Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã làm thay đổi nhịp sống của nhiều người, nhiều gia đình. "Hãy ở nhà" là thông điệp được lan tỏa rộng rãi nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và "ở nhà" cũng là dịp để chúng ta tìm lại những giá trị của cuộc sống vốn bị cuốn đi bởi nhịp sống hối hả thường ngày.
Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã làm thay đổi nhịp sống của nhiều người, nhiều gia đình. “Hãy ở nhà” là thông điệp được lan tỏa rộng rãi nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và “ở nhà” cũng là dịp để chúng ta tìm lại những giá trị của cuộc sống vốn bị cuốn đi bởi nhịp sống hối hả thường ngày.
Gắn kết tình thân gia đình. Ảnh minh họa: HUY ANH |
[links()]Thay vì giữ tâm lý lo lắng, hoang mang, buồn chán trong những ngày ở nhà phòng tránh dịch bệnh thì việc hình thành lối sống, suy nghĩ tích cực được xem là một trong những “vũ khí” để đẩy lùi dịch bệnh.
* Mỗi ngày chọn một niềm vui
Con ngõ nhỏ thường ngày chị Nguyễn Hồng Lĩnh (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) vẫn hay đi qua đã thưa thớt người, cũng không còn cảnh chen chúc mua bán ở chợ chiều. Chồng và các con chị thong thả cùng nhau tưới những chậu cây cảnh trước nhà, điều hiếm thấy của gia đình chị vài tháng trước. Chị Lĩnh chia sẻ, trước đây, vào tầm giờ này vợ chồng chị đang tất bật người đón đứa lớn, người đón đứa nhỏ. Nhiều lúc nấu cơm dọn dẹp xong chồng chị lại phải đi tiếp khách. Ăn xong, con chị đã phải vào bàn học, vợ chồng và các con nhiều khi không có thời gian trò chuyện, hỏi han nhau. “Những ngày này các thành viên trong gia đình mới cảm nhận rõ hơn tình cảm gia đình, những đứa trẻ được quan tâm, gần gũi ba mẹ nhiều hơn. Thay vì đi tiếp khách, chồng tôi dành thời gian rảnh để cùng chơi với con. Tôi thì có thời gian chăm chút cho bữa cơm gia đình, cảm nhận mọi người yêu thương nhau hơn” - chị Lĩnh bộc bạch.
Sau khi có thông báo tạm nghỉ học của trường, Nguyễn Thị Yến (sinh viên đang học tập tại TP.Biên Hòa) bắt xe về Đắk Lắk và bắt đầu những ngày làm nông dân thứ thiệt. Buổi sáng, Yến dậy sớm lên rẫy thu hoạch nông sản cùng ba mẹ. Dưới cái nắng gay gắt tháng ba Tây nguyên, cô cảm nhận rõ giá trị của sức lao động, của những giọt mồ hôi. Yến chia sẻ: “Từ khi nghỉ học vì dịch bệnh, lịch sinh hoạt của tôi đã thay đổi hẳn, sáng dậy sớm lên rẫy phụ ba mẹ thu hoạch vú sữa, chiều lại chở hạt điều về nhà. Tôi còn được mẹ phân công luôn việc cơm nước của cả nhà. Tuy mệt nhưng cảm giác mình thật sự trưởng thành, cảm nhận được giá trị của lao động, của tình thân”.
* Thích nghi, sống tích cực
Dịch bệnh là điều không ai mong muốn và nó đã tạo ra cho con người những thách thức buộc chúng ta phải thích nghi và vượt qua. Mỗi người lại chọn cho mình những việc làm riêng để những ngày ở nhà trở nên ý nghĩa. Khi thể chất và đời sống tinh thần khỏe mạnh thì đó cũng là “liều thuốc” để vượt qua dịch bệnh. Mỗi người có thể dành thời gian để thực hiện những dự định mà thường ngày chưa thể thực hiện; những quan tâm, hỏi thăm đến những người bạn yêu thương; khám phá chân trời mới từ những trang sách, trải nghiệm những món ăn ngon, những giờ phút sum họp gia đình…
Cũng trong những ngày dịch bệnh trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội, những người trẻ dường như sống chậm lại để cảm nhận cuộc sống xung quanh, chia sẻ yêu thương nhiều hơn. Chị Nguyễn Thị Thùy Vân (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ, khi thực hiện cách ly toàn xã hội cùng với chủ trương tạm dừng phát hành vé số, đời sống của người nghèo, người bán vé số hẳn sẽ rất khó khăn. Với ý nghĩ phải làm gì đó để cùng chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình, chị đã vận động và cùng bạn bè trao tặng 1.200 phần quà là nhu yếu phẩm cho những người bán vé số, người già neo đơn, người mắc bệnh hiểm nghèo… |
Là HLV yoga, chị Phạm Thị Bích Liễu (ngụ TP.Biên Hòa) dành những ngày nghỉ để hướng dẫn các thành viên trong gia đình cùng tập yoga. Chị Liễu chia sẻ, những ngày này dường như ai cũng sống chậm lại. Sống chậm không phải là lãng phí thời gian mà là sống một cách kỹ lưỡng hơn để cảm nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đó có thể là ngắm một bông hồng vừa nở sau một đêm thức giấc, là cảm nhận những vết chân chim, sợi tóc bạc của người cha, người mẹ, là tiếng cười của con trẻ… Những thứ đơn giản, bình dị mà đôi khi do cuộc sống hối hả ta thường bỏ qua, đánh mất để rồi phải hối tiếc, trăn trở.
Với chị Liễu, việc cùng các thành viên trong gia đình luyện tập yoga không chỉ giúp cơ thể dẻo dai, nâng cao sức đề kháng mà còn hướng đến sự tĩnh tâm, hình thành lối sống tích cực, giảm đi những lo lắng về dịch bệnh. “Nếu bạn buồn chán, cuộc sống bạn sẽ buồn chán, còn bạn vui vẻ, lạc quan thì ngược lại. Cuộc sống muôn màu, quan trọng là bạn lựa chọn cho mình những niềm vui, làm cho đời sống tinh thần phong phú thì dù có phải ở nhà trong thời gian dài, bạn vẫn không cảm thấy buồn chán” - chị Liễu nói.
Với chị Phạm Thị Phương Nhung, hiện là nhân viên tại một công ty nước ngoài ở TP.Biên Hòa, thời gian nghỉ vì dịch bệnh chính là dịp để chị tự refresh - làm tươi mới bản thân. Trong môi trường làm việc năng động, nhiều áp lực, đôi khi khiến chị cảm thấy ngột ngạt, stress. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ty nơi chị làm việc cho nhân viên tạm nghỉ 1 tuần, chị bắt đầu lên kế hoạch để lấy lại cân bằng cuộc sống.
Chị Phạm Thị Bích Liễu hướng dẫn các thành viên trong gia đình tập yoga nâng cao sức khỏe |
“Thời gian nghỉ làm do dịch bệnh có làm bản thân lười biếng, chây ì hay không phụ thuộc vào tinh thần, kế hoạch mà bạn đặt ra cho bản thân. Trước đây do ưa xê dịch nên tôi thích đi du lịch, vừa thư giãn tránh những áp lực cuộc sống vừa nạp thêm năng lượng tích cực. Nay tạm nghỉ làm lại không họp mặt bạn bè nên tôi quyết định dành thời gian để đọc sách, mục tiêu của tôi là khám phá 5 cuốn sách trong 2 tuần tới. Ngoài ra, tôi dành nhiều thời gian để học tiếng Anh trên internet, điều này giúp ích cho tôi rất nhiều khi đi làm trở lại” - chị Nhung bộc bạch.
Hình thành lối sống tích cực cũng là cách mà chị Nguyễn Thị Thúy Hồng, giáo viên Trường tiểu học Trần Quốc Toản (TP.Biên Hòa) lựa chọn trong suốt thời gian nghỉ dạy ở nhà để phòng tránh dịch bệnh. Trong thời gian nghỉ, ngoài duy trì sinh hoạt tổ chuyên môn bằng hình thức trực tuyến, chị dành phần lớn thời gian để soạn bài gửi cho học sinh ôn tập, sửa và chấm bài cho học sinh, trau dồi thêm kiến thức, nghiệp vụ sư phạm. Chị Hồng chia sẻ, ở nhà trong khoảng thời gian dài là điều mà không chỉ trẻ con mà cả người lớn cũng khó để làm quen. Nhiều người tâm sự rằng họ bắt đầu cuồng chân, chán nản. Vậy nên việc hình thành thói quen sống tích cực trong những ngày này rất quan trọng. Để hạn chế trẻ sa đà vào các trò chơi điện tử, quên bài vở thì phụ huynh có thể cùng con hình thành những thói quen lành mạnh như duy trì việc dậy sớm mỗi ngày, tập thể dục, dành thời gian cố định để ôn bài và tìm hiểu thiên nhiên, cùng vui chơi, trò chuyện, nấu ăn…
Thảo Nguyên