằm khống chế, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng nhằm bảo vệ sức khỏe của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với xã hội. Giải pháp này nhận được sự đồng thuận tích cực của toàn thể nhân dân, các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội nghiêm túc thực hiện.
Với công việc đặc thù không thể làm việc tại nhà, những ngày này chị Hoàng Thanh An (nhà ở KP.3, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) vẫn đến cơ quan làm việc và thực hiện các ca trực như thường lệ. Đương nhiên chị cũng gương mẫu thực hiện các biện pháp phòng dịch như: đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay diệt khuẩn, giữ khoảng cách trên 2m khi trao đổi công việc với đồng nghiệp…
Điều làm chị thêm ấm lòng những ngày này là vào ca trực, chồng chị thường mang cơm tối vào cơ quan để chị khỏi tất bật đi về. Chị An tâm sự: “Những năm trước, khi rảnh rỗi nhà tôi cũng thường mang cơm đến cơ quan những lúc tôi bận rộn với công việc. Thế nhưng bẵng đi thời gian dài, anh ấy phải đi dạy nhiều nơi nên không có điều kiện để làm việc này. Nay nhà trường nghỉ phòng dịch nên anh ấy có nhiều thời gian chăm lo cho vợ con. Tôi thật sự rất cảm động trước sự quan tâm này của chồng mình. Ngồi ăn cơm tôi lại nhớ về những kỷ niệm đẹp từ thời mới bắt đầu quen nhau, yêu nhau. Tình cảm vợ chồng càng thêm sâu đậm”.
Tương tự, anh Hoàng Đình Chương (ngụ KP.8, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa), là cán bộ quản lý của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phía đối tác tạm dừng việc nhập hàng, công ty anh cho người lao động tạm nghỉ 3 tuần, bắt đầu từ tháng 4 này. Lâu lắm rồi anh mới có khoảng thời gian dài để ở nhà kèm cặp con học bài, chia sẻ việc nhà cho vợ và làm các công việc mà anh yêu thích. “Vợ vẫn đi làm, mình đỡ đần bớt công việc như: nấu cơm, lau dọn nhà cửa, dạy con học, cùng các con vui chơi. Tối về gia đình cùng sum vầy bên bữa cơm. Cứ thế, thời gian dường như trôi nhanh hơn và cuộc sống cũng thật ý nghĩa” - anh Chương cho biết.
“Chúng tôi đi làm vì bạn. Bạn hãy ở nhà vì chúng ta” - thông điệp này đã và đang lan tỏa khắp nơi và càng ý nghĩa hơn trong khoảng thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội. Mỗi hành động nhỏ, sống tích cực và có ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân gia đình, xã hội lúc này là cách tốt nhất để góp sức đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Lê Quân